Thành phố Hồ Chí Minh cần nỗ lực cải thiện mức sinh thấp

Năm 2023, tổng tỷ suất sinh ước tính của TPHCM là 1,42 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tiếp tục báo động về tình trạng mức sinh thấp so với trung bình cả nước.

Ngày 10/12, Sở Y tế TPHCM tổ chức Hội nghị kỷ niệm 62 năm ngày dân số Việt Nam (26/12) và tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, cung cấp các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số.

Phát biểu tại hội nghị, TS Phạm Vũ Hoàng - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Dân số, Bộ Y tế cho biết, TPHCM là thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của Việt Nam. Những năm qua, công tác dân số của thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng. Hiện nay tuổi thọ trung bình của TPHCM là khá cao, lên đến 76,3 tuổi, cao hơn tuổi thọ bình quân chung của cả nước (73,6 tuổi). Tuy nhiên, mức sinh của thành phố là khá thấp, chỉ có 1,39 con/phụ nữ trong năm 2022, và dự kiến trong năm 2023 này chỉ khoảng 1,42 con/phụ nữ.

"Đây là tình trạng báo động về mức sinh thấp, những người làm công tác dân số TPHCM cần nỗ lực hơn nữa để đẩy mức sinh tăng lên mới có thể đạt được mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ", Phó Cục trưởng phụ trách Cục Dân Số, Bộ Y tế đề nghị.

TS Phạm Vũ Hoàng - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Dân Số, Bộ Y tế. Ảnh: Phạm Thương

Tham dự hội nghị, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, trong những năm gần đây, công tác dân số của TPHCM đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như không ngừng nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời thông qua việc triển khai có hiệu quả chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Tại hội nghị, Sở Y tế TPHCM cho biết sẽ tập trung thực hiện các giải pháp chủ động ứng phó linh hoạt với mức sinh thấp, nỗ lực truyền tải thông điệp "Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con" đến từng người dân đồng thời cung cấp các dịch vụ liên quan nhằm nâng cao chất lượng dân số.

Cơ cấu dân số của thành phố thay đổi theo hướng tích cực với dân số trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ trên 70%. TPHCM cũng kiểm soát hiệu quả tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Bên cạnh đó, các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được tăng cường, năm 2022 tuổi thọ trung bình của Thành phố Hồ Chí Minh ở mức khá cao (76,3 tuổi so với mặt bằng chung của cả nước là 73,6 tuổi).

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, công tác dân số của thành phố vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó tình trạng mức sinh thấp đã ở mức báo động. Năm 2023, dự tính tổng tỷ suất sinh của TPHCM là 1,42 con/phụ nữ mang thai. Cùng với đó, dân số đông, biến động dân cư rất lớn, người dân nhập cư đông, phân bố dân cư không đều, tốc độ đô thị hóa nhanh khiến cho các vấn đề liên quan như nhà ở, việc làm, môi trường ô nhiễm, vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh ... gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết sẽ tập trung thực hiện các giải pháp chủ động ứng phó linh hoạt với mức sinh thấp, nỗ lực truyền tải thông điệp "Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con" đến từng người dân nhằm giải quyết tình trạng mức sinh thấp mang lại lợi ích cho gia đình và xã hội.

Các đại biểu tham gia Hội nghị hưởng ứng tháng hành động quốc gia về dân số và kỷ niệm 62 năm ngày dân số Việt Nam (26/12). Ảnh: Thiên Chương

Trước những khó khăn mà TPHCM đang phải đối mặt trong công tác dân số, TS Phạm Vũ Hoàng - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Dân số, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian tới, công tác dân số của TPHCM cần tập trung giải quyết toàn diện và đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố; đặc biệt là chất lượng dân số đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Đồng thời, TPHCM cũng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền; tiếp tục phát huy vai trò của ban chỉ đạo dân số và phát triển các cấp; đưa công tác dân số thành nội dung quan trọng trong lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền.

Song song đó, TPHCM cần đổi mới, đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời; Mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân đến các bệnh viện, Trung tâm y tế tuyến huyện một các thuận tiện, gần dân. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng.

Ngoài ra, TPHCM cũng cần cung cấp các dịch vụ dân số, nhất là chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống vô sinh cho các nhóm đối tượng đặc thù như trẻ vị thành viên, người di cư….

Kim Vân

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-can-no-luc-cai-thien-muc-sinh-thap-172231210165539601.htm