Thanh Hóa: Hang Con Moong trở thành di tích Quốc gia đặc biệt thứ tư

Được xác định là nơi quần cư của dòng người Việt cổ, Hang Con Moong đã được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt với nhiều giá trị khảo cổ quan trọng.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đón nhận Bằng Xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt: Di tích khảo cổ Hang Con Moong và các di tích phụ cận huyện Thạch Thành.

Ngày 23/11, tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa đã long trọng diễn ra buổi lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón Bằng Xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt: Di tích khảo cổ Hang Con Moong và các di tích phụ cận huyện Thạch Thành. Đây là di tích Quốc gia đặc biệt thứ tư được công nhận tại Thanh Hóa.

Từ những di chỉ khảo cổ được đã xác định, con người thời tiền sử đã có mặt ở Hang Con Moong từ khoảng 60.000 năm trước

Tham dự buổi lễ có PGS.TS Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam, PGS.TS Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cùng Bí thư tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Đình Xứng cùng các quan ngành liên quan.

Đại diện lãnh đạo Cục di sản (Bộ VHTT&DL) đã công bố Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Hang Con Moong và các di tích phụ cận huyện Thạch Thành.

Hang Con Moong nằm trong vùng đệm rừng quốc gia Cúc Phương, thuộc bản Mọ, xã Thành Yên huyện Thạch Thành, Thanh Hóa. Năm 1975, hang được tiến hành khai quật khảo cổ lần thứ nhất. Từ năm 2010 đến năm 2014, Viện khảo cổ học, Sở VHTT&DL phối hợp với Viện khảo cổ học - Dân tộc học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, tiếp tục khai quật khảo cổ Hang Con Moong.

Tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực cùng nhân dân chung tay bảo tồn, phát huy giát trị của di tích Hang Con Moong và các di tích phụ cận để di tích xứng tầm với vị thế của một di sản văn hóa quốc gia đặc biệt

Từ những nghiên cứu qua công tác khảo cổ đã đi đến kết luận, con người thời tiền sử đã có mặt ở Hang Con Moong từ khoảng 60.000 năm trước. Nơi đây là điểm quần cư liên tục của người Việt cổ với 3 nền văn hóa Sơn Vi, Hòa Bình và Bắc Sơn tiêu biểu cho Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Giá trị lịch sử của hang được đánh giá là một điển hình nổi bật về việc định cư truyền thống của loài người từ đồ đá cũ đến đồ đá mới, từ săn bắt hái lượm sang trồng trọt, chăn nuôi.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, cụm di tích khảo cổ hang Con Moong có một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc nghiên cứu phát triển người tiền sử đối với Việt Nam. Đây được xem là mốc son ý nghĩa để tương lại sẽ đề nghị UNESCO vinh danh hang Con Moong là Di sản văn hóa thế giới.

Cũng trong ngày 23/11, tại xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, đã chính thức công bố “Tuyến du lịch cộng đồng bản Năng Cát, thác Ma Hao”. Đây là nơi lưu giữ nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa nguyên sơ của đồng bào người Thái, có hệ sinh thái động thực vật phong phú, thắng cảnh tiềm năng du lịch rất lớn.

Thác Ma Hao với vẻ đẹp tự nhiên bắt nguồn từ đỉnh núi Pù Rinh có độ cao hơn 1.000m và đã được công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Các dòng suối nhỏ chạy dọc theo những cánh rừng già hợp thành dòng suối lớn đổ xuống tạo thành thác Ma Hao. Khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong các năm khoảng 15-18 độ C.

Hoàng Anh Thắng

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/thanh-hoa-hang-con-moong-tro-thanh-di-tich-quoc-gia-dac-biet-thu-tu-d29734.html