Thành công điều hành chính sách tài chính quốc gia và khuyến nghị

Chính sách tài chính (còn gọi là chính sách tài khóa) là chính sách kinh tế vĩ mô hàng đầu của quốc gia, có vai trò lớn trong thực hiện các mục tiêu kinh tế. Năm 2023, chính sách tài khóa đã có sự phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ, thực hiện thành công các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, thực hiện kiểm soát lạm phát, ổn định tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm các vấn đề an sinh xã hội, an ninh và quốc phòng, ổn định nền tài chính quốc gia.

Xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh_Ảnh: TL

Thành công qua những chỉ tiêu cơ bản

Tất cả các chỉ tiêu cơ bản về điều hành chính sách tài khóa năm 2023 về cơ bản đều đạt cao so với kế hoạch và đạt khá so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 11-2023, tổng thu ngân sách nhà nước ước tính đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, bằng 94,9% dự toán năm và giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước; tổng chi ngân sách nhà nước đạt 1.502,9 nghìn tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán năm và tăng 10,9%. Tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 549,1 nghìn tỷ đồng, bằng 75% kế hoạch năm và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022, bằng 74,9% và tăng 20,9%).

Thị trường trái phiếu Việt Nam tiếp tục phát triển. Trên thị trường trái phiếu sơ cấp lũy kế 11 tháng năm 2023, tổng giá trị phát hành cả trái phiếu riêng lẻ và chào bán ra công chúng đạt 252,9 nghìn tỷ đồng; trong đó phát hành ra công chúng đạt 25,1 nghìn tỷ đồng, 227,8 nghìn tỷ đồng từ kênh trái phiếu riêng lẻ. Tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản đã đạt 75,4 nghìn tỷ đồng, trong 11 tháng năm 2023, bằng 113% so với cả năm 2022.

Một số chính sách thuế đặc thù và phát hành trái phiếu

Bộ Tài chính tham mưu, được Quốc hội nhất trí, Chính phủ đã ban hành một số chính sách tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi những tác động bên ngoài. Chính phủ ban hành Nghị định12/2023/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 14-4-2023 đến hết ngày 31-12-2023, quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Theo đó, giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đến hết năm 2023; gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8, 9-2023 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, cụ thể: thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8, 9-2023 chậm nhất là ngày 20-11-2023.

Ngày 5-3-2023, Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác; cho phép doanh nghiệp được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu; doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm; ngưng hiệu lực nhiều quy định về trái phiếu đến hết ngày 31-12-2023.

Ngày 29-11-2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024, áp dụng từ năm tài chính 2024. Theo đó, thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Sẽ có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Ngân sách ước tính sẽ thu được hơn 14.600 tỷ đồng khi 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nộp thuế này. Tuy nhiên, việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, có thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Nghĩa là ưu đãi về thuế của Việt Nam dành cho các doanh nghiệp nước ngoài sẽ không còn tác dụng, nên có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư.

Những vấn đề đặt ra về điều hành chính sách tài chính

Thứ nhất, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tuy đạt khá hơn năm 2022 nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch, dồn vào cuối năm. Một số bộ, ngành, địa phương chậm phân bổ vốn đầu tư công, tỷ lệ giải ngân đạt dưới 60% kế hoạch.

Thứ hai, còn tiềm ẩn nhiều tiêu cực trong lĩnh vực thuế và hải quan, tình trạng nợ đọng thuế còn lớn và thiếu minh bạch. Chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp triển khai chậm. Tuy nhiên, vẫn có nhiều kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng và tiềm ẩn tiêu cực, tham nhũng, hối lộ, trốn thuế, chây ì thuế trong lĩnh vực này. Chính sách này còn có tính chất cào bằng và chưa đúng đối tượng, nhất là đối với doanh nghiệp FDI.

Thứ ba, quản lý tài sản công, đặc biệt là đất đai của nhà nước giao cho doanh nghiệp, đất đai và trụ sở của các cơ quan Trung ương và địa phương ở còn lãng phí lớn, bỏ hoang, cho tư nhân thuê làm dịch vụ.

Thứ tư, quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quản lý thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm chưa tốt.

Thứ năm, chính sách tài chính chưa gắn chặt và thúc đẩy mạnh mẽ việc đổi mới hoạt động các đơn vị sự nghiệp thuộc các bộ ngành: quá nhiều viện nghiên cứu, trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ hoạt động không hiệu quả.

Thứ sáu, chậm đánh giá hiệu nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước sử dụng tại các đơn vị, tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thứ bảy, việc phối hợp giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, chính sách đầu tư, chính sách thương mại,... chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả.

Bộ Xây dựng cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến những dự án bất động sản, hướng dẫn doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại các phân khúc_Ảnh minh họa

Khuyến nghị chính sách

Năm 2024 dự báo còn những diễn biến bất thường trên thị trường tài chính quốc tế, những khó khăn về kinh tế vĩ mô trong nước, để thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, từ những phân tích, đánh giá ở trên, xin có một số khuyến nghị hàm ý chính sách sau đây:

Một là, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến điều hành chính sách tài khóa, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sửa đổi, đề xuất sửa đổi kịp thời các quy định có liên quan.

Hai là, Bộ Tài chính khẩn trương trình nội dung sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng. Xây dựng luật với 5 nhóm chính sách: hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế; quy định về cách tính thuế; các quy định về thuế suất thuế; các quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và hoàn thiện các quy định về hoàn thuế.

Ba là, Bộ Tài chính cần đẩy mạnh các giải pháp để thực sự ổn định, phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán hiệu quả, lành mạnh an toàn hiệu quả, bảo đảm niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn việc chào mua, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp bảo đảm đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Bốn là, Bộ Tài chính đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thanh tra, giám sát thực hiện các luật về thuế, hải quan, bảo hiểm, thị trường chứng khoán, chi tiêu công, sử dụng tiền ngân sách nhà nước, quản lý công sản. Đặc biệt là các khâu hoàn thuế, miễn giảm thuế, nợ đọng thuế, thiếu minh bạch trong hoạt động bảo hiểm, giao dịch chứng khoán, sử dụng đất công.

Năm là, Bộ Xây dựng cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các dự án bất động sản, hướng dẫn doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại các phân khúc, giảm giá bán sản phẩm.

Sáu là, Bộ Công an tiếp tục chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Có giải pháp quyết liệt xử lý các vi phạm của các tổ chức, cá nhân trá hình kinh doanh tiền tệ, tạo điều kiện (môi trường) củng cố và phát triển hệ thống các tổ chức tài chính cho vay tiêu dùng, góp phần ngăn chặn tín dụng đen.

Bảy là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, đánh giá thực sự khách quan, khoa học, làm rõ việc sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước cho hoạt động của các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng phát triển, bảo hiểm tiền gửi,... cùng các vấn đề có liên quan, như mô hình tổ chức, hiệu quả hoạt động, biên chế bộ máy, sử dụng tài sản, có biện pháp mạnh dạn về tổ chức, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước.

Tám là, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài chính, chính sách tiền tệ, tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại sở hữu của nhà nước, quản lý thị trường trái phiếu, thuế hoạt động của các tổ chức tín dụng, các nghiệp vụ khác có liên quan đến sự phát triển an toàn của thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán.

Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng Sản

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thanh-cong-dieu-hanh-chinh-sach-tai-chinh-quoc-gia-va-khuyen-nghi-703149.html