Thành phố Tam Điệp: Phát triển toàn diện để trở thành vùng kinh tế trọng điểm

Nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội Đảng bộ thành phố Tam Điệp lần thứ 10 nhiệm kỳ 2020 – 2025 là đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch tạo động lực phát triển bền vững, xây dựng Tam Điệp là một trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Doanh thu công nghiệp trong 6 tháng đầu năm ước đạt 4.846 tỷ đồng, tăng 6,4%

Để sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Tam Điệp trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, thành phố tập trung phát triển kinh tế một cách toàn diện, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.

Tích cực thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng giá trị sản phẩm và đóng góp lớn cho ngân sách. Cụ thể, trong năm 2022, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt gần 15.800 tỷ đồng, sản xuất công nghiệp trở thành động lực chính của phát triển kinh tế- xã hội. Nhiều lao động có việc làm với mức thu nhập ổn định

Tiếp đó, Doanh thu công nghiệp trong 6 tháng đầu năm ước đạt 4.846 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2022. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm 2022 như: Xi măng 1.030 nghìn tấn tăng 6,0%; Thép các loại 113 nghìn tấn tăng 3,9%; Khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 82.689 nghìn tấn/km và khối lượng hành khách luân chuyển đạt 40.333 nghìn người/km. Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.232,1 tỷ đồng tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022

Khu công nghiệp Tam Điệp là một trong những khu công nghiệp quan trọng của tỉnh, được hình thành sớm, thu hút nhiều doanh nghiệp vào sản xuất tập trung, hiện tại có khoảng trên 70.000 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 67,5%; dịch vụ 30%, nông, lâm nghiệp, thủy sản 2,5%.

Bên cạnh đó, Cụm công nghiệp Trung Sơn với điện tích 44,69% sẽ thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường như: Sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm (từ cây trồng); Sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các ngành: ngành công nghiệp điện tử và công nghiệp công nghệ cao.

Cụm công nghiệp Trung Sơn với điện tích 44,69% sẽ thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường

Trong năm 2023 đã có 01 nhà đầu tư đề xuất hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư vào Cụm công nghiệp Trung Sơn. Hiện nay đề xuất của chủ đầu tư đang xin ý kiến của các sở có liên quan, sau khi được UBND tỉnh chấp thuận, UBND thành phố sẽ tiến hành các bước thành lập Cụm công nghiệp Trung Sơn theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tận dụng những lợi thế từ điều kiện tự nhiên, công nghiệp chế biến nông sản của Tam Điệp đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, thành phố đã tập trung huy động nhiều nguồn lực cho phát triển hạ tầng, xây dựng các quy hoạch ngành, hình thành cơ chế kết hợp và thúc đẩy lẫn nhau giữa sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Khi về thăm và làm việc tại thành phố Tam Điệp Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cũng nhấn mạnh:

“Thành phố Tam Điệp cần phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh riêng của mình; đặc biệt là lợi thế về vị trí giao thông kết nối các vùng trong tỉnh, liên tỉnh; vị trí cửa ngõ quan trọng của Ninh Bình trong việc giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với vùng Bắc Trung Bộ. Quyết tâm thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất từ "nâu" sang "xanh", với động lực phát triển trong giai đoạn tới của Tam Điệp là công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao; chế biến nông sản chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; phát huy giá trị văn hóa-lịch sử, cảnh quan để phát triển dịch vụ và du lịch……Xây dựng thành phố Tam Điệp là khu vực phòng thủ vững chắc, phấn đấu trở thành vùng kinh tế động lực phía Tây Nam tỉnh Ninh Bình."

Minh Huế

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/thanh-pho-tam-diep-phat-trien-toan-dien-de-tro-thanh-vung-kinh-te-trong-diem-108206.htm