Thành phố hội nhập và phát triển: Hướng đến hệ thống giao thông hiện đại, kết nối đa trung tâm

Là đô thị có quy mô lớn nhất cả nước, giữ vai trò đô thị trung tâm ở khu vực phía Nam, TP Hồ Chí Minh đang có tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế.

Thống kê cho thấy, hiện nay, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng tại TP Hồ Chí Minh chỉ đạt gần 13% (thấp hơn 10% so với quy chuẩn); tổng chiều dài các đường trên địa bàn hơn 4.700km, mật độ 2,26km trên một km2 (chỉ bằng 1/5 quy chuẩn)... Các chỉ số, tỷ lệ trên thấp hơn các thành phố tương đồng, đang phát triển như: Băng Cốc (Thái Lan), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Singapore...

Giao thông TP Hồ Chí Minh. Ảnh: baogiaothong.vn

Hiện trạng nêu trên xuất phát từ những điểm nghẽn trong phát triển các dự án giao thông theo quy hoạch. Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiều năm trước, hệ thống giao thông ở TP Hồ Chí Minh có đầy đủ 5 loại hình: Đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải và hàng không. Thế nhưng, hiện nay các dự án giao thông triển khai theo các quy hoạch này đều bị chậm trễ, nguyên nhân do vướng mắc về cơ chế, chính sách, nguồn vốn...

Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội đã mở ra cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là tạo nhiều cơ hội, điều kiện thúc đẩy hạ tầng giao thông. Trên cơ sở này, đầu tháng 8, UBND TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phù hợp để tạo đột phá hạ tầng giao thông trong thời gian tới. Cụ thể, đã cập nhật, bổ sung quy hoạch giao thông vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Theo đó, quy hoạch TP Hồ Chí Minh là đô thị đa trung tâm với định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), từng bước giảm dần áp lực tại khu trung tâm, hướng đến hình thành và phát triển các khu đô thị “vệ tinh”, gắn với chức năng đô thị nổi trội trong tổng thể TP Hồ Chí Minh và vùng đô thị.

Trong đó, TP Thủ Đức là đô thị thông minh, sáng tạo, tương tác cao phía Đông; Cần Giờ là đô thị sinh thái, cửa ngõ giao thương với quốc tế bằng đường biển; khu đô thị phía Nam, Tây Nam là cửa ngõ kết nối với miền Tây; khu đô thị phía Tây Bắc là cửa ngõ kết nối với Bình Dương, Tây Ninh... Bên cạnh đó, các quy hoạch hạ tầng giao thông thủy nội địa, đường ven biển, hệ thống giao thông kết nối liên tỉnh, cảng biển cũng đã được bổ sung, cập nhật.

Việc hoàn thành cập nhật, bổ sung quy hoạch nêu trên được coi là bước đột phá, có tính nền tảng, cơ sở để Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội được triển khai ngay, giải quyết các điểm nghẽn hạ tầng giao thông. Điều này cũng thể hiện, sự vào cuộc kịp thời của TP Hồ Chí Minh trong công tác chuẩn bị, đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng về quy hoạch, xác định rõ định hướng phát triển hạ tầng giao thông, tận dụng tối đa thời gian, cơ hội, động lực từ những cơ chế, chính sách thí điểm.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, quy hoạch và việc triển khai hạ tầng giao thông có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo động lực phát triển của TP Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu đi lại rất lớn của một đô thị trung tâm, nên đây được coi là một nhiệm vụ mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, gắn với quyết tâm chính trị cao nhất.

Thành phố quyết tâm thực hiện nghị quyết mới đạt hiệu quả cao nhất, phấn đấu trong những năm tới sẽ đưa TP Hồ Chí Minh thành đô thị có hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, thông minh, đáp ứng các yếu tố giao thông xanh, tương xứng với đô thị phát triển hiện đại, văn minh ngang tầm khu vực Đông Nam Á và các đô thị hiện đại trên thế giới.

ĐẶNG BẢO MINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thanh-pho-hoi-nhap-va-phat-trien-huong-den-he-thong-giao-thong-hien-dai-ket-noi-da-trung-tam-740421