Thành phố Hồ Chí Minh phát triển công nghiệp văn hóa

Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố đến năm 2030.

Một tiết mục trong chương trình “Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản tỏa sáng”.

Nhiều mục tiêu được thành phố đặt ra nhằm đưa ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế sản xuất, dịch vụ và kinh tế sáng tạo quan trọng. Những tín hiệu lạc quan từ các hoạt động điện ảnh, âm nhạc, du lịch văn hóa… thời gian qua cho thấy, thành phố quyết tâm trong mục tiêu cho phát triển ngành công nghiệp văn hóa mạnh mẽ trong thời gian tới.

Với thế mạnh là trung tâm kinh tế, giáo dục, khoa học-công nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo của cả nước. Trong đó, việc xác định thế mạnh sẽ giúp cho thành phố sớm thực hiện thành công Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa đã đề ra.

Xác định thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa

Những ngày cuối năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh càng trở nên nhộn nhịp, sôi động với nhiều sự kiện văn hóa, du lịch được tổ chức. Đáng chú ý, trong những ngày đón Giáng sinh vừa qua, không khí tại trung tâm thành phố “nóng” hơn với sự kiện Lễ hội âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh Hò Dô 2023.

Thành công với hai lần tổ chức trước đó khiến Hò Dô trở thành một Lễ hội âm nhạc thường niên của thành phố có sức lan tỏa lớn, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt, có chỗ đứng vững chắc trên “bản đồ” Lễ hội âm nhạc thế giới. Năm nay, ba đêm chính của lễ hội Hò Dô (HOZO Super Fest 2023) được diễn ra vào ba ngày (22, 23, 24/12) tại trục đường đi bộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi, quận 1.

Sân chơi lớn này không chỉ mang đến cho khán giả một không gian âm nhạc hoành tráng mà còn có những hoạt động trải nghiệm đa giác quan, mang tiêu chuẩn của một siêu lễ hội đẳng cấp trong dịp Giáng sinh 2023. Hơn 150 nghìn khán giả đã có dịp hòa mình vào không gian âm nhạc đặc sắc qua màn trình diễn đỉnh cao của 10 nghệ sĩ, nhóm nhạc quốc tế và 14 đại diện Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, lễ hội Hò Dô nằm trong kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Tổ chức Lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn từ năm 2020-2030”, hướng đến mục tiêu đầu tư phát triển ngành công nghiệp văn hóa và kích cầu du lịch thành phố. Lễ hội là một trong những dự án đi đầu và đáp ứng đầy đủ chủ trương của thành phố trong việc tạo ra các thương hiệu văn hóa mới, qua đó đẩy mạnh phát triển văn hóa song song với kinh tế.

Với định hướng xây dựng hệ thống thương hiệu văn hóa-nghệ thuật đặc trưng, góp phần phát triển ngành du lịch, Hò Dô được kỳ vọng thu hút số lượng lớn khách du lịch quốc tế, kéo dài thời gian lưu trú, là nền tảng kích cầu du lịch, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế vào mỗi dịp cuối năm.

Theo Đề án phát triển công nghiệp văn hóa, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung thực hiện chỉ tiêu chủ yếu của tám ngành: Điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang. Trong đó, ngành quảng cáo, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, triển lãm là những thế mạnh của thành phố trong thời gian qua.

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân thành phố đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa trong GRDP ngày càng tăng, thể hiện vị thế của ngành đối với kinh tế thành phố. Cụ thể, đóng góp của sản xuất công nghiệp văn hóa vào GRDP năm 2010 chiếm tỷ lệ 3,77%, đến năm 2019 chiếm tỷ lệ 3,88%, trong đó ngành có tỷ lệ đóng góp lớn nhất là quảng cáo. Bên cạnh đó, điện ảnh cũng là lĩnh vực thế mạnh của thành phố trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là một trong những trung tâm lớn nhất của cả nước về cơ sở sản xuất và thị trường điện ảnh. Các cơ sở hoạt động trên lĩnh vực này tăng đều qua các năm, từ 282 cơ sở năm 2010 tăng lên 674 cơ sở vào năm 2015 và đến năm 2019 đã tăng lên 834 cơ sở. Các cơ sở hoạt động trong ngành điện ảnh chủ yếu thuộc về doanh nghiệp ngoài nhà nước, với tỷ lệ chiếm hơn 98%.

Để đẩy mạnh ngành điện ảnh, thành phố đã có kế hoạch tổ chức nhiều sự kiện nhằm đưa điện ảnh thành phố vươn xa. Liên hoan Phim ngắn Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất vừa tổ chức thành công trong năm 2023 được xem là bước cơ bản, nền tảng trên con đường thực hiện ước mơ ấy. Liên hoan sẽ được tổ chức thường kỳ hai năm một lần nhằm khuyến khích sự sáng tạo, phát huy tiềm lực trong sản xuất phim ngắn; tôn vinh các tác phẩm đặc sắc, giàu giá trị về tư tưởng, nghệ thuật, tính nhân văn.

Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố sẽ tổ chức Liên hoan Phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần đầu vào năm 2024 và đăng cai tổ chức Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 24 năm 2025. Đây là các hoạt động liên tiếp, mang tính tổng thể nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển ngành công nghiệp điện ảnh của thành phố.

Phát huy hiệu quả mọi nguồn lực

Theo Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đặt ra mục tiêu để đưa văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo đến năm 2030 “Phát triển ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế sản xuất, dịch vụ và kinh tế sáng tạo quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa của thành phố; gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế văn hóa, con người Thành phố Hồ Chí Minh ra khu vực và thế giới”.

Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực; đầu tư nguồn lực phù hợp, khuyến khích xã hội hóa, tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, có nhiều giá trị đóng góp vào GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh, gồm: Quảng cáo, thời trang, triển lãm, điện ảnh, du lịch văn hóa.

Thành phố cũng định hướng và từng bước phát triển các ngành nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, mỹ thuật trở thành ngành dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, đồng thời, xây dựng sản phẩm, dịch vụ văn hóa đặc trưng của tám ngành công nghiệp văn hóa…

Hiện nay, thành phố đã xây dựng kế hoạch gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trên lĩnh vực điện ảnh là một trong những lợi thế, thế mạnh của ngành công nghiệp văn hóa ở thành phố. Theo PGS, TS Huỳnh Quốc Thắng, Trường đại học khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện công nghiệp văn hóa hay Thành phố sáng tạo UNESCO đều nhằm mục đích xây dựng thương hiệu địa phương của các thành phố trên toàn thế giới.

Chính vì thế, thành phố cần xem xét, xác định rõ thương hiệu địa phương của mình là gì để có thể tập trung xây dựng, phát triển “Thành phố sáng tạo”, khẳng định với thế giới, qua đó phát triển công nghiệp văn hóa hiệu quả, phát huy được thế mạnh, bản sắc riêng của thành phố. Theo Tiến sĩ Hà Thanh Vân, giảng viên Trường đại học Hùng Vương, muốn phát triển điện ảnh, Thành phố Hồ Chí Minh cần phải phát triển có bề dày, sâu, rộng, hướng tới tương lai. Thành phố cần mở thêm cơ sở đào tạo lĩnh vực điện ảnh, mở các khóa học ngắn hạn, cấp chứng chỉ về đào tạo diễn xuất, làm phim… với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế; phát triển đa dạng các lĩnh vực của điện ảnh, đồng thời tổ chức nhiều tuần lễ phim với các chuyên đề khác nhau…

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mục tiêu của Đề án phát triển công nghiệp văn hóa cần hướng đến một nền “văn hóa đỉnh cao” mà một thành phố lớn cần phải có. Đó là đỉnh cao về chất lượng nghệ thuật, cơ sở vật chất và trình độ nguồn nhân lực. Đề án cần chú trọng các loại hình văn hóa điển hình, đặc trưng mang bản sắc của Thành phố Hồ Chí Minh và Nam Bộ, như Đờn ca tài tử, nghệ thuật cải lương,… Chính vì thế, thành phố cần sớm xây dựng sản phẩm văn hóa đặc trưng cho vùng để tạo điểm nhấn đặc sắc trong phát triển du lịch văn hóa. Song song với đó, hệ thống các công trình di sản văn hóa trên địa bàn thành phố cần được quy hoạch, tu bổ, đưa vào các tour tham quan.

Đây là tiềm năng rất lớn của thành phố nếu kết hợp tốt với ngành du lịch sẽ thu hút đông đảo lượng khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia văn hóa, thành phố cần xây dựng, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ sản xuất, ưu đãi thuế, đầu tư vốn để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Đối tác công-tư đang là phương thức được các nước trên thế giới quan tâm, và trên thực tế phương thức này đã thành công ở một số địa phương trong nước. Thành phố Hồ Chí Minh cần quan tâm đến phương thức này bởi sẽ tăng sự liên kết giữa công và tư, thu hút các doanh nghiệp tư nhân đóng góp tài chính, kỹ thuật, tài trợ để phát triển công nghiệp văn hóa.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 13, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa 10, nhiệm kỳ 2021-2026, đã thông qua nhiều chính sách quan trọng thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có Nghị quyết ban hành danh mục dự án để kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục-đào tạo, thể thao và văn hóa. Đây là bước khởi đầu thuận lợi để Thành phố Hồ Chí Minh tháo gỡ những vướng mắc, trở ngại, đưa ngành công nghiệp văn hóa thành phố phát triển như mong muốn.

Theo Baonhandan

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/van-hoa/giai-tri!/thanh-pho-ho-chi-minh-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-185590.html