Thắng lợi “kép” trong điều hành thu - chi ngân sách

Năm 2012, nền kinh tế nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động không thuận từ bên ngoài và những yếu kém nội tại. Tăng trưởng kinh tế cả năm thấp nhiều so với dự báo và mục tiêu kế hoạch đề ra đầu năm (6-6,5%); sản xuất kinh doanh gặp khó khăn; sức mua thị trường giảm, tồn kho tăng lớn, nợ xấu tăng... ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách.

Để chủ động ứng phó với những khó khăn, thách thức, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu với Chính phủ, với Quốc hội ban hành các Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ, Nghị quyết số 29/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Quốc hội; Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Các Nghị quyết đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với nhiều giải pháp thiết thực về chính sách tài chính nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh gắn với hỗ trợ phát triển thị trường nhưng vẫn nhất quán trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.… Bằng sự nỗ lực và quyết tâm rất cao của toàn ngành Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, chúng ta đã hoàn thành kế hoạch thu - chi NSNN năm 2012 theo dự toán Quốc hội quy định, đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế. Thu ngân sách đạt và vượt dự toán. Tất cả các khoản chi ngân sách đều được đảm bảo, đặc biệt các khoản chi cho an sinh xã hội tăng trên 20%. Các chính sách tài khóa trong năm 2012 đã phát huy tác dụng với các giải pháp giãn thuế GTGT, giãn nợ thuế đối với các DN, cũng như các giải pháp giãn tiền sử dụng đất, giảm thuế TNDN cho DN, các biện pháp cải cách hành chính thuế được đẩy nhanh hơn… nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Đây có thể coi là thắng lợi “kép” trong điều hành kế hoạch thu – chi NSNN năm 2012.

Điều quan trọng nhất là việc điều hành chính sách tài chính - ngân sách trong năm đã bám sát định hướng của Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tổng quát Quốc hội, Chính phủ đã đặt ra, đó là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội. Có thể nói, mỗi giải pháp, mỗi chính sách trong công tác điều hành thu, chi ngân sách đều đã được Chính phủ, Bộ Tài chính tính toán, lựa chọn phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế và xây dựng kế hoạch, bước đi thích hợp trên cơ sở lường trước những khó khăn để vừa hỗ trợ cho nền kinh tế, vừa đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước.

Các giải pháp về thuế, phí hỗ trợ DN vượt qua khó khăn trong thời gian qua cũng là một mặt của chính sách nuôi dưỡng nguồn thu, DN có ổn định và sản xuất, kinh doanh có phát triển thì mới có cơ sở để thu ngân sách ổn định và tăng trưởng. Các giải pháp hỗ trợ DN nói chung còn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Nhà nước để đồng hành với DN trong bối cảnh khó khăn, giúp DN giảm bớt gánh nặng về vốn, về chi phí để tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, khích lệ tinh thần và tạo niềm tin cho DN an tâm sản xuất, kinh doanh. Qua đó tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời có tác động lan tỏa lớn đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

(PV)

Nguồn eFinance: http://www.taichinhdientu.vn/home/thang-loi-kep-trong-dieu-hanh-thu--chi-ngan-sach/20131/127338.dfis