Thằng Vẹo

Không rõ từ bao giờ bà con ở khu Cầu Giồng đặt cho nó cái tên là thằng Vẹo. Ngoài cái chân trái tật nguyền, nó còn có đôi mắt thụt sâu ẩn dưới đôi lông mày rậm và cái miệng rộng quá khổ, hai mép nhếch lên, trông tựa nhân vật "Thằng Cười" của Victor Hugo. Nó nổi tiếng có thể không phải do hình dạng dị biệt, mà do nhiều vụ việc gây ồn ào đường phố, do tính khí cộc cằn, ngang bướng, hay sinh sự với bất cứ người nào mà nó muốn.

Với xấp vé số trên tay, hằng ngày nó đi lê la khắp phố, ngõ ngách trong phường nó thuộc như nằm trong lòng bàn tay, nhiều hoàn cảnh gia đình nó rành rẽ còn hơn mấy vị làm công tác mặt trận. Nhiều người thương cảm hoàn cảnh, mở lòng giúp cho nó có miếng cơm, nhưng cũng có người không muốn giao tiếp, tỏ thái độ e dè, hắt hủi.

Người đặc biệt không thiện cảm với nó là ông Sáu xe ben, một người ngang tàng, thô lỗ, ai cũng muốn tránh xa. Lần đó, trong lúc "xả nước cứu thân" bên gốc cây me, ông bị một bịch nước lạnh ném vào lưng làm tê buốt, sượng sùng. Trong cơn say ngầy ngật, ông vẫn kịp nhận ra kẻ dám xúc phạm đến ông chính là thằng Vẹo, người mà ông đã nhiều lần xua đuổi khi được mời mua vé số. Ông định nện cho nó một trận, thì thằng nhỏ đã cặp chiếc nạng đi ra đến đầu hẻm.

Một lần khác, khi phường tổ chức giải bóng đá mini khu phố, sau mấy ngày nài nỉ ông chủ tịch, nó được đưa vào danh sách đội "đặc biệt", chơi ở vị trí thủ môn. Ngay trận đấu đầu tiên, khi ông chủ tịch lừa bóng qua hậu vệ, đối diện với cầu môn, nhằm cứu nguy cho đội nhà, thằng Vẹo phóng ra phang chiếc nạng gỗ vào chân đối thủ. Cú chơi của nó làm ông chủ tịch ngã lăn ra sân, sau đó do bị sưng cổ chân khá nặng, ông phải nghỉ làm việc mất ba ngày.

Trong một lần sinh hoạt khu phố, thằng Vẹo là đề tài được mọi người đưa ra bàn luận suốt buổi. Một số người đề nghị đưa nó vào trường giáo dục thiếu niên vì không ai bảo ban, dạy dỗ. Ông Sáu xe ben thì lớn tiếng cho rằng, hành vi của thằng Vẹo là mầm mống xấu cho sự phát triển của trẻ em trong khu vực, nó lây lan, tác hại không khác gì... ma túy. Gần cuối buổi họp, người duy nhất đứng lên bênh vực cho thằng bé bị nhiều tai tiếng là bà Năm bán xôi. Theo bà, nó là thằng bé đáng thương hơn ghét bỏ. Người cha vô tâm đã bỏ đi từ lúc nó mới chào đời, năm lên 3 cơn bệnh sốt bại liệt lại hủy hoại một phần thân thể của nó. Bệnh tật, đói nghèo đã sớm đè nặng lên cuộc đời một đứa trẻ vô tội.

Chưa hết, năm 13 tuổi, nó lại mất mẹ. Bà Bảy bán rau từ giã cõi đời sau những ngày chống chọi mệt mỏi với bệnh tật. Nó phải nghỉ học, tự kiếm sống. Có nghịch cảnh nào đau đớn hơn thân phận của nó. Nỗi mặc cảm, cô đơn, sớm lăn lóc với đời đã biến một đứa trẻ ngoan hiền thành con người xù xì, khô khan như sỏi đá. Nhiều lần bà đã ứa nước mắt khi buổi sáng nó đến mua chịu ba gói xôi để tạo sức lực cho một ngày kiếm ăn vất vả. Có những buổi chiều nó trở về nhà với gương mặt tiu nghỉu khi trên tay còn nhiều tờ vé số. Có đêm nó nằm rưng rức, khi trở giấc giật mình nhớ mẹ. Trong khi những đứa trẻ cùng lứa sống hồn nhiên trong vòng tay bảo bọc của cha mẹ, thì nó lại đơn côi tranh đấu với đời.

*

* *

- Hôm nay sao mày về sớm?

Thằng Vẹo kéo vạt áo chùi nước mắt, ngoái cổ ra sau. Anh cảnh sát khu vực đứng ở ngưỡng cửa nhìn vào tự lúc nào.

- Dạ, bữa nay là ngày giỗ mẹ con, năm thứ hai đó chú.

