Thành phố Biên Hòa(Đồng Nai): Cá chết hàng loạt, hộ nuôi cá trắng tay vì vay nợ

- Chỉ trong 3 ngày (6,7,8) của tháng 6, các hộ nuôi cá bè ở phường: An Bình, Tân Mai, Thống Nhất và xã Hiệp Hòa (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì cá nuôi trong bè bỗng dưng chết hàng loạt.

Cá chết trắng bè Những ngày này, đi dọc theo sông Đồng Nai, thuộc địa phận thành phố Biên Hòa, nơi có hàng trăm hộ dân nuôi cá bè, đâu đâu cũng thấy nỗi buồn, xót xa hiện lên trên khuôn mặt của những chủ bè do cá chết hàng loạt trong thời gian qua. Mùi tanh, mùi hôi thối từ những bè cá chết bốc lên nồng nặc khiến không khí ở đây càng trở nên ô nhiễm. Nhiều chủ hộ nuôi cá bè bỗng dưng trở thành con nợ. Có hộ chỉ trong chưa đầy một tuần số cá chết lên đến 4-5 tấn. Tiền thì đi vay của ngân hàng, của các tổ chức xã hội. Trước khoản nợ và lãi sắp đến ngày thanh toán nên nhiều chủ hộ trở thành suy sụp, túng quẫn. Có những bè cá diêu hồng, cá chép sắp đến ngày được bán cũng chết trắng bè, trôi cả ra sông. Với những bè như thế này thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. Kết quả ban đầu về nguyên nhân cá chết? Ngay sau khi hiện tượng cá chết xảy ra trên sông Đồng Nai, Sở Tài nguyên và môi trường, Chi cục thủy sản tỉnh Đồng Nai đã xuống hiện trường lấy mẫu kiểm tra nguyên nhân cá chết. Chi cục thủy sản Đồng Nai cho rằng, cá chết hàng loạt ở các làng bè là do ảnh hưởng của môi trường nước, chứ không có biểu hiện dịch bệnh. Các ngành chức năng đã phải chờ kết quả phân tích mẫu nước trước khi có kết luận chính thức về nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông. Lượng cá chết tại các làng bè thuộc 4 phường, xã của thành phố Biên Hòa là khoảng 55 tấn của gần 100 hộ. Loại cá chết đa số là chép, diêu hồng, lăng nha và nhiều loại kiểng sắp tới thời điểm xuất bán. Trong đó, phường Thống Nhất thiệt hại hơn 34 tấn, xã Hiệp Hòa 15 tấn, phường An Bình 3,5 tấn và phường Tân Mai 2 tấn, ước tính thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng. Những hộ nuôi cá bè ở phường Thống Nhất cho biết, họ thấy nước có mùi nặng, nổi bọt và chuyển màu đỏ nhạt. Tại thời điểm cá chết, một số hộ đo được nồng độ ôxy trong nước bằng không, do đó cá đã chết ngạt, chứng tỏ trong nước sông có chất nào đó làm nồng độ ôxy đột ngột giảm mạnh. Theo kết quả phân tích mẫu vật cá bè chết trên sông Đồng Nai của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, cho thấy các mẫu gan, thận cá đều âm tính với các loài vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra qua xét nghiệm mô bệnh học, các mầm bệnh tìm thấy trên mang cá không có khả năng gây chết cá hàng loạt. Sự xuất hiện của các hạt sắc tố lạ trên gan, thận kết hợp với hệ miễn dịch yếu của cá có thể dẫn đến chết cá do chức năng tiêu hóa và bài tiết bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguyên nhân là do môi trường nuôi đã bị ô nhiễm. Theo nhận định của Chi cục Thủy sản Đồng Nai, lúc cá tại các bè nổi đầu lên mặt nước, miệng mở to là do sự thay đổi đột ngột của môi trường làm giảm lượng ôxy hòa tan. Do vào thời gian này, những trận mưa đầu mùa đã cuốn theo cặn bã hữu cơ tồn đọng trong mùa nắng từ các con rạch, suối tuồn ra sông dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm. Ngoài ra, cũng không ngoại trừ khả năng do nước thải của các nhà máy xung quanh đã xả nước chưa qua xử lý ra sông, làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Hiện nay, mặc dù không còn hiện tượng cá chết hàng loạt, nhưng các ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai vẫn khuyến cáo người dân không nên sử dụng các loại thức ăn tự chế để nuôi cá, chuyển các bè cá còn lại ra khỏi nơi có nguy cơ gây chết cá, tăng cường sử dụng biện pháp quạt nước tạo ôxy cho cá nuôi trong bè, để bảo toàn những bè cá còn lại. Trong khi chờ các cơ quan chức năng kết luận về nguyên nhân cá chết thì các hộ nuôi cá bè ở Đồng nai vẫn đang tìm cách tự cứu mình./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=410050&co_id=30065