Thanh niên Na Uy cạnh tranh để được nhập ngũ

Đầu năm nay, Công chúa Ingrid Alexandra của Hoàng gia Na Uy bắt đầu thực hiện một năm nghĩa vụ quân sự sau khi đáp ứng điều kiện nhập ngũ-một 'công việc' đang được săn đón ở đất nước Bắc Âu. Mặc dù nghĩa vụ quân sự là bắt buộc ở Na Uy nhưng trên thực tế, việc tuyển chọn vào quân đội rất khắt khe khiến nó trở nên hấp dẫn đối với giới trẻ nước này.

Theo Đài Phát thanh Na Uy, Công chúa Ingrid-người kế vị thứ hai của Hoàng gia Na Uy-nằm trong số khoảng 9.900 thanh niên nước này thực hiện nghĩa vụ quân sự mỗi năm. Năm 2023, số người trúng tuyển nghĩa vụ quân sự chỉ chiếm 17% số thanh niên sinh năm 2004-là nhóm đủ tuổi nhập ngũ.

LLVT Na Uy lựa chọn những ứng viên xuất sắc nhất trước tiên thông qua vòng 1 là đánh giá hồ sơ trực tuyến, tiếp đến vòng 2 là các bài kiểm tra thể chất. Năm 2023, trong số 24.600 thanh niên vượt qua vòng 1, chỉ có 9.840 người vượt qua vòng 2 và được gọi nhập ngũ, trong đó nữ chiếm tỷ lệ 36%. Defense News cho hay, ở Na Uy, trúng tuyển nghĩa vụ quân sự khó hơn nhiều so với việc thi đậu đại học. Sự tuyển chọn khắt khe biến nghĩa vụ quân sự từ một nhiệm vụ bắt buộc mà nhiều người e dè thành một nhiệm vụ danh giá mà bất kỳ ai muốn được lựa chọn cũng phải ra sức nỗ lực cạnh tranh.

Trong lịch sử quốc gia Bắc Âu này, việc tuyển chọn nhập ngũ khắt khe diễn ra rất tình cờ. Sau Chiến tranh lạnh, LLVT Na Uy không còn cần nhiều binh sĩ nữa. Việc giảm đột ngột số lượng lớn thanh niên nhập ngũ thu hút sự quan tâm của xã hội, khiến nhiệm vụ này trở nên hấp dẫn. Ngày nay, tỷ lệ thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự chỉ chiếm 17% số thanh niên đến tuổi nhập ngũ, như vậy, LLVT Na Uy có cơ hội lựa chọn vào quân ngũ những thanh niên nổi bật và xuất sắc hơn cả. Ngược lại, có thời gian phục vụ trong quân ngũ sẽ là một điểm cộng cho giới trẻ khi xin việc trong bất cứ ngành nghề gì sau này.

Công chúa Ingrid Alexandra trong một lần đến thăm Lữ đoàn Phương Bắc tại Setermoen, Na Uy. Ảnh: Getty Images

Chương trình tuyển chọn thanh niên nhập ngũ của Na Uy thành công đến mức, khoảng 1/4 số lính nghĩa vụ, sau thời gian quân ngũ bắt buộc, đã lựa chọn phục vụ lâu dài trong LLVT. Chế độ quân dịch cũng cho phép lực LLVT Na Uy tiếp cận mọi thành phần trong xã hội hiệu quả hơn bất kỳ chiến dịch truyền thông nào, khiến nước này trở thành hình mẫu cho các nước phương Tây học tập. Chính phủ Đức đang thảo luận về việc tái áp dụng mô hình nghĩa vụ quân sự này. Thụy Điển-vốn đình chỉ nghĩa vụ quân sự bắt buộc vào năm 2010-đã áp dụng mô hình tương tự của Na Uy từ năm 2018.

Không tính đến một vài quốc gia có quy mô dân số nhỏ như Phần Lan (5,5 triệu người) hoặc rất nhỏ như Estonia (1,32 triệu người), các nước phương Tây có truyền thống duy trì quân đội ở quy mô nhỏ gọn nhưng đặt ra yêu cầu cao về binh sĩ được đào tạo bài bản. Chính những binh sĩ này sau khi xuất ngũ sẽ trở thành lực lượng dự bị quan trọng có thể đáp ứng và sẵn sàng tham gia phục vụ hiệu quả trong các ngành nghề khác, ví dụ như ngành chăm sóc sức khỏe trong thời kỳ đại dịch, khi virus Corona lan tràn khắp nơi khiến các cơ sở y tế bị quá tải; hay xử lý sự cố khi những cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia bị tấn công...

Tại Na Uy, việc tuyển chọn khắt khe vào quân ngũ đem lại cho giới trẻ nước này cơ hội được đánh giá, được đào tạo để phát huy năng khiếu, bồi dưỡng năng lực và trau dồi các kỹ năng sống đa dạng. Chế độ tòng quân, vì thế, không chỉ đem lại lợi ích cho quốc gia mà còn đem lại lợi ích cho chính những cá nhân được lựa chọn. Bên cạnh đó, việc sống và rèn luyện trong môi trường tập thể quân ngũ cũng trang bị cho mỗi cá nhân khả năng hòa hợp, thích ứng với những người có tính cách, hoàn cảnh khác nhau-điều vô cùng quan trọng trong bối cảnh giới trẻ ngày nay ưa sống ảo trên mạng xã hội và có xu hướng ngại giao tiếp trực tiếp trong cuộc sống.

Theo QĐND

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/thanh-nien-na-uy-canh-tranh-de-duoc-nhap-ngu-5002909.html