Thanh Hóa - một năm bứt tốc

TS. Bùi Ngọc Thanh. Các báo cáo kinh tế - xã hội, tổng hợp ý kiến cử tri toàn tỉnh và nhiều báo cáo khác tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII như một lăng kính hội tụ nói lên sự bứt tốc ngoạn mục trong việc thực hiện kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023.

Những điểm sáng nổi bật

Những điểm sáng nổi bật trên bức tranh kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa rất đáng ngưỡng mộ: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội (GRDP) đạt 7,01%, đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,16%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 8,67%; khu vực dịch vụ tăng 7,19%.

Cụ thể là sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển khá toàn diện, tổng sản lượng lương thực đạt 1,57 triệu tấn, vượt 2,8% kế hoạch; lần đầu tiên đã xuất khẩu lô vải không hạt sang Nhật Bản và Vương quốc Anh. Trồng rừng tập trung được 12.500 ha, vượt 25% kế hoạch. Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng đạt 215,6 nghìn tấn, vượt 2,2% kế hoạch; chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) vượt 33,3% kế hoạch. Thực tiễn cho thấy, với cấu trúc địa hình Thanh Hóa cũng tương tự như địa hình tự nhiên của cả nước, nếu chia ra 8 phần thì “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, vậy mà nhiều năm sản xuất lương thực, thực phẩm đạt được như thế, thì đó là một thành tựu đáng ghi nhận.

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng 4,87%, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn phát triển ổn định. Quy hoạch toàn tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, quy hoạch chung đô thị và các đồ án, nhiệm vụ quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, là tỉnh thứ tư được phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh theo Luật Quy hoạch.

Với “thế kiềng 3 chân” là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, bức tranh kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 đã nổi lên các “gam màu sáng” khá rõ nét, nhất là dịch vụ đã có sự khởi sắc. Thu ngân sách nhà nước đạt 40.310 tỷ đồng, vượt 14,1% dự toán (trong đó thu nội địa 24.810 tỷ đồng, vượt 13,6%, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 15.500 tỷ đồng, vượt 14,8%). Các ngành dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 14,1% so với năm trước; du lịch đón 12,35 triệu lượt khách, vượt 3% kế hoạch và tăng 11,9% so với năm trước, tổng thu du lịch tăng 20,9%. Doanh thu vận tải vượt 12% kế hoạch; doanh thu dịch vụ bưu chính viễn thông tăng 2,4%. GRDP bình quân đầu người đạt 3.067 USD, tăng 142 USD so với năm 2022. Với dân số lớn thứ 3 trong cả nước, sau các TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, thì 3.067 USD/người/năm là con số phát triển rất đáng trân trọng.

Trong năm, xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, đã thu hút được 83 dự án đầu tư, trong đó có 14 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 29.057 tỷ đồng và 209,9 triệu USD. Toàn tỉnh đã thành lập mới 3.194 doanh nghiệp, vượt 6,5% kế hoạch (đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và thứ 8 trong cả nước)...

Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh như trên đã tạo ra cốt cách vật chất để giải quyết có hiệu quả nhiều vấn đề xã hội. Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 62.000 lao động, vượt 6,9% kế hoạch, trong đó có 14.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, gấp 2,8 lần kế hoạch. Tỉnh đã thực hiện khá chu đáo chính sách người có công với cách mạng (toàn tỉnh có 55.932 liệt sĩ, 43.571 thương binh, 15.959 bệnh binh, 4.632 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và nhiều đối tượng khác... với tổng số 349.971 đối tượng người có công). Thanh Hóa đã và đang thực hiện một chính sách xã hội khá đặc thù, đó là đưa ngư dân lênh đênh trên sông nước lên bờ định cư ổn định cuộc sống. Đến nay, đã có hơn 880 hộ lên bờ, được tỉnh cấp đất và hỗ trợ tiền làm nhà, cấp đất sản xuất, trẻ em được tạo điều kiện thuận lợi đến trường học tập...

Đổi mới tư duy rõ nét

Nguyên nhân của những thành công thì có nhiều, trong đó có sự đồng lòng, nỗ lực phấn đấu của toàn dân, có vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và các cấp chính quyền. Thế hệ lãnh đạo mới, có sự đổi mới tư duy rõ nét, trong đó có hai điểm rất đáng quan tâm.