Anh cảnh sát nhìn lên di ảnh người quá cố, trên chiếc kệ nhỏ treo bên dưới có một nải chuối, một chén chè, dĩa xôi và mấy cái bánh ít. Một bữa giỗ thanh đạm hơn bất cứ bữa giỗ nào mà anh từng được biết đến. Thằng Vẹo chống cây nạng đứng lên, nhìn anh cảnh sát với ánh mắt trìu mến, một cử chỉ mà nó chưa từng dành cho ai bao giờ. Ngày mẹ nó mất, chính anh là người vận động bà con khu phố tổ chức ma chay, đưa người xấu số đến nơi an nghỉ cuối cùng. Ba năm trước, cũng chính anh là người đã giúp cho mẹ nó mua căn nhà nhỏ hơn chiếc thùng xe tải nép bên nghĩa trang này, rồi còn cho vật tư để che mưa, chống nắng. Anh ít nói, nhưng những hành động đó đã ghi dấu ấn trong tiềm thức của nó.

- Mày xin lỗi ông chủ tịch chưa? - Anh cảnh sát nhắc lại chuyện đá bóng.

Thằng nhỏ ngượng ngùng:

- Con mua ba trái cam đến tặng chú ấy, nhưng chú ấy không nhận mà còn nói: "Tao sợ mày luôn!".

Anh cảnh sát cười khẩy, quay lưng bỏ đi.

Mỗi tối, vào khoảng 8 giờ, Cảnh sát khu vực Lê Thành thường đến làm việc tại trụ sở ban bảo vệ khu phố. Tối đó, thằng Vẹo lò dò tìm đến, bắt chuyện:

- Chú có súng không?

Anh cảnh sát không đáp.

- Hôm trước, con thấy chú đánh nhau với hai thằng trộm xe, một hồi lâu, nhờ mấy anh dân phòng chú mới túm được tụi nó. Lúc đó, nếu có súng, chú chỉ cần... pằng... pằng... như phim Mỹ, là xong ngay.

Anh cảnh sát đẩy chiếc ghế bảo nó ngồi xuống. Thằng Vẹo lại luyên thuyên chuyện hè phố:

- Con thấy trước cổng ủy ban treo tấm băng-rôn có câu "bảo tồn di sản văn hóa dân tộc"... Di sản là gì, hở chú?

Anh cảnh sát gấp quyển sổ đăng ký tạm trú, nhìn thằng bé có đôi mắt chứa đầy khát vọng, nhẹ nhàng nói:

- Di sản là tài sản tinh thần hoặc vật chất có giá trị do lịch sử để lại hoặc do thiên nhiên tạo ra... Ở khu phố 3 có cái đình hơn 100 năm tuổi, người ta hay làm lễ hội, nó được coi là di sản... Mày hiểu chưa?

Thằng nhỏ gật gù. Anh cảnh sát nói tiếp:

- Biết hỏi đến vấn đề này, tao nghĩ mày còn có óc cầu tiến. Mày phải tiếp tục đi học. Đây là ý nghĩ từ lâu chú muốn nói với mày. Năm nay mày mới 15 tuổi, đời còn quá dài. Thân thể khiếm khuyết nhưng cái đầu mới quyết định tất cả. Sự hiểu biết mới giúp con người ta tồn tại với cuộc sống. Ban ngày mày cứ đi bán, ban đêm mày dành hai tiếng đến lớp. Chú sẽ gởi mày cho một người bạn là giáo viên cấp 3, đến nhà chú ấy học tập, có đầy đủ phương tiện. Vả lại, buổi tối mày không làm gì, cứ đi phá phách lối xóm, vong linh má mày làm sao nghỉ yên. Học đi, để biết di sản là gì, để thấy đời sống còn có ý nghĩa. Nghe lời chú nhé, Lê Thanh Bình...

Thằng Vẹo bật khóc. Lâu lắm rồi nó mới nghe một người gọi đúng tên của mình. Những lời chú Thành nghe sao tha thiết quá.

*

* *

Mây đen phủ kín bầu trời, một cơn mưa to sắp đổ xuống. Bán xong tấm vé cuối cùng, thằng Vẹo nhanh chân quay về tổ ấm. Lòng nó thấy rộn ràng, khi hôm nay có người ủng hộ mua giúp nó đến hai mươi vé. Nếu không có nhà hảo tâm ấy, có lẽ buổi chiều này nó sẽ ngụp lặn trong cơn mưa với cái bụng xốn xang, lo lắng. Người làm nghề như nó ngày càng đông, nên cuộc mưu sinh ngày thêm khó nhọc. Có lẽ, đến lúc nào đó nó phải đổi nghề, có lẽ nó nên nghe lời anh cảnh sát khu vực... Đang nghĩ ngợi miên man, tâm trí nó chợt tập trung vào một cái vật màu đen cuộn tròn nằm chơ vơ gần miệng cống thoát nước. Nó bước đến, nhìn kỹ hơn. Có lẽ là một chiếc áo mưa. Áo mưa cũng tốt, nó đang định mua cái mới để thay cái đã mặc suốt mùa mưa năm rồi. Nó nhặt lên, kẹp cái vật bị đánh rơi vào chiếc nạng, nhanh chân bước đi.

