Thành công đến từ tình yêu đặc biệt dành cho hoa lan

Đối với 'anh chủ trẻ' Trương Tấn Lợi của vười lan Hai Beo, tình yêu đối với loài hoa tinh khôi và cao quý này luôn là bất diệt.

Ai đã từng ghé vườn lan Hai Beo, nghe “anh chủ trẻ” - Trương Tấn Lợi say sưa kể về sự ra đời, phát triển của vườn lan của mình, mới có suy nghĩ hoàn toàn khác về nghề trồng lan và kinh doanh lan đột biến ngày nay. Để từ đó hiểu thêm về những người trẻ trong thời đại mới khi họ không chỉ là việc tiếp nối công việc của người cha, mà còn có khả năng lan tỏa niềm đam mê của mình đến với những người khác và biến tình yêu đó để làm giàu.

Chân dung "anh chủ trẻ" của vườn lan Hai Beo nổi tiếng cả nước.

Câu chuyện về niềm đam mê của một người con nối nghiệp cha

Người ta thường bảo “con hơn cha là nhà có phúc”. Và nghệ nhân Hai Beo, người sáng lập ra vườn lan Hai Beo từ hàng chục năm trước chắc hẳn sẽ vô cùng hạnh phúc nếu nhìn lại sự phát triển của vườn lan thời điểm này.

Ngày xưa, ông Hai Beo - cha của anh Trương Tấn Lợi - vốn đã là một nghệ nhân chơi cây kiểng nổi tiếng. Thế nhưng, thời của ông chỉ chơi các loại lan ngoại nhập như hồ điệp, denro… Ông qua đời, để vườn lan lại cho các con trai gồm Công Danh, Tấn Lợi, Tấn Lộc chăm sóc, phát triển.

Giờ đây với 2.000m2 vườn lan tại đường Lê Thị Kim, ấp 6, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn đã trở thành vườn lan đột biến có giá trị lớn nhất nhì cả nước với 100 loại lan đột biến quý hiếm với những cái tên đặc biệt như: Người đẹp không tên, Bảo Duy, Ngọc Sơn Cước, Thảo Chi, Bạch Tuyết…

Ai từng chăm sóc cây kiểng, dù chỉ là vài chậu cây hay giò lan trên ban công vài mét vuông, chắc sẽ hiểu được những nỗi vất vả, cực nhọc của công việc ấy. Nó chẳng hề đơn giản như việc ra ngoài chợ mua vài chục hay vài trăm nghìn một bó hoa mang về cắm vào bình, chưng 5 - 7 bữa tàn, rồi bỏ. Nó cũng không chỉ là sự dãi nắng dầm mưa thông thường mà người trồng hoa phải đầu tư rất nhiều không chỉ công sức, mà còn cả tâm trí.

Là “con nhà nòi”, anh Trương Tấn Lợi hiểu hơn ai hết sự vất vả của nghề. Dường như với một “gia tài” không chỉ là vườn lan mà cha để lại, còn cả hàng khối kinh nghiệm được học từ chính cha mình, anh Lợi có thể chỉ cần bước tiếp con đường sưu tầm của cha, đã là có đủ những điều bất cứ người trẻ cũng mong muốn.

Thế nhưng, niềm đam mê vô cùng bắt đầu từ cái thời còn là cậu bé theo ba chăm sóc vườn lan đã thôi thúc trong anh ước mơ có một vườn lan của riêng mình là chưa đủ, mà anh còn muốn làm một điều gì đó thật đặc biệt cho niềm đam mê của mình, lan tỏa nó đến với mọi người.

Vườn lan Hai Beo có trên 100 loài lan đột biến quý và hiếm.

Yêu là không bao giờ sai lầm

Bước vào vườn lan đột biến Hai Beo hôm nay, không thể nào không choáng ngợp vì sự hiện đại, bề thế, đẹp đẽ của một nhà vườn mang tính chuyên nghiệp cao. Bên cạnh những giò lan đang được chăm chút từng ngày để chờ ra bông, là những khu vực mà anh Lợi làm riêng hẳn ra để chưng những giò lan từng chùm từng chùm đang nở hoa, thơm ngát.

