Tháng Năm về, người Bạc Liêu nhớ Bác Hồ

Dù Bác chưa một lần có dịp vào thăm miền Nam ruột thịt, nhưng trong mỗi trái tim người dân miền Nam nói chung, người dân Bạc Liêu nói riêng vẫn luôn khắc ghi hình bóng và lời dạy của Bác.

Những ngày tháng Năm luôn khiến người dân cả nước nói chung, người Bạc Liêu nói riêng cảm thấy nhớ thương da diết về Bác Hồ kính yêu. Vào ngày sinh của Người (19/5), biết bao dòng người, tràng hoa tươi thắm của người con quê hương này tìm về Đền thờ Bác Hồ tại xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) với lòng tôn kính vô bờ.

Hằng năm, tại Đền thờ Bác Hồ, người dân địa phương tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân ngày sinh của Bác, thành kính dâng hương lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Nghi)

Hằng năm, tại Đền thờ Bác Hồ, người dân địa phương tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân ngày sinh của Bác, thành kính dâng hương lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Nghi)

Đã trở thành truyền thống, cứ đến tháng Năm, tại xã Châu Thới, nơi có Đền thờ Bác Hồ, từng dòng người trong và ngoài địa phương tấp nập về đây thắp hương tưởng nhớ đến Người.

Người dân xã Châu Thới ngày nay hầu hết đều treo ảnh Bác và càng không quên đặt những mâm cơm, tràng hoa tại Đền thờ trong ngày sinh nhật Bác. Và món quà ý nghĩa nhất dành cho ngày sinh nhật Bác mà Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu đã chuẩn bị chính là những thành tựu trên các lĩnh vực mà Bạc Liêu đạt được từ việc kiên định luôn bước theo chân Bác, khắc sâu và thấm nhuần những lời Bác dạy.

Đã gần 55 năm kể từ ngày Bác đi xa, nhưng sự nghiệp và tư tưởng, tấm gương đạo đức vĩ đại, sáng ngời của Bác vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng. Ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) đã và đang là “địa chỉ đỏ, độc nhất vô nhị” nổi tiếng khắp cả nước, khi nơi đây ngày 5/9/1969, được tin Bác Hồ mãi mãi đi xa, nghĩ đến công lao trời biển và tình yêu bao la của Người với đồng bào miền Nam ruột thịt, Đảng ủy, UBND xã đã quyết định thực hiện tâm nguyện của nhân dân xây dựng Đền thờ Bác, để ngày đêm hương khói cho Người (nay là Di tích lịch sử cấp quốc gia).

Năm 2014, theo gợi ý của Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng, xã Châu Thới đã giao cho Cựu chiến binh ấp Bà Chăng A thành lập Câu lạc bộ Cựu chiến binh thắp hương, tưởng niệm Bác Hồ (viết gọn là CLB). CLB ngày mới thành lập có 36 thành viên và do Chi hội trưởng Cựu chiến binh ấp kiêm Chủ nhiệm CLB, nay tăng lên 53 thành viên và được chia thành 10 tổ. Từ đấy, các tổ thay phiên nhau, cứ đúng 17h hằng ngày, trang phục chỉnh tề đến thắp hương tưởng niệm Bác Hồ, với tấm lòng tự nguyện thành kính nhất và nguyện suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hội Cựu chiến binh tỉnh Bạc Liêu dâng hương tưởng niệm Bác. (Ảnh: Phương Nghi)

Hội Cựu chiến binh tỉnh Bạc Liêu dâng hương tưởng niệm Bác. (Ảnh: Phương Nghi)

Tấm gương của Bác đã lan tỏa, tác động tích cực đến mỗi người và muôn người. Tôi đã trò chuyện với cựu chiến binh Nguyễn Văn Khoa (Bảy Khoa), thương binh hạng 4/4, người suốt hơn 50 năm qua, kể từ khi Bác Hồ qua đời (1969), là đội trưởng Đội bảo vệ Đền thờ Bác và cho đến hôm nay, ông là thành viên của CLB vẫn hằng ngày bảo vệ, giữ gìn, thắp hương trong Đền thờ Bác Hồ tại xã Châu Thới.

Ông Bảy Khoa được Thủ tướng Chính phủ, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, UBND tỉnh Bạc Liêu tặng Bằng khen về thành tích bảo vệ Đền thờ Bác Hồ và được Tỉnh ủy Bạc Liêu bầu chọn đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, tổ chức 2020, tại Thủ đô Hà Nội.

Cũng như bao ngôi nhà khác ở Châu Thới, nhà ông Khưu Tam Phước (Ba Phước), Chi hội trưởng Cựu chiến binh ấp Bà Chăng A, Chủ nhiệm CLB thắp hương tưởng niệm Đền thờ Bác, dành vị trí trang trọng nhất treo ảnh Bác. Dù tuổi đã cao nhưng ông Phước vẫn không quên, sáng nào ông cũng thắp hương bàn thờ Bác. Đó là những việc ông từng làm đi làm lại mấy mươi chục năm qua để tỏ lòng tôn kính, nhớ thương Người. Việc thờ di ảnh, dâng hương Bác là xuất phát từ tình cảm chân thành, sự kính yêu của nhân dân Châu Thới với Bác.

“Những năm gần đây, CLB đặt bánh tổ chức sinh nhật Bác vào ngày 19/5 có sự tham gia của lãnh đạo Huyện ủy Vĩnh Lợi và CCB huyện, xã, ngoài báo công dâng Bác về kết quả hoạt động, CLB còn hạ quyết tâm dạy dỗ con cháu mãi mãi đi theo con đường Bác chọn”, ông Ba Phước chia sẻ.

