Thanh Hóa: Cơ sở giặt bao bì gây ô nhiễm môi trường ngang nhiên hoạt động

nhiều năm nay, nhiều hộ dân thôn 4 (xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn) hết sức bức xúc vì phải sống trong trong cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do cơ sở tái chế, giặt rửa bao bì xi măng của gia đình ông Trần Quốc Cương gây ra.

Nước thải của cơ sở này chảy thẳng ra môi trường.

Theo phản ánh của người dân, cơ sở này đặt ngay cạnh Nhà văn hóa thôn 4, hoạt động đã được mấy năm nay nhưng chưa hề có hệ thống xử lý, lắng lọc. Mỗi khi cơ sở này làm việc, nước thải sau khi rửa chứa đầy xi măng, chất độc hại không qua lắng lọc được cho chảy thẳng ra môi trường. Ngoài ra, các loại bao bì, phế phẩm nhựa không thể tái chế, chủ cơ sở gom lại thành đống rồi mang ra đốt, mùi cao su, mùi nhựa độc hại khét lẹt, đầu độc bầu không khí khiến người dân nôn nao, khó thở. Cùng với đó là cảnh nhếch nhác, mất vệ sinh với rác rưởi, bao bì, phụ phẩm được chủ cơ sở mua về chất đống khắp nơi dưới trời mưa gió.

Các loại bao bì, phế phẩm nhựa không thể tái chế, chủ cơ sở gom lại thành đống rồi mang ra đốt, mùi cao su, mùi nhựa độc hại khét lẹt, đầu độc bầu không khí.

Trao đổi với chúng tôi, một người dân cho biết: “Các anh xem, bao nhiêu chất thải chảy thẳng ra mương, ra ruộng thế này thì lúa má nào lên nổi. Ngày mưa nước chảy tràn khắp nơi, ngày nắng thì khói, bụi bay mù mịt, trẻ em, người già ốm đau, bệnh tật. Khổ lắm mà kêu mãi không thấy chuyển”.

Để tìm hiểu thêm về cơ sở này, chúng tôi đã nhiều lần gọi điện cho Chủ tịch xã, nhưng đều không thấy cầm máy. Theo phản ánh, cơ sở này xây dựng không nằm trong quy hoạch, không được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép, không có đánh giá về tác động môi trường. Tuy nhiên, vẫn tồn tại và hoạt động một cách “vô tư” đã vài năm nay mà không hề bị kiểm tra, xử lý. Điều này khiến người dân không khỏi nghi ngờ, phải chăng cơ sở này hoạt động có sự “cho phép ngầm” của UBND xã Nông Trường?

Ngày 19/9, làm việc với phóng viên, bà Nguyễn Thị Xuân - Phó Phòng Tài nguyên - Môi trường, UBND huyện Triệu Sơn thừa nhận: “Hàng năm Phòng chúng tôi đều có văn bản yêu cầu UBND các xã kiểm tra, rà soát, báo cáo về hoạt động của các cơ sở tái chế, giặt rửa bao bì trên địa bàn. Qua đó tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý để các cơ sở này hoạt động đúng quy định, không gây ô nhiễm môi trường. Nhưng xã Nông Trường không thấy báo cáo về hoạt động của cơ sở này, nắm được thông tin từ báo chí, ngay ngày mai chúng tôi sẽ báo cáo vụ việc với UBND huyện để xin ý kiến lãnh đạo, tổ chức kiểm tra và xử lý theo quy định ”.

Nhiều cơ sở “lậu” như thế này vẫn ngang nhiên hoạt động.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài xã Nông Trường, trên địa bàn huyện Triệu Sơn còn có nhiều cơ sở chế biến, giặt rửa bao bì “lậu” vẫn ngang nhiên hoạt động. Nhất là tại xã Thái Hòa, có tới gần 50 hộ làm nghề thu mua, chế biến, giặt rửa bao bì không phép, hoạt động ngay trong nhà. Tại cụm Công nghiệp của huyện, đóng trên địa bàn xã Dân Lực và xã Minh Châu cũng có không ít điểm chế biến, giặt rửa bao bì hoạt động, xả thải ra môi trường.

Được biết, trước thực trạng trên, UBND huyện Triệu Sơn đã lập quy hoạch, xin tỉnh phê duyệt dự án khu làng nghề, diện tích 3 ha để tiến hành đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý chất thải, nước thải đúng tiêu chuẩn. Tiến tới đưa tất cả các cơ sở chế biến, giặt rửa bao bì vào hoạt động tại đây. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về kinh phí nên dự án này vẫn đang “Giậm chân tại chỗ” và trong khi chờ dự án triển khai, người dân vẫn phải khổ sở vì sống trong ô nhiễm.

Đào Nguyên

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/thanh-hoa-co-so-giat-bao-bi-gay-o-nhiem-moi-truong-ngang-nhien-hoat-dong.html