Thành phố Hồ Chí Minh: Lắp mái che vỉa hè đường Lê Lợi – liệu có khả thi?

ng Lê Lợi là trục đường thương mại, dịch vụ, thường xuyên là nơi dừng chân của du khách trong, ngoài nước và là cầu nối giữa các công trình trọng điểm của thành phố như: chợ Bến Thành, Nhà hát Thành phố và Phố đi bộ Nguyễn Huệ. Do đó, cơ quan chức năng thành phố mong muốn nghiên cứu xây dựng trục đường này trở thành khu phố thương mại đi bộ thân thiện, hiện đại.

Một góc đường Lê Lợi nhìn từ trên cao (ảnh Internet).

Thực trạng

Ngay sau đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh đã có đề xuất về việc lắp đặt mái che vỉa hè trên đường Lê Lợi, quận 1 – một con đường có bề dày lịch sử lâu đời của thành phố, khi đề xuất này ra đời đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía dư luận cũng như trong giới chuyên môn.

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc, do không thể bố trí ngay cây và mảng xanh đủ lớn để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước nên giải pháp hiện nay là tăng cường mái che để vừa che nắng che mưa, vừa tạo không gian đi bộ thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch...

Theo đề xuất, mái che có kết cấu khung sắt lợp tôn và đóng trần phía dưới; mái che sẽ vươn ra vỉa hè 4m (vỉa hè mỗi bên 5,5 – 6m). Vật liệu được sử dụng gồm các chất liệu đẹp, bền vững với chi phí tiết kiệm, kết hợp các loại vật tư có màu sắc nhẹ nhàng, có thiết kế hài hòa với cảnh quan chung của khu vực. Kinh phí ước tính sơ bộ ban đầu khoảng 20 đến 30 tỷ đồng.

“Phương án mái che sẽ đem lại hiệu quả nhất định cho tuyến đường và cả khu vực trung tâm như: thay thế dãy cây xanh bị di dời, tạo bóng mát, tạo không gian bên dưới thân thiện, an toàn cho người đi bộ, đồng thời tạo điều kiện kinh doanh cho chủ các dãy nhà và cửa hàng”, Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết.

Cần bảo tồn không gian kiến trúc xưa

Khi nhận được đề xuất này, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Vũ Nguyễn Quang Vinh đã ký văn bản gửi Sở Quy hoạch Kiến trúc thống nhất và ủng hộ phương án. Tuy nhiên, UBND quận 1 cho biết, thuyết minh của Sở Quy hoạch Kiến trúc chưa có dữ liệu điều tra xã hội học để phân tích những tác động tích cực và tiêu cực đến cộng đồng dân cư xung quanh. Do đó, chưa có thêm cơ sở để đánh giá hiệu quả cũng như ảnh hưởng đến khu vực, đến cuộc sống người dân của phương án.

Nhưng UBND quận 1 cũng có ý kiến đóng góp cho phương án mái che có kết cấu mái neo từ tường nhà hiện hữu. Theo quận 1, đây là dãy nhà được xây dựng từ trước năm 1975, đã hết niên hạn sử dụng. Do đó, khi thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần được tính toán chi tiết để đảm bảo an toàn sử dụng. Bên cạnh đó cũng cần xem xét thêm các yếu tố kỹ thuật như thoát nước, thu nước mưa như thế nào. Sau thời gian sử dụng 2, 3 năm cần tính toán trước biện pháp duy tu, bảo trì.

Quận 1 cũng đề xuất Sở cần có thêm các phương án kiến trúc hình thức uốn lượn mềm mại, hài hòa hơn. Không bố trí mái che suốt chiều dài tuyến phố, thay vào đó, nghiên cứu bố trí mái che tại các vị trí chịu nhiều ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời, xen kẽ các mảng xanh tạo cảm giác dễ chịu cho người đi đường.

Về mặt cảnh quan đô thị, UBND quận 1 đề xuất thiết kế thêm mảng xanh có thể tách rời khỏi khu đất nhà dân, trồng cây xanh đường phố, tạo cảm giác gần gũi, thân thiện, tạo mỹ quan, cải thiện môi trường sống, lọc sạch không khí, hạn chế ô nhiễm, tiếng ồn, giảm nhiệt độ đường phố, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Có thể sơn màu mặt tiền các căn nhà cho sinh động để làm mới bộ mặt tuyến phố.