Các cựu chiến binh Nguyễn Văn Khoa (bên trái) và Khưu Tam Phước tại lễ thắp hương tưởng nhớ Người trong Đền thờ Bác Hồ. (Ảnh: Phương Nghi)

Các cựu chiến binh Nguyễn Văn Khoa (bên trái) và Khưu Tam Phước tại lễ thắp hương tưởng nhớ Người trong Đền thờ Bác Hồ. (Ảnh: Phương Nghi)

Hướng đến kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chi hội Cựu chiến binh ấp Bàu Sen, xã Châu Thới tổ chức họp mặt nói chuyện chuyên đề về Bác. Qua đó, để tưởng nhớ đến công lao của Bác Hồ. Mọi người kể nhau nghe những câu chuyện về Bác Hồ, một con người bình dị nhưng có trái tim yêu thương to lớn dành cho dân tộc Việt Nam.

Chi hội trưởng Cựu chiến binh ấp Bàu Sen, ông Bùi Hữu Nghị cho biết: “Từ tấm lòng yêu quý, tôn kính Bác Hồ, hàng năm Chi hội tổ chức nói chuyện Chuyên đề về Bác diễn ra trang trọng, ấm áp bên những nén hương thể hiện tấm lòng và sự kính mến vô hạn của người dân nơi đây tưởng nhớ đến công lao đóng góp của vị cha già kính yêu. Nhớ ơn Bác các hội đoàn thể, người dân thể hiện sự thành kính của mình dâng trà bánh, trái cây lên bàn thờ Bác, trước anh linh của Người. Bác Hồ đã đi xa, nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách của người vẫn sáng ngời chân lý, là bài học quý báu để thế hệ hôm nay tiếp nối xây dựng quê hương ngày càng phát triển văn minh”.

Ở Chi bộ ấp Bàu Sen nhờ duy trì sinh hoạt chuyên đề về học Bác đã tạo được sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động. Trong số rất nhiều công trình, phần việc được thực hiện thì việc làm quan trọng nhất của Chi bộ là tuyên truyền, phát động người dân thi đua sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Từ cách làm đó đã đưa 85% hộ dân của ấp trở nên khá, giàu, hộ nghèo chỉ còn 0,3%, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Các thành viên CLB cựu chiến binh thắp hương tưởng niệm Bác Hồ (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) tại Đền thờ Bác Hồ. (Ảnh: Phương Nghi)

Các thành viên CLB cựu chiến binh thắp hương tưởng niệm Bác Hồ (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) tại Đền thờ Bác Hồ. (Ảnh: Phương Nghi)

Bà Lê Thị Đầm, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Châu Thới (1970-1978), người chỉ đạo và trực tiếp xây dựng Đền thờ Bác, mấy mươi năm nay qua, gia đình bà thờ Bác nơi trang trọng nhất, thắp hương hằng ngày và sinh nhật hay giỗ Bác năm nào, bà cũng làm một mâm cơm giản dị cúng Bác, rồi tập hợp con cháu sống xung quanh về để dạy con cháu biết truyền thống ông bà, để biết công ơn Bác Hồ, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Đó là cách bà dạy con cháu phải biết giữ gìn truyền thống và sống có ích với đời.

Bây giờ nhìn lại đám con cháu, bà đã có thể tự hào về sự gìn giữ này. Có người là đảng viên, có người là giáo viên, có người đi bộ đội rồi về làm nông dân, tất cả đều đang chung sức xây dựng đời sống mới bằng cả nhiệt huyết và nền tảng truyền thống của gia đình.

Ông Dương Đức Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Châu Thới cho biết: “Năm 1998, Đền thờ Bác Hồ ở Châu Thới được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia, đây là vinh dự, niềm tự hào của Châu Thới. Ở đâu không biết, chớ ở Châu Thới này, hầu hết nhà dân đều lập bàn thờ Bác. Cái này không ai vận động, cũng đâu ai bắt buộc, bà con tự nguyện làm thôi. Bởi vậy, ở đâu đâu cũng có hình bóng Bác Hồ".

"Ở đâu không biết, chớ ở Châu Thới này, hầu hết nhà dân đều lập bàn thờ Bác. Cái này không ai vận động, cũng đâu ai bắt buộc, bà con tự nguyện làm thôi. Bởi vậy, ở đâu đâu cũng có hình bóng Bác Hồ".

Theo ông Thắng, “trong chiến tranh, lòng kính yêu Bác biến thành sức mạnh tinh thần để người dân Châu Thới cũng như nhiều nơi khác đánh thắng kẻ thù xâm lượt. Ngày nay, lòng kính yêu ấy còn được thể hiện bằng việc quyết tâm học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức ngời sáng của Bác, chung sức chung lòng xây dựng quê hương ngày thêm phát triển”.

Tháng Năm lại về. Người dân Bạc Liêu càng nhớ Bác, về sự hy sinh cao cả, đạo đức cách mạng ngời sáng của Bác Hồ. Trong các ngày lễ trọng đại của đất nước, không chỉ có người dân Bạc Liêu thương nhớ Bác khôn nguôi, mà còn có cả khách thập phương ở mọi miền đất nước mỗi khi có dịp đến tham quan, du lịch Bạc Liêu đến viếng Bác bằng cả tấm lòng tôn kính.

Phương Nghi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thang-nam-ve-nguoi-bac-lieu-nho-bac-ho-271795.html