Thanh Hóa thu ngân sách năm 2023 ước đạt hơn 40.000 tỷ

Thanh Hóa với số thu này bằng 114,5% dự toán và giảm 20,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa ước đạt 23.546 tỷ đồng, xuất nhập khẩu ước đạt 16.262 tỷ đồng...

Một góc thành phố Thanh Hóa

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh này (GRDP) năm 2023 ước đạt 7,29%, tuy chưa đạt kế hoạch (11%) nhưng là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, khó lường trong năm 2023; trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tăng 3,91%; công nghiệp - xây dựng ước tăng 9,56%; dịch vụ ước tăng 8,01%; thuế sản phẩm ước giảm 5,21%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 3.144 USD.

NÔNG NGHIỆP PHÁT TRIỂN ỔN ĐỊNH

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của Thanh Hóa tiếp tục phát triển ổn định, tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,57 triệu tấn, bằng 103% kế hoạch. Đã tích tụ, tập trung đất đai được 7.100 ha, đạt 100% kế hoạch; thực hiện chuyển đổi 2.458,9 ha đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định, công tác phòng, chống dịch bệnh được chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, kiểm soát tốt. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 292 nghìn tấn, bằng 100,7% kế hoạch, tăng 5,7% so với cùng kỳ; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 210 triệu quả, bằng 100% kế hoạch, tăng 28,1%.

Tỉnh này đã đưa vào hoạt động một số dự án quy mô lớn trong lĩnh vực chăn nuôi như: Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 1; Dự án Chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa... Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm chỉ đạo. Ước năm 2023, có thêm 1 huyện, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến thăm mô hình vải không hạt tại Thanh Hóa tháng 6/2023.

Lâm nghiệp tiếp tục Thanh Hóa phát triển theo hướng bền vững. Toàn tỉnh này trồng mới được 10.000 ha rừng tập trung, bằng 100% kế hoạch; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 940 nghìn m3, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC đạt 28.492,4 ha tại 7 huyện; an ninh rừng được đảm bảo, không xảy ra cháy rừng.

Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản năm 2023 của Thanh Hóa ước đạt 211.500 tấn, bằng 100,2% kế hoạch và tăng 1,7% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng khai thác ước đạt 138.000 tấn, bằng 100,4% kế hoạch, tăng 0,7%. Công tác thông tin tuyên truyền và phổ biến các quy định pháp luật thủy sản, các quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) được đẩy mạnh. Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 6.011 tàu cá các loại, trong đó có 1.114 chiếc có chiều dài 15 m trở lên.

CHỈ SỐ CÔNG NGHIỆP TĂNG NHẸ

Sản xuất công nghiệp tuy phải đối mặt với những biến động khó lường từ thị trường trong nước và thế giới, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn tạm dừng sản xuất để bảo dưỡng toàn bộ nhà máy theo kế hoạch, ảnh hưởng lớn đến sản lượng và giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa. Song, các doanh nghiệp trên địa bàn đã nỗ lực khắc phục khó khăn về nguồn nguyên, vật liệu, thị trường tiêu thụ, tập trung đẩy mạnh sản xuất ngay từ đầu năm.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh Thanh Hóa vẫn duy trì sản xuất ổn định, tăng công suất và có thêm một số cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động như: Nhà máy may Victory tại thị trấn Sao Vàng (huyện Thọ Xuân), Nhà máy may xuất khẩu quốc tế CD tại xã Cẩm Tân (huyện Cẩm Thủy), Nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu giày và giày xuất khẩu của tập đoàn HuaLi (huyện Yên Định), Mở rộng nhà máy may xuất khẩu Appareltech Vĩnh Lộc tại xã Vĩnh Long (huyện Vĩnh Lộc)…

Góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 ước tăng 10,9%; có 14/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ, một số sản phẩm tăng mạnh như: Điện sản xuất (tăng 46,2%), dầu và mỡ bôi trơn (tăng 19%), thức ăn gia súc (tăng 11,1%), giấy bìa các loại (tăng 13,6%)... Các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn duy trì sản xuất ổn định, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Ngày 11/11 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chuyên gia, người lao động đang làm việc tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa)

Lĩnh vực xây dựng tuy gặp một số khó khăn do tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp nền, mặt bằng, song tỉnh Thanh Hóa vẫn đạt kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng ước tăng 8,05%. Trong năm nay Thanh Hóa đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040.

Hoạt động thương mại duy trì ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả không có biến động lớn, không xảy ra hiện tượng găm hàng, sốt giá. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ năm 2023 ước đạt 175 nghìn tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất, nhập khẩu chịu nhiều tác động của thị trường quốc tế trong năm 2023, giá trị xuất khẩu ước năm 2023 đạt 5.300 triệu USD, bằng 96,4% kế hoạch, giảm 1,1% so với cùng kỳ; giá trị nhập khẩu ước đạt 5.737 triệu USD, giảm 16,6%.

Tỉnh Thanh Hóa đã tập trung đẩy mạnh tổ chức các chương trình kích cầu, đa dạng hóa các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tổ chức Hội nghị liên kết, hợp tác phát triển du lịch, kết nối tour, tuyến du lịch giữa tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố năm 2023 (như với các tỉnh Bắc Trung Bộ, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ…), góp phần thu hút khách du lịch đến với tỉnh. Tổng lượng khách du lịch năm 2023 của Thanh Hóa ước đạt 12.356 nghìn lượt, bằng 103% kế hoạch, tăng 11,9% so với cùng kỳ (trong đó khách quốc tế ước đạt 616 nghìn lượt); tổng thu du lịch ước đạt 24.242 tỷ đồng, bằng 100,2% kế hoạch, tăng 20,8%.

