Thanh Hóa: Không có chuyện 300 phạm nhân chết đuối do lũ quét

Liên quan đến thông tin 300 tù nhân tại trại giam số 5, thuộc Tổng cục 8 (đóng tại thị trấn Thống Nhất, Yên Định, Thanh Hóa) bị chết đuối do lũ quét, cơ quan chức năng khẳng định đây chỉ là tin đồn.

Vào sáng 17/10 tài khoản facebook có tên T.T.N đăng tải thông tin với nội dung “Chấn động gần 300 tù nhân chết đuối do lũ quét tại trại giam số 5, Thanh Hóa-báo chí, truyền thông im lặng”.

Một tài khoản facebook khác có tên B.N.L có đăng thông tin nói về sự việc 700 tù nhân mắc kẹt trong nước mà không được di tản.

Những tài khoản trên đăng tải thông tin gây hoang mang trong dư luận, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, chính trị ở địa phương.

Nước ngập ở khu vực Trại giam số 5 tại Thanh Hóa. Ảnh: CAND.

Liên quan đến vấn đề này, sáng ngày 18/10 trao đổi với Báo NLĐ, Trung tá Trịnh Dũng Tiến - Đội trưởng Đội tham mưu Trại giam số 5, thuộc Tổng cục 8 (Bộ Công an) cho biết, chắc chắn thông tin đó là giả mạo, tất cả phạm nhân và cán bộ đều an toàn.

Vị đội trưởng cho biết mưa lớn hôm 10-11/10 khiến nước sông Hép chảy qua địa bàn thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định (Thanh Hóa) dâng cao tràn vào khu vực trại giam khiến 2 phân trại số 2 và 3 bị ngập và cô lập; ngay sau đó 700 phạm nhân được di chuyển lên gác 2, 3 của phân trại để đảm bảo an toàn.

Trung tá Tiến cho biết thêm, hiện mực nước tại khu vực trạm giam đã rút, lối vào các phân trại, buồng giam đã lưu thông trở lại. Cán bộ trại phối hợp với các lực lượng chức năng đang tiếp tục xử lý về môi trường sau lũ. Gần 6.000 con lợn chết cũng đã được lực lượng chức năng xử lý, tiêu hủy xong.

Trong khi đó, ông Lê Văn Cứu, Giám thị Trại giam số 5, khẳng định đó là thông tin bịa đặt, sinh mạng một con người thì không ai giấu được. "Cơ quan chức năng phải điều tra, còn gia đình thân nhân họ cũng sẽ yêu cầu làm rõ sự việc, làm sao mà giấu được. Hàng trăm phạm nhân thì càng không bao giờ có", ông Cứu cho hay.

Trước đó, trong đợt mưa lũ từ ngày 9 đến ngày 13-10 đã làm đê sông Hép (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) bị vỡ khiến nước tràn vào phía trong phân trại số 2 và 3 của Trại giam số 5 khiến 700 phạm nhân bị cô lập.

Đàn lợn khoảng 4.000 con chết do ngạt nước ở Trại giam số 5. Ảnh: NLĐ

Do lực lượng chức năng phải lo cho sự an toàn của các phạm nhân nên không thể cứu được khoảng 4.000 con lợn do đơn vị này liên kết chăn nuôi khiến đàn lợn ngạt nước chết gần hết. Đến nay, lực lượng chức năng đã thu gom và tiêu hủy toàn bộ đàn lợn trên.

Nói về những thông tin thất thiệt lên mạng xã hội, luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc điều hành Công ty Luật KAV (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho PV Zing biết hành vi tung tin thất thiệt, sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, mức phạt hành chính cao nhất sẽ lên đến 30 triệu đồng. Còn về trách nhiệm hình sự, nếu xác định được người thực hiện hành vi tung tin sai lệch, thất thiệt lên mạng xã hội và thông tin thất thiệt đó có tính chất vu khống thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống với mức án có thể là phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Ngoài ra, tùy theo vụ việc cụ thể, người vi phạm cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự.

Người phạm tội cũng có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Tùy trường hợp vi phạm, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Mai Linh (Tổng hợp)

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/thanh-hoa-khong-co-chuyen-300-pham-nhan-chet-duoi-do-lu-quet-p55219.html