Tháng ba, nhớ mẹ!

Kết thúc chiến tranh, tôi là thương binh nặng trở về sinh sống tại quê hương ở Thành phố Vinh, Nghệ An. Do mặc cảm thương tật khiến tôi không tính đến chuyện lập gia đình. Thế rồi nhờ được người thân giúp đỡ, vun vén, tôi đã có một gia đình hạnh phúc cho đến ngày hôm nay. Và người tích cực nhất là mẹ tôi, một cán bộ phụ nữ địa phương đã nghỉ hưu.

Mẹ tôi tên là Phạm Thị Tràng sinh năm 1922, tại xóm Tân Giang - một xóm nhỏ làm nghề chài lưới tại khúc sông Ngàn Sâu, thuộc xã Đức Ân, huyện Đức Thọ (nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang), tỉnh Hà Tĩnh. Ngoài 20 tuổi, mẹ lấy chồng, rồi sinh được 3 người con. Tôi là lớn, sau tôi là em trai và em gái. Năm 1957, vì đau ốm, nghèo đói không có thuốc thang, bố và em trai tôi qua đời. Bần cùng, mẹ đưa tôi và em gái trở về quê ngoại để được giúp đỡ. Nhờ có phong trào diệt dốt của Đảng, mẹ tôi cũng được học hết lớp 2 bổ túc. Vậy mà mẹ đã thuộc hết "Truyện Kiều" của thi hào Nguyễn Du. Mẹ vẫn thường hát ru anh em tôi bằng những câu thơ trong "Truyện Kiều". Mẹ tôi vẫn đẹp, vẫn có người đi lại yêu thương nhưng chỉ ở vậy nuôi con.

Năm 1964, Quân đội ta cử những đơn vị hành quân bí mật qua quê tôi vào chi viện cho miền Nam ruột thịt. Mẹ lại tiếp tục dùng chiếc thuyền (là nhà ở) đưa bộ đội qua sông vào Nam đánh Mỹ. Bất kể ngày đêm, bà làm việc không hề mệt mỏi. Không so đo tính toán, mẹ tôi cho rằng góp được công sức với bộ đội để đuổi hết quân thù ra khỏi bờ cõi là vinh dự, là nghĩa vụ của mỗi người dân yêu nước.

Năm 1966, chiến tranh chống Mỹ bước vào thời kỳ quyết liệt. Tôi cũng vừa tốt nghiệp cấp 2. Thương mẹ nên tôi đã cố gắng học tập, được thầy yêu, bạn mến, được đặc cách lên thẳng cấp 3. Nhưng tôi xin mẹ tạm gác việc học tập để xung phong nhập ngũ. Được mẹ đồng ý, tôi vui lắm, nhưng bước đầu, chính quyền không cho đi với lý do tôi chưa đủ tuổi, gia đình có một con trai và đã được gọi nhập học. Theo chính sách, tôi chưa phải điều động, tôi lại viết đơn rồi ký tiếp bằng máu và mẹ tôi cũng ký tên. Vậy là tôi được lên đường. Sau 3 tháng huấn luyện ở Tiểu đoàn 48, tôi cùng đồng đội hành quân bộ vào bổ sung cho Trung đoàn 90, Sư đoàn 324, Quân khu 4.

Quá trình chiến đấu, tôi bị thương nhiều lần, nặng nhất là ở Thành cổ Quảng Trị ngày 20-7-1972. May được đồng đội kịp thời phát hiện, quân y cấp cứu băng bó toàn thân cho tôi và cử người chuyển dần ra Bắc mà tôi thoát chết nhưng phải chữa trị ở nhiều nơi. Sau ngày đất nước thống nhất, các vết thương trên cơ thể tôi đã liền sẹo. Tôi cùng cặp nạng tập lại những bước đi yếu ớt tại đoàn an dưỡng thương binh ở Quân khu 3 rồi cuối cùng chuyển về Quân khu 4 gần nhà. Dù ở các đơn vị nơi tôi an điều dưỡng, nhiều người cũng thương, cũng gán ghép nhưng tôi lại tự ti, mặc cảm, không muốn để người phụ nữ nào phải khổ sở vì thương tật của bản thân. Tôi là thương binh nặng hạng 1/4 , thính lực gần như mất hoàn toàn; thương tật ở chân khiến bước đi không bao giờ vững... Tôi nói suy nghĩ của mình về việc bị thương nặng, khó tìm được vợ thì mẹ tự tin nói với tôi như ra lệnh:

- Con sẽ lấy vợ cùng quê, cũng là bộ đội và có nghề y để dễ bề thông cảm và chăm sóc sức khỏe thương binh với mẹ già.

