Thành phố nào tại Nam Bộ được đặt tên theo một loài cây?

Đây là thành phố của một trong những tỉnh lớn nhất miền Tây Nam Bộ, có nhiều lợi thế phát triển kinh tế như du lịch, dịch vụ, xuất khẩu, nông nghiệp, lâm nghiệp…

1. Thành phố nào tại Nam Bộ được đặt tên theo một loài cây?

Thành phố Rạch Giá (Kiên Giang)
Thành phố Cà Mau (Cà Mau)
Thành phố Bạc Liêu (Bạc Liêu)
Thành phố Long Xuyên (An Giang)

Chính xác

Theo Cổng thông tin điện tử thành phố Rạch Giá, địa phương này xưa kia là nơi có nhiều cây giá, mọc khắp nơi thành rừng, đồng thời có một rách nước chảy ngang ra biển. Những lưu dân đầu tiên đến đây khai hoang, dựa vào đặc điểm trên mà đặt tên cho vùng đất là Rạch Giá.

Giá là thực vật sống được ở vùng ngập nước, cửa biển, tương tự cây bần, đước, mắm, sú, vẹt… Theo nhà nghiên cứu Sơn Nam (1926-2008), cây giá xuất hiện từ rất lâu tại Nam Bộ, chịu đựng được môi trường khắc nghiệt. Rễ cây không to nhưng đan chằng chịt vào nhau theo vòng tròn, giúp chống lại sức mạnh của gió thổi, sóng đánh. Khi về già, lá cây không ngả vàng mà chuyển sang màu đỏ như máu.

2. Thành phố này có tượng đài của vị anh hùng dân tộc nào?

Nguyễn Thiện Thuật
Nguyễn Trung Trực
Phan Đình Phùng
Nguyễn Quang Bích

Chính xác

Nguyễn Trung Trực (1838-1868) là thủ lĩnh nổi tiếng của phong trào chống Pháp tại Nam Bộ nửa cuối thế kỷ XIX. Ông sinh ra trong gia đình chài lưới tại phủ Tân An, tỉnh Gia Đinh (nay là Bến Lức, tỉnh Long An).

Năm 1859, Pháp đánh Gia Định, ông đầu quân cho Nguyễn Tri Phương nhưng không được trọng dụng nên đã lui về Tân An. Đến năm 1860, Nguyễn Trung Trực gia nhập nghĩa quân Trương Định và lập được nhiều chiến công lớn, khiến quân Pháp kinh hãi. Sự nghiệp chống giặc ngoại xâm của ông được người đời nhớ đến với hai câu thơ, cũng là hai trận đánh lưu danh sử sách: “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”.

Năm 1868, Nguyễn Trung Trực bị Pháp bắt và hành quyết tại Rạch Giá. Trước khi qua đời, ông khảng khái đáp lại lời dụ hàng của quân giặc: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.

3. Kiên Giang là tỉnh lớn thứ mấy tại vùng Tây Nam Bộ?

1
2
3
4

Chính xác

Kiên Giang là tỉnh lớn nhất miền Tây Nam Bộ với diện tích 6.348km2, xếp sau là Cà Mau với 5.294km2 và Long An với 4.490km2.

Tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, do đó sở hữu bề dày lịch sử, đa dạng văn hóa bậc nhất miền Nam. Kiên Giang cũng là điểm thu hút khách du lịch với nhiều danh thắng như hòn Phụ Tử, đảo Phú Quốc. Ngoài ra, tỉnh có tiềm năng phát triển kinh tế nhờ nguồn lợi từ nông, lâm nghiệp. Theo thống kê 2023, quy mô kinh tế Kiên Giang đạt gần 130.000 tỷ đồng, xếp thứ hai trong vùng. Sản lượng lúa cả năm đạt 4,55 triệu tấn và có 8,6 triệu lượt khách du lịch.

4. Ngoài Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang còn có thành phố nào?

Kiên Giang
Tân An
Cao Lãnh
Hà Tiên

Chính xác

Thành phố Hà Tiên nằm phía Tây Bắc tỉnh Kiên Giang, thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nằm trong tam giác vàng du lịch Rạch Giá – Hà Tiên – Phú Quốc.

Hà Tiên là tên gọi có từ xa xưa, khi Mạc Cửu – một vị quan nhà Minh, vì tránh sự truy đuổi của nhà Thanh mà tìm đến miền Nam, Việt Nam để khai hoang, mở đất. Năm 1708, ông dâng đất và về dưới sự bảo hộ của chúa Nguyễn. Đến 1832, vua Minh Mạng đổi trấn Hà Tiên thành tỉnh Hà Tiên, bấy giờ gồm toàn bộ tỉnh Kiên Giang và một số vùng của các tỉnh lân cận ngày nay.

5. Tỉnh Kiên Giang không giáp địa phương nào sau đây?

Hậu Giang
An Giang
Tiền Giang
Bạc Liêu

Chính xác

Tỉnh Kiên Giang bao gồm đất liền và hải đảo. Phần hải đảo nằm trong vịnh Thái Lan với hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là đảo Phú Quốc và xa nhất là đảo Thổ Chu.

Trên đất liền, phía Bắc của tỉnh giáp tỉnh Kampot, Campuchia, đường biên giới dài 56,8km. Phía Nam giáp tỉnh Cà Mau, phía Tây giáp biển với đường bờ biển dài 200km. Phía Đông tiếp giáp với An Giang, Hậu Giang, Bạc Liệu và thành phố cần Thơ. Tỉnh Kiên Giang không nằm cạnh tỉnh Tiền Giang.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thanh-pho-nao-tai-nam-bo-duoc-dat-ten-theo-mot-loai-cay-2267424.html