Thanh Hóa: Số lượng doanh nghiệp đăng ký thủ tục hải quan qua Cảng Nghi Sơn tăng vọt

7 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh khó khăn của hoạt động sản xuất và thương mại toàn cầu, tỷ trọng hàng hóa thông qua cảng Nghi Sơn vẫn đạt 22,8 triệu tấn...

Cảng tổng hợp Nghi Sơn, Thanh Hóa

Cảng tổng hợp Nghi Sơn, Thanh Hóa

Theo thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Nghi Sơn, hiện có 109 doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục hải quan qua Cảng Nghi Sơn. Trong 7 tháng năm 2023, có 17 doanh nghiệp mới đăng ký làm thủ tục hải quan qua cảng. Ngoài doanh nghiệp có trụ sở tại Thanh Hóa thì có thêm 13 doanh nghiệp ngoài tỉnh như TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, Bình Dương, Nghệ An, Bình Định, Ninh Bình... cũng đã thực hiện chuyển dịch vụ xuất nhập khẩu về Cảng Nghi Sơn.

Hệ thống Cảng biển Nghi Sơn có lợi thế đặc biệt, đó là vừa kín gió, lặng sóng, lại ít bị bồi lắng như các cảng biển khác tại Việt Nam. Nơi đây cũng là vùng nước sâu - lợi thế số một để phát triển mà không nhiều cảng biển khác có được. Theo thiết kế, Cảng Nghi Sơn có thể đón tàu có tải trọng từ 70.000 đến 100.000 DWT.

Theo điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, thì hệ thống Cảng biển Nghi Sơn gồm có 51 bến và khu bến, trong đó có 10 bến container, 21 bến tổng hợp, còn lại là các bến và khu bến chuyên dụng. Đến tháng 7/2023 đã có 21 bến đi vào hoạt động. Hiện Cảng Nghi Sơn có năng lực lưu chuyển hàng hóa với công suất dự kiến khoảng 75 triệu tấn/năm.

Trong 7 tháng năm 2023, tỷ trọng hàng hóa thông qua Cảng đạt 22,8 triệu tấn, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu làm thủ tục tại Chi cục Cục Hải quan cửa khẩu cảng biển Nghi Sơn đạt 4,244 tỷ USD.

Các chính sách thu hút doanh nghiệp xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn, nhất là Nghị quyết số 248 năm 2022 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container, đã thu hút thêm được nhiều doanh nghiệp đến với hệ thống Cảng biển Nghi Sơn.

Ngoài hãng tàu CMA-CGM đã thực hiện đều đặn trở lại tuyến vận tải với tần suất 1 chuyến/tuần sau thời gian gián đoạn, đầu năm 2023 hãng tàu VIMC cũng mở thử tuyến container quốc tế đến Cảng Nghi Sơn. Hiện các đơn vị khai thác cảng cũng thu hút thành công một số doanhh nghiệp tỉnh Nghệ An xuất khẩu hàng hóa qua đây.

Cụ thể, chính sách từ Nghị quyết 248 đã tăng mức hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế qua Cảng Nghi Sơn lên 500 triệu đồng/chuyến (tăng 300 triệu đồng/chuyến so với chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 166 năm 2019). Đồng thời, bổ sung chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải nội địa bằng container 300 triệu đồng/chuyến.

Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn cũng được hỗ trợ 2 triệu đồng/container 20 feet và 3 triệu đồng/container 40 feet khi mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa; hỗ trợ 700.000 đồng/container 20 feet và 1 triệu đồng/container 40 feet khi DN không mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa. Thời gian thực hiện chính sách đến hết ngày 31/12/2026.

Khi chính sách mới từ Nghị quyết 248 ban hành, những ngày cuối cùng năm 2022, hãng vận tải CMA CGM cũng đã quay trở lại thực hiện dịch vụ vận tải tuyến container qua Cảng Nghi Sơn sau 2 năm gián đoạn. Vào ngày 13/1/2023, chuyến tàu mang tên Cape Quest có trọng tải 25.000 tấn, tương đương 2.200 TEU của Tập đoàn CMA CGM đã cập Cảng Nghi Sơn để vận chuyển 364 TEU đi Hồng Kông (Trung Quốc).

Đây là chuyến tàu có tải trọng lớn nhất từ trước tới nay của hãng thực hiện dịch vụ qua Cảng Nghi Sơn. Cùng với hãng tàu của Tập đoàn CMA CGM, Cảng Nghi Sơn cũng đã thu hút thêm hãng tàu VIMC thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam mở tuyến vận tải container qua Cảng quốc tế Nghi Sơn đi Ấn Độ. Từ khi tuyến container quốc tế qua Cảng Nghi Sơn được khởi động lại, 2 hãng CMA CGM và VIMC đã thực hiện 25 chuyến tàu container qua cảng.

Con số thu ngân sách nhờ thuế xuất nhập khẩu qua cảng trong những năm gần cũng tăng trưởng vượt trội, khi năm 2017 mới chỉ đạt 1.430 tỷ đồng, năm 2018 đã đạt 6.362 tỷ đồng, năm 2020 đạt hơn 10.400 tỷ đồng và năm 2022 đã đạt tới gần 20.000 tỷ đồng, chiếm tới 93% tổng thu ngân sách của Hải quan Thanh Hóa và bằng gần 40% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.

Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức chương trình Hội nghị kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp xuất nhập khẩu làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cảng biển Nghi Sơn. Sự kiện này thu hút hơn 150 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đến tìm hiểu thực tế tại Cảng biển Nghi Sơn. Tại Khu Kinh tế Nghi Sơn đoàn doanh nghiệp đã đến tham quan, tìm hiểu tại Cảng Quốc tế Nghi Sơn, Khu quy hoạch các bến: cảng tổng hợp, chuyên dùng, container; khu vực phát triển Gas&LNG, khu dịch vụ cảng, khu phát triển logistics...

Theo quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nghi Sơn và định hướng phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng biển Nghi Sơn là cảng loại I và được quy hoạch tiềm năng thành cảng đặc biệt, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, là đầu mối giao thương hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với các tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế.

Nguyễn Thuấn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thanh-hoa-so-luong-doanh-nghiep-dang-ky-thu-tuc-hai-quan-qua-cang-nghi-son-tang-vot.htm