Một là, trong năm lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ thường xuyên phân công nhau “thượng sơn, hạ hải” - lên núi, xuống biển khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế diễn biến hàng tuần, hàng tháng trong thời gian mùa vụ sản xuất nông nghiệp hoặc những nơi bị bão lũ, sạt lở đất đá để có quyết sách đúng đắn, kịp thời. Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, người đông (11.200,6km2 với 3,7 triệu người). Đất đai gồm 3 vùng rộng lớn là đồng bằng ven biển, trung du và miền núi, phương thức canh tác rất khác nhau. 11 huyện miền núi: Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành đã chiếm 2/3 diện tích toàn tỉnh. Dù đường sá nhiều huyện đã được nâng cấp, mở rộng nhưng giao thông đi lại vẫn còn nhiều khó khăn (có người đã nói, đi công tác ra Bắc, vào Nam ba chuyến vẫn thấy nhẹ nhàng hơn một chuyến lên Mường Lát, Quan Sơn).

Thế nhưng, lãnh đạo luôn có mặt đúng thời điểm xem xét tình hình để có quyết sách hợp lý... Tương tự như thế, toàn tỉnh hiện có 4 khu công nghiệp, 4 khu chế xuất luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm bám nắm tình hình, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển. Đúng như lãnh đạo tỉnh đã khẳng định tại Kỳ họp thứ 17 của HĐND tỉnh Thanh Hóa. Đó là “tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, vừa bao quát toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm; trong đó đã tập trung chỉ đạo hoàn thành khối lượng lớn các chương trình công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; kịp thời ban hành các văn bản tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm; thành lập nhiều tổ công tác do lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các ngành, địa phương, đơn vị. Do đó đã đạt được kết quả nổi bật trên một số mặt công tác như: phát triển sản xuất trên các ngành, lĩnh vực; hoàn thiện thể chế, giải phóng mặt bằng, thu ngân sách nhà nước; cải cách hành chính, hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh”.

Hai là, lãnh đạo tỉnh đã tiếp tục “tầm sư học đạo”, nâng cao tri thức, năng lực lãnh đạo, quản lý trong tiến trình hòa nhập khu vực, hội nhập quốc tế. Trong năm, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức làm việc với đại diện nhiều tổ chức quốc tế, tập đoàn, nhà đầu tư trong và ngoài nước: Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, Tập đoàn Sumilomo (Nhật Bản), Tổng công ty LH (Hàn Quốc), Tập đoàn WHA (Thái Lan), Công ty TNHH năng lượng JERA, Công ty cổ phần Tập đoàn TH, Tập đoàn SOVICO, Tập đoàn Hoa Lợi của Việt Nam và một số Tập đoàn, Công ty khác... Việc tiếp xúc, tổ chức các cuộc làm việc, là hành động “nhất cử, lưỡng tiện”, một mặt trong năm đã thu hút được 83 dự án đầu tư trực tiếp như đã nói ở trên, mặt khác các vị lãnh đạo học hỏi, tích lũy thêm được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, có thể chắt lọc để ứng dụng trong điều kiện cụ thể của tỉnh nhà...

Hai điểm đáng quan tâm “đậm nét” hơn về cách thức làm việc của thế hệ lãnh đạo mới tỉnh Thanh Hóa chính là sự thấm nhuần sâu sắc, thiết thực và cấp thiết đối với mọi cán bộ quản lý, lãnh đạo đang học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh đúng như Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15.5.2016 của Đảng ta.

Với khí thế phấn khởi bứt tốc của năm 2023, lãnh đạo tỉnh cùng nhân dân toàn tỉnh quyết tâm sớm khắc phục các yếu kém, khuyết điểm tồn tại của năm 2023, thực thi kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024 theo phương châm: Kỷ cương - trách nhiệm - hành động - sáng tạo - phát triển với hiệu quả cao nhất đối với 25 chỉ tiêu chủ yếu gồm 12 chỉ tiêu kinh tế; 9 chỉ tiêu văn hóa, xã hội; 3 chỉ tiêu môi trường sinh thái và 1 chỉ tiêu an ninh, trật tự; trong đó chỉ tiêu “bao trùm” là tăng trưởng GRDP phải đạt từ 11% trở lên.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/thanh-hoa-mot-nam-but-toc-i355768/