Thanh Hóa: Tập trung xử lý triệt để 6.000 con lợn chết sau khi nước lũ rút

Tỉnh Thanh Hóa vừa chỉ đạo các Sở, ban ngành đi kiểm tra các địa phương hướng dẫn thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường sau khi nước lũ rút. Đặc biệt đối với 6.000 con lợn tại trang trại lơn của trại 5 tại huyện Yên Định phải đưa đi tiêu hủy ngay. Đồng thời tập trung xử lý nước sinh hoạt, thu gom rác thải, nhanh chóng khắc phục ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Ngay sau khi nước lũ rút, Sở Tài nguyên & Môi trường Thanh Hóa đã đi kiểm tra các địa phương về thiệt hại do mưa lũ và hướng dẫn các địa phương xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý sự cố môi trường do tràn dầu, phòng chống dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm…

Đàn lợn của Trại 5 chết la liệt

Qua kiểm tra tình hình thực tế ở các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ gây nên ô nhiễm môi trường. Sở Tài nguyên & Môi trường đã hỗ trợ 370 lít hóa chất cho 7 địa phương để nhanh chóng khắc phục ô nhiễm môi trường.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh Thanh Hóa. Tính đến sáng ngày 13/10, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 14 người chết, 5 người bị thương, 5 người mất tích. Nhiều xã thuộc các huyện Nông Cống, Yên Định, Thạch Thành, Thiệu Hóa…vẫn bị ngập sâu trong mưa lũ, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Trên địa bàn tỉnh có 36 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 17.604 nhà bị ngập, 104 nhà bị ảnh hưởng sạt lở đất. Gia súc bị cuốn trôi như lợn, bò, dê: 5.028 con, gia cầm bị cuốn trôi 151.236 con.

Về thủy lợi, đê điều: Đập dâng nhỏ bị sạt lở hư hỏng 6 cái, đập dâng nhỏ bị vỡ 23 cái, đập đất bị sạt lở hư hỏng 10 cái, hồ nhỏ bị sạt lở 3 cái và 549 m, kênh mương sạt lở 1.708m, cống nội đồng bị hư hỏng 12 cái.

Đối với đàn lợn 6.000 đã chết. Ngày 13/10, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo chính quyền địa phương nhanh chóng thu gom số lợn chết đem đi tiêu hủy. Đồng thời, có phương án di chuyển số lợn còn sống đến nơi an toàn.

Ông Đào Trọng Quy – Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa đi thực tế kiểm tra tình hình môi trường

Ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Yên Định khẳng định: “Trong ngày nay và ngày mai sẽ tập trung xử lý môi trường, tiến hành thu gom lợn chết để tiêu hủy".

Cũng theo lãnh đạo huyện Yên Định, do nước còn ngập sâu nên huyện sẽ cử lực lượng dùng thuyền để vớt dần xác lợn vào bờ đi tiêu hủy. Vị trí trang trại lợn đến nơi tiêu hủy cách nhau khoảng 1km.

Người dân tranh thu thu hoạch khi nước rút

Trang trại lợn của Công ty Thái Dương là trại lợn có quy mô lớn nhất huyện Yên Định. Khi nước lũ dâng lên, toàn bộ trại lợn bị ngập sâu trong nước khiến chủ trại cũng không kịp trở tay.

Ngoài huyện Yên Định, các địa phương khác như Thọ Xuân, Nông Cống, Thường Xuân cũng có thiệt hại rất lớn về chăn nuôi. Theo thống kê ban đầu của huyện Nông Cống, có 6 trang trại bị lũ nhấn chìm, hơn 200 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập hoàn toàn; gần 200 con lợn và hơn 7.000 con gia cầm bị chết vì lũ. Đến ngày 13/10, một số nơi nước đang rút dần, nhưng về cơ bản, nhiều xã và các hộ dân vẫn đang bị cô lập

Tin & ảnh: Tùng Minh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/suc-khoe-doi-song/201710/thanh-hoa-tap-trung-xu-ly-triet-de-6000-con-lon-chet-sau-khi-nuoc-lu-rut-2852569/