Thành phố Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp tất bật tìm công nhân

Sau Tết Nguyên đán 2024, với việc có thêm nhiều đơn hàng mới, không ít doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) bắt đầu thông báo tuyển dụng thêm lao động.

Nhiều doanh nghiệp thiếu lao động

Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) vừa phát đi thông báo tuyển dụng 1.000 lao động ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024. Đây là đợt tuyển dụng lớn đầu tiên trong năm nay sau khi công ty sa thải gần 10.000 lao động trong năm 2023 do thiếu đơn hàng. Đây được xem là một tín hiệu khả quan, cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã khởi sắc sau một năm trải qua nhiều “sóng gió”.

Theo đó, Công ty PouYuen sẵn sàng tuyển dụng lao động trên 40 tuổi có tay nghề, đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm và lương thưởng phúc lợi theo quy định pháp luật. Công ty còn hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà vào các dịp lễ, Tết, sinh nhật… Ngoài ra, công ty có xe đưa rước cho công nhân tại Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Tháp.

Lao động ngành xây dựng có nhiều cơ hội việc làm trong năm 2024.

Có đơn hàng đến quý III/2024, Công ty Giày da Thiên Phát (thành phố Thủ Đức) cũng đang hối hả tuyển thêm lao động để đáp ứng tiến độ giao hàng cho đối tác. Với số lượng lao động cần tuyển là 50 người, không yêu cầu độ tuổi hay tay nghề, công ty cam kết đảm bảo đầy đủ lương thưởng, bảo hiểm xã hội (BHXH) và các chế độ theo quy định.

“Hiện nay, đơn hàng của công ty đang rất nhiều nên cần tuyển dụng thêm công nhân, đảm bảo tiến độ giao hàng. Một tín hiệu tốt là mỗi ngày đều có người lao động đến nộp hồ sơ thử việc”, ông Nguyễn Văn Phát, Giám đốc Công ty Giày da Thiên Phát cho biết.

Trong khi đó tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Bình Tây (quận 7), các công nhân đang tăng ca để đáp ứng tiến độ đơn hàng. Ngoài ra, công ty cũng đang có nhu cầu tuyển lao động thời vụ khi đã có đơn hàng cho cả năm 2024. Dự kiến, công ty sẽ xuất khẩu 800 - 1.000 container trong năm nay và kỳ vọng doanh thu sẽ tăng hơn 300%.

Theo bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Bình Tây, hiện nay công ty đã hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng đủ tiến độ nên phải mở rộng quy mô sản xuất. Bên cạnh thị trường nội địa, thị trường xuất khẩu cũng đang cho thấy nhiều tín hiệu tích cực với số đơn hàng xuất khẩu tăng 2 con số đợt đầu năm. Nổi bật là các sản phẩm truyền thống như bún, miến, phở… rất được thị trường quốc tế ưa chuộng.

Vừa trở lại TP.HCM sau thời gian thất nghiệp, chị Nguyễn Thị Hồng (34 tuổi, quê Bạc Liêu) cho biết, chị đã nộp đơn xin thử việc ở vài công ty tại quận Bình Tân và đang chờ kết quả. Với mức thu nhập ban đầu ở các công ty dao động khoảng 6 triệu đồng, chưa bao gồm phụ cấp và tăng ca, chị Hồng có thể yên tâm làm việc và gửi tiền về quê nuôi con nhỏ.

“Hai vợ chồng tôi vừa trở lại TP.HCM sau khi bị mất việc làm vào năm ngoái, hiện nay nhiều công ty đang tuyển dụng nên vợ chồng tôi cũng không lo lắng thiếu việc như trước. Với thu nhập khoảng 12-14 triệu đồng cho hai vợ chồng khi mới đi làm, chúng tôi có thể để dành gửi về cho con ở quê và trả tiền phòng trọ, sinh hoạt. Mong năm nay kinh tế tốt hơn, để công ty không còn sa thải công nhân nữa”, chị Hồng chia sẻ.

Hàng chục nghìn việc làm chờ người lao động

Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê TP.HCM, hoạt động sản xuất công nghiệp của Thành phố trong 2 tháng đầu năm 2024 có dấu hiệu phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt mức tăng trưởng 4,3% so cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là tín hiệu rất tích cực ảnh hưởng đến chỉ số về lao động và việc làm.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM đánh giá, hoạt động sản xuất, thương mại 2 tháng đầu năm 2024 đã có nhiều tín hiệu tích cực. Hai ngành hàng khó khăn nhất năm ngoái là dệt may và đồ gỗ hiện nay cũng đã có nhiều doanh nghiệp có đơn hàng đến tháng 6/2024, hoặc đến hết năm năm 2024.

Cũng theo ông Vũ, để TP.HCM tăng trưởng kinh tế 7,5% trong năm 2024 như mục tiêu đặt ra, đơn vị đang cùng các cơ quan liên quan lên nhiều kế hoạch giúp các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn. Trong đó, hoạt động xuất khẩu là một trong ba trụ cột mà Thành phố thực hiện trong năm nay, hai là kích thích tiêu dùng nội địa, ba là đầu tư công.

Theo bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP.HCM, nhu cầu nhân lực sau Tết Nguyên đán năm 2024 cần từ khoảng 52.000 chỗ làm việc, tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ (70,56%), khu vực công nghiệp - xây dựng (28,66%) và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (0,78%). Phân theo trình độ, nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp chiếm 19,74%, trung cấp chiếm 27,77%, cao đẳng chiếm 19,61%, đại học trở lên chiếm 20,43%.

Bà Lượng Thị Tới cho biết, Sở LĐTB&XH sẽ tiếp tục theo dõi tình hình lao động quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán, tình hình thiếu hụt lao động tại các doanh nghiệp, phối hợp với các cơ quan, tổ chức triển khai các chương trình tiếp sức người lao động, kết nối cung - cầu lao động để giúp người lao động sớm ổn định công việc, doanh nghiệp tập trung kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm.

Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm kết nối cung - cầu lao động, hạn chế việc thiếu hụt lao động trong các doanh nghiệp cũng như tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp sắp xếp lại lao động với số lượng lớn. Thực hiện kịp thời các chính sách bảo hiểm thất nghiệp (trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề).

Minh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-doanh-nghiep-tat-bat-tim-cong-nhan-167089.html