Hoạt động vận tải, nhất là vận tải hành khách tăng cao, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân. Vận chuyển hành khách năm 2023 ước đạt 37,3 triệu lượt, bằng 120,3% kế hoạch, tăng 32,1% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa ước đạt 68,1 triệu tấn, bằng 102% kế hoạch, tăng 12,8%; xếp dỡ hàng hóa qua cảng ước đạt 44 triệu tấn, bằng 91,7% kế hoạch, tăng 6,3%; doanh thu vận tải ước đạt 20.143 tỷ đồng, bằng 100,1% kế hoạch, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Hạ tầng bưu chính, viễn thông tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, mở rộng vùng phục vụ với công nghệ hiện đại, chất lượng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của sự phát triển, từng bước thực hiện chuyển đổi số; doanh thu ước đạt 4.900 tỷ đồng, tăng 2,4% so cùng kỳ.

Huy động vốn của các tổ chức tín dụng (không bao gồm ngân hàng phát triển) năm 2023 ước đạt 161,7 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm; tổng dư nợ ước đạt 187,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5%. Toàn tỉnh hiện có 4.662 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng với tổng dư nợ 51.968 tỷ đồng.

Thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 40.464 tỷ đồng, bằng 114,5% dự toán và giảm 20,9% so với cùng kỳ, trong đó: Thu nội địa ước đạt 23.546 tỷ đồng, bằng 107,8% dự toán, giảm 24,7% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 16.262 tỷ đồng, bằng 120,6% dự toán và giảm 17,9% so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 40.454 tỷ đồng, bằng 100% dự toán, đáp ứng nhiệm vụ chi trên các lĩnh vực.

ĐẨY MẠNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ

Hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư tiếp tục được quan tâm, khi lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức các đoàn công tác tại Italia, Séc, Đức, Thái Lan...; tiếp và làm việc với nhiều tổ chức quốc tế, các Tập đoàn, nhà đầu tư trong và ngoài nước như: Đoàn công tác Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, Đoàn công tác Hội đồng thành phố Seongnam, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc), Đoàn công tác của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, Đoàn công tác của Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), Đoàn công tác của Tổng Công ty LH (Hàn Quốc), Tập đoàn WHA Thái Lan, Đoàn công tác của Công ty TNHH Năng lượng JERA Việt Nam, Đoàn công tác của Tập đoàn phát triển năng lượng Gulf (Thái Lan), Lãnh đạo Tập đoàn Hoa Lợi, Đoàn công tác của Công ty CP Tập đoàn TH, Đoàn công tác của Tập đoàn SOVICO…Để xúc tiến, kêu gọi, giới thiệu cơ hội đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo tỉnh này đã tham dự Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị và xúc tiến đầu tư vùng tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; ký kết thỏa thuận "Nghiên cứu - Hợp tác - Phát triển công nghiệp" với VSIP Group tại tỉnh Bình Dương. Tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp tổ chức thành công các sự kiện nhân Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại Thanh Hóa, tạo dấu ấn tốt đẹp đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đối tác Nhật Bản.

Tháng 5/2023, Thanh Hóa vinh dự được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao tin tưởng, giao trọng trách là địa phương đăng cai và phối hợp, chủ trì tổ chức các hoạt động hướng tới sự kiện quan trọng Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023 ước đạt 140.000 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, tăng 0,8% so với cùng kỳ. Đến nay, tỉnh đã thu hút được 73 dự án đầu tư trực tiếp (gồm 43 dự án đầu tư trong nước, 16 dự án có sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư và 14 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 26.799 tỷ đồng và 195,4 triệu USD. Có 05 dự án điều chỉnh tăng vốn 61,9 triệu USD.

HƠN 3.000 DOANH NGHIỆP THÀNH LẬP MỚI

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, đến ngày 26/10, giá trị giải ngân của tỉnh này đạt 8.441,4 tỷ đồng, bằng 56,7% kế hoạch vốn đã giao chi tiết.

Đến ngày 06/11/2023, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 2.710 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 90,3% kế hoạch, giảm 9,6% so với cùng kỳ, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và thứ 8 cả nước, vốn điều lệ đăng ký đạt 17.256 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân 6,4 tỷ đồng/doanh nghiệp; có 945 doanh nghiệp tái gia nhập thị trường, giảm 24,6% so với cùng kỳ; có 1.295 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 1,4%. Ước cả năm 2023, có trên 3.000 doanh nghiệp được thành lập mới.

Đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, từ đầu năm đến nay, Thanh Hóa đã hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng được 1.792 ha, bằng 77,2% kế hoạch.

Tỉnh này đã thực hiện giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 597,4 ha; cấp 10 giấy phép thăm dò, 7 giấy phép khai thác khoáng sản, phê duyệt trữ lượng 3 mỏ và thu hồi, đóng cửa 25 mỏ; phê duyệt kế hoạch đấu giá 48 mỏ làm vật liệu sản lấp, trong đó đã tổ chức đấu giá thành công 35 mỏ.

Nguyễn Thuấn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thanh-hoa-thu-ngan-sach-nam-2023-uoc-dat-hon-40-000-ty.htm