Thành phố phía tây Hà Nội có gì đặc biệt?

UBND TP Hà Nội mới đây đã gửi tới HĐND Thành phố tờ trình Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, trong đó có nội thành lập Thành phố phía Tây Thủ đô.

Ngày 5/12, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 chính thức khai mạc kỳ họp thứ 14 (kỳ họp thường lệ) năm 2023. Dự kiến, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 sẽ được HĐND TP Hà Nội xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này.

Theo đồ án, thành phố phía Tây bao gồm đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai. Thành phố này dự kiến được nghiên cứu phát triển mở rộng ra đến sông Tích, sông Bùi, là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo. Tổng diện tích thành phố khoảng 251 km2, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người.

Cũng theo dự thảo trên, đất xây dựng đô thị khoảng 135 km2, dân số khoảng 1,08 triệu người; khu vực ngoại thị khoảng 116 km2, dân số khoảng 0,12 triệu người. Đơn vị hành chính bao gồm 16 phường và 8 xã.

Một góc Khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: KTĐT.

Đô thị Hòa Lạc sẽ là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao. Là thành phố của những trung tâm nghiên cứu, có các trường đại học, có khu công nghệ cao, trung tâm thí nghiệm, nhấn mạnh công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, ứng dụng và chuyển giao công nghệ...

Đô thị Xuân Mai sẽ là trung tâm giáo dục, nghiên cứu và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục như trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm hỗ trợ nghiên cứu, phòng thí nghiệm/ phòng nghiên cứu cộng đồng, trung tâm mô phỏng 3D, trung tâm dịch vụ thử nghiệm sản phẩm nghiên cứu... Cùng với đó, một phần thành phố dự kiến phát triển trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh hóa phẩm phục vụ cho Hà Nội, khu vực Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Hình thành đô thị thông minh, là thành phố khoa học, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, tiếp thu trình độ khoa học và công nghệ quốc tế, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hình thành đô thị du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm vùng phía Tây Hà Nội được xây dựng dựa trên cấu trúc địa hình tự nhiên, gắn kết với hệ thống Ba Vì - Đồng Mô và sông Tích, hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia như QL 21, đường Hồ Chí Minh.

Xây dựng đô thị theo mô hình đô thị hiện đại, chất lượng cao, phát triển nhà cao tầng tại khu vực trung tâm và các khu vực đầu mối giao thông. Xây dựng các đô thị sinh thái, khu ở mới đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, phát triển gắn kết với địa hình đồi núi và hệ thống hồ nước hiện có của khu vực.

Hình thành các cụm không gian chức năng gồm trường Đại học; khu công nghệ cao; Khu trung tâm y tế tập trung; Khu đô thị sinh thái; phát triển các trung tâm dịch vụ thương mại, chợ đầu mối nối kết Hà Nội với các tỉnh phía tây bắc đất nước.

Phát triển các dự án vui chơi giải trí, du lịch sinh thái phục vụ nhân dân thủ đô và vùng phụ cận. Cùng với đó, khoanh vùng bảo tồn hệ sinh thái đặc trưng như Núi Thoong, sông Tích, sông Bùi, hồ Đồng Sương, hồ Văn Sơn,... kết hợp phát triển dịch vụ du lịch sinh thái.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/thanh-pho-phia-tay-ha-noi-co-gi-dac-biet.html