Tháng Bảy về Đồng Lộc

Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành một địa chỉ đỏ, là địa danh lịch sử với bao huyền thoại xúc động, với bao tâm tình nhớ thương với sự linh thiêng và bất tử.

Ngã ba Đồng Lộc mãi mãi được khắc ghi không bao giờ phai mờ trong tâm khảm các thế hệ người dân Việt Nam. Ảnh: KT&ĐT

Ngã ba Đồng Lộc mãi mãi được khắc ghi không bao giờ phai mờ trong tâm khảm các thế hệ người dân Việt Nam. Ảnh: KT&ĐT

Tháng Bảy này, tôi lên Ngã ba Đồng Lộc trong cái nắng chói chang, oi bức của miền đất gió Lào cát trắng, trong tiếng sấm âm ỉ cuối chân trời của những cơn dông nén lại. Trên đồi Trọ Voi mà cố nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã từng sửng sốt khi nhận ra có 10 cây bạch đàn sót lại sau chiến tranh và ông đã viết trong trường ca Đồng Lộc “Con đường của những vì sao”, chương “Khúc hát mười cây xanh”: “Bạch đàn xõa mái tóc xanh/ Tôi đi qua cuộc chiến tranh trở về” và “Bạch đàn mười chị em tôi/ Những ngày lửa cháy bom rơi mịt mù”.

Cái con số 10 thật ám ảnh và linh thiêng khi chị Đặng Thị Yến - nguyên Phó ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho tôi biết một chi tiết lạ, một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà liêng thiêng: Cứ sắp đến ngày giỗ 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc thì hồ nước gần đó nở đúng 10 bông hoa súng rực rỡ, sắc đỏ ngời ngời.

Tôi gặp lại nhà văn Đào Thắng, anh từng là phóng viên Báo Quân khu 4 trong những năm chiến tranh, đã nhiều lần đến Đồng Lộc viết bài. Trong ký ức anh còn nhớ như in: chị Võ Thị Tần - Tiểu đội trưởng tính rất cởi mở, còn Hồ Thị Cúc - Tiểu đội phó lặng lẽ, ít nói, cả hai đều thấp, đậm, ra dáng chị cả. Cô em út Võ Thị Hà thích chép bài hát vào cuốn sổ màu xanh, là hạt nhân văn nghệ của đại đội. Cô Nguyễn Thị Nhỏ, ánh mắt đen, buồn sâu lắng, gương mặt xinh tươi, đôi má luôn ửng hồng.

Còn Nguyễn Thị Xuân được phong là hoa khôi Đồng Lộc, Xuân có đôi mắt biết nói, với gương mặt đôn hậu, đoan trang, mái tóc đen nhánh mượt mà, dài và dày buông thõng xuống, ôm lấy đôi vai đầy đặn, tròn căng. Xuân hy sinh, trên tóc vẫn kẹp lá thư của người yêu gửi chưa kịp đọc. Và Trần Thị Hường, con chim sơn ca của Ngã ba Đồng Lộc, tính cách rất dịu dàng, trong nhà bảo tàng còn lưu giữ cuốn sổ tay chép bài hát của chị.

Nhà thơ Yến Thanh, một người bạn thơ thân thiết của tôi kể lại chuyện viết bài thơ “Cúc ơi” trong đầm đìa nước mắt. Hôm đó, anh ngồi trong vườn cọ bên chiếc hòm không vì chưa tìm thấy Hồ Thị Cúc. Bài thơ như một lời gọi hồn liệt sĩ và trưa hôm sau, đồng đội tìm thấy Cúc đang ngồi ở một hầm tròn, cách xa nơi 9 cô gái ẩn nấp vài chục mét. Trên đầu Cúc, nón bẹp dí, tay Cúc tựa vào cuốc, thi thể còn nguyên vẹn bầm tím, 10 đầu ngón tay đầy máu khô, có lẽ Cúc đã cào bới trong vô vọng. Mọi người đoán Cúc vốn là người chu đáo, hay chăm lo cho mọi người. Ở cương vị Tiểu đội phó, Cúc chờ cho 9 người xuống hầm trú ẩn, còn mình thì không kịp, vội chạy vào ngách hầm tròn khoét ở vách núi và bị đất đá vùi lên.

Yến Thanh kể: “Lần nào về Đồng Lộc thắp hương, đến mộ Hồ Thị Cúc thì bó hương cũng cháy bùng lên”. Bài thơ không kể về chiến công anh hùng của người liệt sĩ mà chỉ nhắc về kỷ niệm quê hương cùng tiếng gọi hồn của người đã khuất còn vọng lại, lay thức đến hôm nay. Bài thơ như một tượng đài bất tử từ tiếng gọi hồn tha thiết “Cúc ơi” và trên mộ các cô ngày ngày, những đóa hoa cúc vẫn nở tươi, trắng trong, vẫn đau đáu nhìn mọi người với một niềm tin bất diệt, các chị vẫn sống mãi tuổi 20 của mình.

Ở Bảo tàng Đồng Lộc có một người con gái mà mọi người trìu mến gọi thân thương: “Cô gái thứ 11” - đó là chị Đặng Thị Yến. Hơn 30 năm, chị lặng lẽ đi góp nhặt những lọn tóc, những bức thư, những tấm áo dính bụi thời gian của 10 cô gái để lại trước lúc hy sinh. Chị nói: “Kỷ vật của người đã khuất là cả gia tài của tôi”.

Có những thời gian, gia đình gặp nhiều khó khăn khi chị phải chia tay chồng, bởi anh không thông cảm, ủng hộ cho công việc của chị, vắng nhà thường xuyên để đi tìm kỷ vật. Chị và ba đứa con nhỏ về ở tạm trong căn nhà chật hẹp gần Ngã ba Đồng Lộc. Đến nay, các con chị đều đã trưởng thành và có công việc đàng hoàng. Điều kỳ lạ, khi chị xin việc cho con, ai cũng sẵn lòng giúp đỡ. Có lần, chị gọi qua điện thoại cũng xong. Có lẽ, linh hồn các cô đã phù hộ cho chị. Chị bảo thế!

Có lần, chị bật khóc khi nhìn thấy chiếc áo nhiều mảnh vá của Hồ Thị Cúc, vượt hơn trăm cây số, thuyết phục mãi người nhà mới đồng ý để chị đưa chiếc áo về trưng bày ở bảo tàng. Chị rơm rớm nước mắt: “Dường như chiếc áo của Cúc cũng như cuộc đời cô ấy, chiếc áo ố vàng, nhăn nheo, rất nhiều mảnh vá, tuổi thơ của Cúc là chuỗi ngày đầy nước mắt”. Trước lúc đi đâu xa, chị Yến cũng dành thời gian “rửa mặt” cho các cô vào buổi sáng.

Bạt ngàn thông xanh Đồng Lộc với khu bảo tàng rất nhiều hiện vật trưng bày giá trị, cổng chào mới. Một tháp chuông 7 tầng đã được dựng lên thật kỳ vĩ và thiêng liêng. Tiếng chuông Đồng Lộc ngân vọng âm thanh ôm trọn cả khu di tích, cả tượng đài thanh niên xung phong toàn quốc, cả những liệt sĩ trung đoàn pháo phòng không thủ đô 210 bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc.

Tiếng chuông không dành cho riêng một ai, bởi: “Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc” như câu thơ trong bài thơ “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng được khắc trên bia đá cạnh hai cây bồ kết bên mộ 10 cô.

Nguyễn Ngọc Phú

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thang-bay-ve-dong-loc-post463752.html