Vợ chồng cựu chiến binh, thương binh Đặng Sỹ Ngọc.

Hóa ra, mẹ tôi đã thực hiện "hậu phương chiến dịch", chọn cho tôi một cô vợ hiền từ lâu. Bà đã cùng những người thân hai họ và các tổ chức xã hội ở quê làm lễ thành hôn cho tôi. Vợ tôi là Nguyễn Thị Hồng Vân, kém tôi 5 tuổi, con ông bà giáo cùng làng. Học hết phổ thông, năm 1972, Vân xung phong vào quân đội, thuộc Bộ đội Trường Sơn, phục vụ trong bộ phận quân y. Sau đám cưới một thời gian, vợ tôi chuyển ngành về Bệnh viện tỉnh Nghệ An. Còn mẹ tôi do tuổi già nên đã mất năm 1990.

Vợ tôi 7 lần sinh thì 4 lần không giữ được. Nhiều người nói do tôi bị phơi nhiễm chất độc da cam ở chiến trường nhưng tôi chưa từng nghĩ đến việc đi kiểm tra khẳng định... Điều làm vợ chồng tôi sợ nhất là thời kỳ bao cấp sau chiến tranh. Lương y tá của vợ và trợ cấp thương tật của tôi được 85 đồng (lúc đó ngân hàng còn dùng tiền hào). Cả nhà có 6 khẩu, chi tiêu dè sẻn lắm hằng tháng phải có hơn 300 đồng. Phần tích lũy không có, của hồi môn nội ngoại cũng chẳng có món gì, gia đình tôi lại ở nơi núi rừng heo hút. Nguồn cung đã ít, Nhà nước duy trì tiêu chuẩn hạn chế trong tem phiếu. Có khi có phiếu mà chẳng có hàng. Hết gạo, họ bán khoai, sắn thay lương thực. Tình trạng đói nghèo đến xót xa. Vợ tôi đảm việc nước, giỏi việc nhà, đi sớm về muộn tất cả vì bệnh nhân, dinh dưỡng ít, có gì ngon đều dành cho con.

Gia đình cựu chiến binh Đặng Sỹ Ngọc dịp Tết Quý Mão 2023.

Trước hoàn cảnh quá khó khăn, tôi xin đơn vị an dưỡng về sống với gia đình. Để có thêm thu nhập phụ vợ nuôi các con, tôi cố tìm cách làm mọi việc có thể phù hợp với sức khỏe của mình. Bắt đầu tôi nuôi gà, nuôi lợn trong khu tập thể của cơ quan. Vốn ít nuôi ít, những ngày đông rét buốt, tôi phải lội xuống ao hồ để vớt rong bèo về nuôi lợn dù vết thương nhức buốt. Tôi sử dụng chiếc xe đạp Thống Nhất được quân đội cung cấp cho các sĩ quan là thương binh sau chiến tranh làm xe đạp lai. Rồi khi có điều kiện hơn, tôi mua được chiếc xe máy cũ, đổi sang làm xe ôm. Gặp việc gì tôi cũng làm những mong có thêm thu nhập trang trải cho gia đình.

Rất mừng là các con tôi đều chăm chỉ học tập và có việc làm ổn định. Các cháu có gia đình riêng, có đủ gái, trai nội ngoại cho vợ chồng tôi. Giờ đây, chúng tôi đều ở ngưỡng tuổi 80, ngày tháng thư nhàn dần, ngắm nhìn đàn con cháu sum vầy xung quanh lại không khỏi nhớ mẹ già năm xưa. Chính nhờ có sự bao dung, quyết liệt vì con cái của bà mà tôi có dũng lực đi qua thời gian khó và có một gia đình hạnh phúc hôm nay!

ĐẶNG SỸ NGỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/thang-ba-nho-me-720522