Thành kính tổ chức Lễ tang Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng

Sáng 21-3, Đảng ủy, Ban biên tập Báo Quân đội nhân dân (QĐND); Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Ban Quản lý Nhà tang lễ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Đoàn Nghi lễ Quân đội; Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội và gia đình thành kính tổ chức Lễ viếng, truy điệu và đưa tang Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).

Lễ tang Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng được cử hành trong không khí trang nghiêm, thành kính.

Trong không khí trang nghiêm, xúc động, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND đọc Điếu văn nêu bật quá trình trưởng thành, tham gia cách mạng, công tác báo chí của Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng.

Điếu văn nêu rõ: Chúng ta nhớ đến nhà báo Phạm Phú Bằng là nhớ đến một Trưởng phòng Văn hóa có tâm, có tầm, nhẹ nhàng và sâu sắc; là nhớ đến một ngòi bút mẫn tiệp, bền bỉ và quyết liệt; một cây đại thụ của nền báo chí cách mạng Việt Nam; một nhà báo chiến sĩ tiêu biểu tay súng, tay bút, vào sinh ra tử, có khi bị vùi lấp bất tỉnh rồi lại vùng lên theo kịp đội hình chiến đấu, nhiều lần bị thương, nhiều lần nhà báo Phạm Phú Bằng đã chứng kiến các đồng chí chỉ huy đơn vị hy sinh trong bối cảnh hết sức ngặt nghèo, thế rồi, chính nhà báo Phạm Phú Bằng cầm súng thay thế chỉ huy đơn vị tiếp tục chiến đấu và chiến thắng. Bước chân của nhà báo, người lính chiến trận Phạm Phú Bằng in dấu trên hầu khắp các triền núi, vực sông, các bản làng, góc phố từ Bắc đến Nam suốt các cuộc kháng chiến trường kỳ và huyền thoại của dân tộc ta trong thế kỷ XX.

Cuộc đời của nhà báo Phạm Phú Bằng là một tấm gương trong suốt, điển hình về người thanh niên có địa vị cao trong xã hội cũ tự giác đi theo cách mạng, quyết liệt, thủy chung, dấn thân, tận hiến đến hơi thở cuối cùng.

Trong giờ phút tiễn đưa đồng chí Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng về nơi an nghỉ cuối cùng, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ gửi đến toàn thể gia quyến đồng chí Phạm Phú Bằng lời chia buồn sâu sắc nhất trước nỗi đau thương, mất mát không gì bù đắp được.

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND đọc Điếu văn nêu bật quá trình trưởng thành, tham gia cách mạng, công tác báo chí của Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng.

Trong giờ phút chia tay người chiến sĩ, nhà báo lão thành của Báo QĐND, Trung tướng Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng biên tập Báo QĐND nhớ lại, trước khi về công tác tại Báo QĐND, đồng chí từng đọc rất nhiều tác phẩm của nhà báo Phạm Phú Bằng với bút danh Phạm Hồng. Khi về công tác tại đơn vị, đồng chí lại càng khâm phục và mến mộ tài năng của nhà báo Phạm Phú Bằng qua những bài viết gần gũi, đơn giản nhưng có thể diễn đạt những vấn đề lớn lao.

Điều đó chứng minh hàm lượng văn hóa trong các tác phẩm báo chí của nhà báo Phạm Bằng rất sâu sắc. Đó là phong cách làm báo đặc biệt dựa trên nền tảng văn hóa, kinh nghiệm, hiểu biết và suy nghĩ sâu sắc.

“Bác Phú Bằng thường chia sẻ với phóng viên trẻ chúng tôi rằng: “Làm báo quan trọng nhất là suy nghĩ. Mất thời giờ nhất là phải suy nghĩ”, Trung tướng Lê Phúc Nguyên kể lại.

