Tháng lễ Ramadan rơi vào mùa Đông: Sự thú vị của lịch Hồi giáo

Lịch Hồi giáo không có tháng nhuận giống như một số lịch khác khiến tháng lễ Ramadan năm 2024 chính thức bắt đầu trong tiết trời mùa Đông.

Ngày 11/3 vừa qua, cơ quan thiên văn học ở nhiều quốc gia Arab thông báo tháng lễ Ramadan chính thức bắt đầu. Ở một số nước, ánh trăng lưỡi liềm mỏng như dao sắc đã có thể được thấy trên bầu trời đêm. Đây là một trong những dấu hiệu dễ nhận biết để xác định thời điểm bắt đầu tháng Ramadan.

Ánh trăng lưỡi liềm quan sát được từ Saudi Arabia đánh dấu khởi đầu tháng Ramadan năm 2024. (Nguồn: Internet)

Như vậy, sau nhiều năm diễn ra trong tiết trời mùa Hè, năm 2024 tháng lễ Ramadan chính thức rơi vào mùa Đông, và sẽ chỉ quay trở lại mùa Hè sau… 27 năm nữa. Vì sao lại có hiện tượng này?

Bước lùi thời gian

Khác với lịch âm của các nước Đông Á như Việt Nam, Trung Quốc,… lịch Hồi giáo truyền thống, công cụ phổ biến nhất để xác định thời điểm diễn ra tháng Ramadan không quy định tháng nhuận.

Tròng lịch Hồi giáo, một năm luôn có số ngày cố định ở khoảng 354 ngày. Do không tương đương với lịch Công giáo (hay còn gọi là lịch dương), các tháng Hồi giáo thường xuyên lùi lại 10 ngày so với tháng của năm trước đó.

Tháng Ramadan, tháng thứ chín trong lịch Hồi giáo, vì thế không cố định và có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong năm.

Theo chu kỳ lịch, tháng Ramadan bắt đầu diễn ra trong thời điểm tiết trời nắng gắt từ khoảng năm 2006-2007. Yếu tố này kết hợp với các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã khiến tháng Ramadan những năm vừa qua là thử thách thực sự đối với người dân ở nhiều nước Arab, đặc biệt là ở những quốc gia có ít cây xanh và nhiều đất sa mạc.

Việc cầu nguyện trong tháng Ramadan vào mùa Hè cần nhiều sự nỗ lực từ những tín đồ Hồi giáo. (Nguồn: Arab Weekly)

Vào thời điểm tháng Ramadan của năm dương lịch 2024 bắt đầu, nhiệt độ ở nhiều nước trong khu vực vẫn đang ở mức thấp, quá trình chuyển mùa chưa thực sự diễn ra. Đây được tính là tháng lễ đầu tiên diễn ra trong thời điểm tiết trời mát mẻ, và hiện tượng Ramadan rơi vào mùa Đông sẽ còn kéo dài cho tới… năm 2051, tức là 27 năm nữa, theo trang Arab.

Khí hậu ôn hòa cho các buổi diwaniya

Việc tháng Ramadan không còn rơi vào mùa hè mang lại nhiều lợi ích và niềm vui đối với người dân ở các quốc gia Arab. Là một tháng lễ quan trọng, đòi hỏi sự cam kết của tín đồ Hồi giáo đối với các giáo luật liên quan đến ăn chay, việc tháng Ramadan năm nay rơi vào mùa Đông giúp giảm số giờ ăn chay trong ngày, qua đó tạo điều kiện để mọi người thực hiện nghiêm túc hơn các giáo luật của đạo Hồi.

Trong những ngày này, thời tiết ở nhiều nước Arab vẫn đang trong trạng thái mát mẻ; đây cũng là một yếu tố tạo thuận lợi cho việc tổ chức nhiều hoạt động tụ họp sau bữa iftar, bữa ăn phá chay lúc hoàng hôn xuống. Các buổi diwaniya, hoạt động tụ họp chủ yếu diễn ra ở các nước vùng Vịnh đang được tổ chức thường xuyên hơn trong mùa Ramadan năm nay.

Một bữa ăn iftar ở Pakistan trong tháng Ramadan năm 2024. (Nguồn: AP)

Nếu như trước đây, khi Ramadan rơi vào mùa Hè, các hoạt động vui chơi, hội chợ ít có điều kiện để được tổ chức thì vào tháng lễ năm nay, các tụ điểm như công viên, trung tâm thương mại,… cũng sẵn sàng để kéo dài thời gian tổ chức hơn thường lệ. Hoạt động cắm trại ở sa mạc ở một số nước cũng đã được kéo dài cho tới hết tháng lễ Ramadan.

Những thuận lợi về khí hậu sẽ còn được cảm nhận rõ rệt hơn, khi bắt đầu từ năm 2028, tháng Ramadan chính thức bước vào mùa Đông. Khi đó, cuộc sống sinh hoạt của các nước Arab hẳn sẽ chuyển sang một guồng quay mới.

Hữu Đức

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thang-le-ramadan-roi-va-o-mu-a-dong-su-thu-vi-cu-a-lich-ho-i-giao-264837.html