Anh Lợi không nhớ hết có bao nhiêu khách đã đến thăm vườn lan Hai Beo, nhưng mỗi lần khách tới "anh chủ trẻ" sinh năm 1984 lại say sưa, hào hứng kể về những giò lan của mình, chỉ ra cho khách xem cái đẹp của những bông lan đột biến nằm ở đâu.

Giữa buổi tham quan đang hào hứng, sôi nổi, chợt có một người khách đưa ra cho anh một câu hỏi khó, về những mất mát, sai lầm, tổn thất trên con đường của một người đi tìm vẻ đẹp mới của một loài hoa đã quá quen thuộc, tôi nghe anh trả lời một câu rất hay: “Yêu là không bao giờ sai lầm”. Chính câu nói đó khiến tôi quay lại nhìn anh và muốn nghe anh kể nhiều hơn về con đường yêu một loài hoa ấy.

Theo anh Lợi kể, dù là một người đam mê chơi hoa và sưu tầm hoa lan, thế nhưng ba anh vẫn chỉ quanh quẩn trong những loài hoa ngoại nhập hay hoa lan thông thường. Khi ba mất, anh mới bắt đầu con đường riêng của mình là phát triển thị trường lan mạnh hơn trên cả đất nước Việt Nam.

Cũng từ đó, anh nhận ra hoa lan trong miền Nam mang ra Bắc bị rụng lá không thể nào phát triển được. Trong khi đó, trải qua quá trình rong ruổi khắp nơi, giao lưu với bạn bè yêu lan khắp mọi miền, anh lại biết thêm một điều thú vị rằng ở ngoài Bắc có một loài lan đột biến tên là Giả hạc. Loài hoa rất đẹp, rất thơm ấy lại không thể nào nở hoa khi trồng ở thời tiết nóng nực của TP.HCM. Thế là anh quyết tâm gầy dựng con đường riêng của mình - phát triển Giả hạc trên đất Nam.

Ngoài tình yêu lan mãnh liệt, anh Lợi cũng có một gia đình ấm êm và hạnh phúc.

Rong ruổi khắp nơi, nghe đâu có hoa đẹp là tìm tới, đặt mua hoa của người đi rừng, đặt trên mạng… anh tìm mọi cách sở hữu càng nhiều loại càng tốt.

Có những chậu hoa anh mua với giá cả 100 triệu đồng. Cũng có khi mua thu gom của người đi rừng vài trăm nghìn đồng một ký, rồi có khi lên tới cả trăm triệu một ký.

Thế nhưng giữa hàng nghìn giò lan ấy, tìm được giò lan cho ra hoa đẹp cũng không phải dễ dàng. Chỉ có bằng một tình yêu, sự đam mê lớn mới có thể bỏ công, bỏ của ra mà tìm tòi, nghiên cứu như vậy. Thành công cuối cùng cũng đến với anh khi anh đã dùng thuốc, kích lạnh, tạo cho những loài hoa đẹp đó điều kiện thích hợp. Và cuối cùng Giả hạc đã nở hoa trên đất Sài Gòn.

Với hàng chục năm đeo đuổi, tìm tòi, chăm sóc, không bao giờ nản chí khi thất bại, chỉ có một tình yêu ghê gớm, một niềm đam mê tuyệt vời mới có thể cho anh Lợi “quyền” được trả lời một cách chắc nịch, gọn gàng mà đầy chất thơ - “Yêu là không bao giờ sai lầm”.

Sở hữu trong tay một vườn lan tuyệt vời đến như thế, được người trong giới đánh giá cao cả về giá trị tinh thần lẫn vật chất, với anh Lợi chưa bao giờ là điểm dừng cuối cùng. Niềm đam mê của anh với vẻ đẹp kỳ ảo, biến hóa từ những sắc thái nhỏ nhất của màu hoa đến những mùi hương ngào ngạt của lan đột biến là vô tận. Và vì thế anh nói rằng mình sẽ không bao giờ ngừng lại trên con đường tìm tòi, phát triển các giống hoa lan đột biến.

Khánh Chi

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thanh-cong-den-tu-tinh-yeu-dac-biet-danh-cho-hoa-lan-ar695513.html