Đồng chí nguyên Tổng biên tập Báo QĐND cho rằng, bản thân rất may mắn được công tác tại báo khi tờ báo đang có thế hệ phóng viên, chiến sĩ trong độ chín, từng kinh qua chiến tranh và rất giàu kinh nghiệm báo chí, trong đó có nhà báo Phạm Phú Bằng. Mỗi phóng viên thời điểm đó đều là “những người thầy tuyệt vời”. Trong đó, nhà báo Phạm Phú Bằng luôn gần gũi, tâm sự và chia sẻ những kinh nghiệm làm báo cho thế hệ sau để tiếp nối, bồi đắp xây dựng truyền thống của Báo QĐND.

Quang cảnh Lễ truy điệu Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng.

“Trong quá trình trưởng thành của tôi tại Báo QĐND, phần quan trọng chính là học được từ những người thầy lớn trong môi trường công tác”, Trung tướng Lê Phúc Nguyên chia sẻ.

Nói về nhà báo Phạm Phú Bằng, Đại tá Phạm Quang Đẩu, nguyên Trưởng phòng Báo QĐND Thứ bảy (nay là Báo QĐND Cuối tuần) kể lại, Đại tá Phạm Phú Bằng là phóng viên kỳ cựu của Báo QĐND có kiến thức và trình độ uyên thâm với nhiều năm công tác báo chí, trong nhiều môi trường khó khăn và gian khổ. Không chỉ có kiến thức rộng, Đại tá Phạm Phú Bằng còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm báo, kiến thức với mọi người xung quanh, cũng như các thế hệ phóng viên Báo QĐND.

Khi Báo QĐND Thứ bảy mới ra mắt, nhà báo Phạm Phú Bằng đóng vai trò như “ông cố vấn” của ấn phẩm. Ông không chỉ giúp hiệu đính, mà còn tư vấn về mở chuyên mục, lựa chọn các đề tài phù hợp. “Không chỉ có tài năng, bác Phú Bằng còn rất đức độ trong cả công việc lẫn đời sống thường ngày. Đối với chúng tôi, bác Phú Bằng xứng đáng là "Anh hùng làm báo”, Đại tá Phạm Quang Đẩu chia sẻ.

Đoàn đại biểu các thế hệ Báo QĐND vào viếng.

Đội tiêu binh thực hiện lễ di quan.

Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng sinh ngày 15-5-1930 tại làng Đông Bàn, xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông xuất thân từ một gia đình quan chức dưới thời phong kiến, có cụ nội là Thượng thư Phạm Phú Thứ, Tổng trấn Hải Yên; có cha là Tiến sĩ Phạm Phú Tiết, Tổng đốc Bình Phú dưới triều Nguyễn; sau ngày 2-9-1945 được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong chức Chánh án Tòa án Quân sự miền Nam.

Giác ngộ cách mạng từ rất sớm, vào Đảng từ năm 1949, nhà báo Phạm Phú Bằng đã từng bước trưởng thành và tham gia công tác tại các đơn vị: Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị; Báo Quân giải phóng miền Nam; Báo QĐND... Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục tham gia công tác tại địa phương. Trên cương vị nào, ông cũng thể hiện phẩm chất của người đảng viên gương mẫu, trách nhiệm, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ và các đồng chí, đồng đội tiễn đưa Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng.

75 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng, nguyên Trưởng phòng Biên tập Văn hóa-Thể thao, Báo QĐND là một trong những nhà báo lão thành của Báo QĐND, đi qua bom đạn chiến tranh, để lại các tác phẩm báo chí đã đi vào lịch sử làng báo Việt Nam. Ông là một trong những người đã tham gia làm báo trực tiếp tại Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong 33 số báo đặc biệt của Báo QĐND được tổ chức, in ấn, phát hành ngay tại mặt trận, có nhiều tin, bài của Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng.

Sau Lễ truy điệu, Ban tổ chức Lễ tang thực hiện các nghi lễ di quan, di chuyển linh cữu Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng về an táng tại nghĩa trang quê nhà ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Tin, ảnh: TUẤN SƠN – VIỆT TRUNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/thanh-kinh-to-chuc-le-tang-dai-ta-nha-bao-pham-phu-bang-769414