Ông Vinh cho biết, hiện nay quận 1 đang xây dựng đề án tiếp nhận quản lý và khai thác khu trung tâm. Theo đó, đề xuất giải pháp tăng bóng mát bằng hệ dàn mái xanh kết hợp thiết kế chiếu sáng vào ban đêm. Do đó, đề xuất Sở Quy hoạch - Kiến trúc xem xét nghiên cứu thêm giải pháp như trên cho tuyến Lê Lợi, nhằm tạo sự kết nối và đồng bộ với phố đi bộ Nguyễn Huệ và khu vực chợ Bến Thành. Nghiên cứu ý tưởng tôn tạo lại cảnh quan Sài Gòn xưa, nhằm lưu giữ các giá trị phi vật thể của đô thị. Tái hiện cảnh quan, không gian kiến trúc xưa để người dân thành phố, khách du lịch có những phút giây hoài niệm khi dừng chân nơi đây.

Cần cân nhắc tính khả thi

Chia sẻ về vấn đề kinh phí, ông Vinh cho biết, để thực hiện lắp đặt dàn mái cho tuyến đường Lê Lợi với chiều dài 503m cần khoảng 20 – 30 tỷ đồng, trung bình 1m có giá 40 - 60 triệu đồng. Nếu huy động việc đóng góp từ các hộ dân trên tuyến đường thì chi phí mỗi hộ góp khoảng 120 - 180 triệu đồng. Đây là một khoản chi phí khá lớn để có thể vận động người dân đóng góp. Chưa kể, hiện trạng khu vực là nhà riêng lẻ, nhà chung cư cũ và nhà nhiều hộ, nhiều tầng cũng khó khăn trong việc vận động người dân tham gia…

Theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia quy hoạch đô thị cho biết, đường Lê Lợi từng có hàng cây xanh rất đẹp nhưng trước đó buộc phải chặt bỏ để thực hiện dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Do đó, cần thiết phải trồng lại hàng cây mới để tạo bóng mát và cảnh quan.

“Trong tương lai, chúng ta phải vừa bảo tồn, vừa chỉnh trang và phát triển khu vực này. Hiện nay, trục đường Lê Lợi vừa có yếu tố thương mại vừa có yếu tố lịch sử. Ngoài ra, đây là điểm kết nối hai nhà ga metro là ga Bến Thành và ga Nhà hát Thành phố. Do đó, theo kinh nghiệm quốc tế thì trục đường này sẽ là nơi người dân và du khách đi bộ giữa hai nhà ga, vừa tham quan, vừa mua sắm, thưởng ngoạn”, ông Sơn nói.

Tuyến đường Lê Lợi từ chợ Bến Thành ra Nhà hát thành phố (ảnh Internet).

Theo ông Sơn, Thành phố Hồ Chí Minh có khí hậu hai mùa mưa - nắng rõ rệt, nên việc lắp mái che cũng rất cần thiết. Tuy nhiên, mái che phải vừa gắn công trình lịch sử như chợ Bến Thành và một số nhà phố cũ vừa gắn với các công trình mới. Giữa công trình cũ và mới cần tính việc lắp mái che xuyên suốt hai bên đường đủ dài, tránh đoạn có, đoạn không.

“Tất cả phải gắn kết công trình thật hài hòa, việc lắp mái che phải tính toán cao độ, độ hài hòa, thiết kế mái ra sao để che mưa nắng liên tục... tránh mất tiền lại không phù hợp với diện mạo đô thị”, ông Sơn cho biết.

Trái ngược với ông Sơn, TS Võ Kim Cương – nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hồ chí Minh lại cho rằng chưa thực sự cần lắp thêm mái che cho tuyến đường Lê Lợi.

Bởi lẽ, nếu muốn làm mái che cho đường Lê Lợi thì phải biến con đường trở thành phố đi bộ, lắp mái giúp che nắng, mưa. Xây dựng các khu vực dừng chân nghỉ ngơi cho người đi bộ tham quan, mua sắm hay đến nhà ga. Từ đó cần phải lập thêm các kế hoạch điều chỉnh các tuyến giao thông, phân luồng xe. Ngoài ra, còn phải tính phương án bảo trì bảo dưỡng công trình. Vì vậy, việc lắp mái che và phát triển không gian đi bộ ở đường Lê Lợi hiện nay là chưa cần thiết.

Theo ông Cương, đường Lê Lợi là trục giao thông lớn khác với các tuyến phố nhỏ. Nhiều nơi trên thế giới cũng làm mái che nhưng riêng đường Lê Lợi phải tính toán nhiều hơn vì liên quan tới bảo tồn cảnh quan. Nếu muốn tạo bóng mát thì có thể trồng cây xanh lớn qua đầu người để sớm tạo bóng mát. Chỉ 3 - 4 năm là đã có được bóng mát và hàng cây xanh trong khu đô thị.

Theo các chuyên gia, cái khó là công trình ở tuyến đường này không đồng bộ, nếu làm mái che thì giải pháp như thế nào để hài hòa, hiệu quả và có thẩm mỹ để phù hợp với cảnh quan đô thị xung quanh.

Cao Cường

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-lap-mai-che-via-he-duong-le-loi-lieu-co-kha-thi-351997.html