Thanh Hóa: Báo động tình trạng đuối nước ở học sinh

Mặc dù thời tiết chưa bước sang hè, thời điểm xảy ra nhiều vụ đuối nước nhất trong năm, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm làm nhiều học sinh bị tử vong.

Mới đây nhất, ngày 5/4, cháu V.K.H, sinh năm 2015 và cháu V.T.M.P, sinh năm 2016 đều trú tại khu phố Piềng Mòng, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát ra suối Xim thuộc địa phận khu phố Piềng Mòn, thị trấn Mường Lát tắm mát và không may bị đuối nước, tử vong.

Trước đó, ngày 1/4, một nhóm bạn gồm 10 em rủ nhau vào khu vực hồ sông Mực, thuộc Vườn quốc gia Bến En nằm trên địa bàn xã Bình Lương, huyện Như Xuân vui chơi.

Dạy trẻ em tập bơi và các kỹ năng phòng chống đuối nước là một biện pháp hiệu quả ngăn chặn tình nguy cơ đuối nước (Ảnh: Quách Tuấn).

Khi đang chèo thuyền trên hồ, không may thuyền bị thủng, nước tràn vào khiến thuyền chìm dần. Do không biết bơi nên em N.V.T. (SN 2006), trú thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân bị đuối nước.

Vào chiều 31/3, tại bãi biển Sầm Sơn, TP Sầm Sơn, một nhóm 3 học sinh rủ nhau ra bãi biển tắm, trong khi tắm, em L.N.Đ, học sinh lớp 9, Trường THCS Trung Sơn không may bị nước cuốn ra xa và bị đuối nước thương tâm.

Ngày 25/3, tại một đầm trồng rau muống ở xã Thọ Tiến, huyện Triệu Sơn đã xảy ra một vụ đuối nước khiến em N.T.L và N.T.N.H (cùng 12 tuổi) trú thôn 6, xã Thọ Tiến, huyện Triệu Sơn tử vong.

Ngoài ra, tại thành phố Thanh Hóa, trong tháng 3/2024 đã xảy ra 2 vụ đuối nước khiến 2 trẻ em tử vong. Đáng buồn, cả 2 vụ tai nạn đều xảy ra tại các khu vực hồ điều hòa nằm ngay tại trung tâm của thành phố Thanh Hóa.

Nguyên nhân các vụ tai nạn trên được xác định là do các em trong độ tuổi học sinh thường rủ nhau ra bãi biển, khu vực sông, kênh, suối chơi và xuống nước tắm.

Do không lường trước được những nguy hiểm từ sóng lớn, nước chảy xiết, rơi vào vùng nước sâu, lại không biết bơi, không được trang bị các kỹ năng phòng, chống đuối nước… nên đã dẫn đến hậu quả nặng nề.

Với trường hợp xảy ra tại thành phố Thanh Hóa, do khu vực hồ điều hòa không có lan can bảo vệ, ngay sau khi xảy ra sự việc đau lòng, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố khẩn trương triển khai lập dự án đầu tư chỉnh trang, cải tạo một số công viên, khuôn viên cây xanh trên địa bàn.

Trong đó lưu ý phương án lắp đặt lan can xung quanh hồ nước đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn phòng, chống đuối nước, tạo cảnh quan cho khu vực.

Thành phố Thanh Hóa cũng giao Đội kiểm tra Quy tắc đô thị phối hợp với UBND các phường, xã và Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa tổ chức kiểm tra, rà soát, lập bản đồ, cắm biển cảnh báo, biển cấm tại các địa điểm nước sâu, nguy hiểm, khu vực có nguy cơ gây đuối nước đối với trẻ em.

UBND thành phố Thanh Hóa cũng yêu cầu, các phường, xã trên địa bàn thành phố cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên các phương tiện truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở, khuyến cáo gia đình, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em về các nguy cơ đuối nước…

Có thể thấy, từ những vụ việc đau lòng như trên, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng tai nạn đuối nước ở trẻ, đặc biệt là dịp hè sắp tới.

Hiện tại, cùng với việc trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước, các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng đẩy mạnh công tác chỉ đạo đến các địa phương, thường xuyên khuyến cáo người dân, phụ huynh và các trường học tuyên truyền, nhắc nhở con em, học sinh khi đi tắm biển, đi chơi hoặc tắm ở những khu vực ao, hồ… nhằm hạn chế nguy cơ đuối nước.

Đặc biệt, khi trẻ em đi tắm mát cần có các dụng cụ hỗ trợ và có người lớn đi cùng để tránh những tai nạn thương tâm có thể xảy ra.

Quách Tuấn

Dân sinh

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/thanh-hoa-bao-dong-tinh-trang-duoi-nuoc-o-hoc-sinh-20240411142554059.htm