Vừa vào nhà, nó gỡ mấy sợi thun, kiểm tra cái vật lạ. Chiếc áo nhựa vừa xổ ra thì hai xấp giấy bạc mệnh giá 500.000 đồng rơi xuống nền gạch. Nó giật thót người. Của trời cho? Một trăm triệu đồng, số tiền quá lớn không chỉ đối với nó. Mưa rơi nặng hạt, nó thấy lòng mát mẻ, lâng lâng.

Suốt đêm đầu óc thằng bé cứ quay cuồng quanh những tờ giấy bạc. Nó muốn có một chiếc xe lắc tay thay cho những bước chân nhọc nhằn, muốn có một cái tivi để xua bớt đi màn đêm tẻ nhạt, muốn có cái giường nệm thay cho chiếc vạt tre lung lay, khô cứng... Rồi nó cũng nhớ đến hình ảnh của người mẹ cực khổ, thật thà. Có lần, người mua hàng đưa nhầm tờ bạc một trăm ngàn cho mớ rau chỉ đáng giá năm ngàn đồng, mấy hôm sau người ấy quay lại, mẹ nó hoàn ngay số tiền đưa dư. Bà nói: "Đồng tiền nào cũng khó nhọc lắm, nhất là với những người nghèo", số tiền nó nhặt được là của ai, có phải là gia tài của một gia đình đang gặp cảnh khó khăn, có phải là một cuộc mua bán vội vã hay là sự vay mượn để giải quyết những bức bách trong cuộc sống. Khó nghĩ ra được điều gì ẩn chứa trong số tiền ấy, nhưng nó phải làm theo lời mẹ nó dạy, nó thương mẹ, nhớ mẹ lắm...

*

* *

Mới sáng sớm, ông Sáu xe ben đã hộc tốc chạy đến công an phường báo tin bị rơi mất 100 triệu bạc. Suốt đêm hôm qua, ông cùng người nhà tìm kiếm khắp con đường dài hơn chục cây số, nhưng không nhận ra chiếc áo mưa màu đen. Số tiền ấy ông mượn của người chủ xe, chuẩn bị cho ca mổ hở van tim của bà vợ. Tính mạng của bà sẽ lâm nguy nếu như hai ngày nữa không được tiến hành phẫu thuật. Gia đình ông Sáu cũng thuộc loại tay làm hàm nhai, lắm lúc lại gặp những chuyện khốn đốn do bản tính bê tha, nhậu nhẹt của ông. Mượn được tiền, quá đỗi vui mừng, ông gọi ngay mấy người bạn làm một chầu cho đã bụng. Thấy trời chuyển mưa to, ông chạy nhanh về nhà với tay lái chệnh choạng, mấy lần suýt leo lên vỉa hè, cọc tiền gói trong chiếc áo mưa rơi lúc nào không hay. Ông đau đớn, hốt hoảng, tuyệt vọng... Trong lúc anh cảnh sát trực ban chăm chú ghi lời khai, thì Đại úy Lê Thành bảo ông cứ bình tĩnh, ngồi chờ một sự... may mắn. Nửa giờ sau, nhác thấy thằng Vẹo đi qua với gói xôi cầm trên tay, Đại úy Lê Thành liền gọi nó vào và chỉ người đàn ông đang ngồi vò đầu bứt tóc:

- Đây là người mà suốt đêm hôm qua mày phải băn khoăn, lo nghĩ. Thôi, tiến hành bàn giao cho đôi bên cùng... nhẹ bụng.

Qua một đêm trăn trở với cái của hoạnh tài, 5 giờ sáng, thằng Vẹo quyết định mang số tiền nhặt được đến giao cho anh cảnh sát khu vực. Nó không ngờ, số tiền đó quá quan trọng đến tính mạng của một con người, ảnh hưởng lớn đối với cuộc sống của một gia đình lao động. Ông Sáu xe ben thì bất ngờ lớn hơn, trong nỗi vui mừng khôn xiết, ông ôm thằng bé vào lòng, nước mắt giàn giụa: "Mày tha lỗi cho bác... những gì bác đối xử không tốt với mày... Con đã cho bác một hạnh phúc quá lớn... ngàn lần cảm ơn con...".

Cái tin thằng Vẹo làm việc tốt nhanh chóng loan đi khắp phường. Ai cũng thấy vui, người vui nhất là bà Năm bán xôi và anh cảnh sát khu vực, những người đã thẩm thấu cái nghèo, cái nghĩa của mảnh đất ven đô.

*

* *

Thằng Bình đeo chiếc balô đi đến lớp học. Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi nghĩ đến những thành kiến mà họ đã từng gieo cho nó. Trong dáng đi liêu xiêu của thằng bé, người ta nhìn thấy một tâm hồn trắng trong, cao thượng.

Tháng 9/2015

Nhà văn, nhà báo TRẦN TỬ VĂN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nhip-song/thang-veo_151540.html