Tháng 5 khôn nguôi nhớ Bác

Trong cuộc đời của mình, từ khi còn nhỏ cho đến lúc xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước thì Hà Nội là nơi Bác Hồ kính yêu đã sống và làm việc lâu nhất. Khi nói chuyện với cán bộ và nhân dân Thủ đô, Bác thường hay dùng chữ 'Thủ đô ta' - cách nói thể hiện tình cảm và trách nhiệm của Người với 'trái tim' của cả nước.

Bác Hồ thăm đồng và tát nước cùng bà con xã Tả Thanh Oai năm 1958

Những địa chỉ đỏ

Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến Hà Nội, bản thân Người đã viết riêng hàng chục bài báo về Thủ đô, về nhân dân Thủ đô. Mỗi bài viết đều gửi gắm trong đó tình cảm, sự quan tâm, niềm mong mỏi đối với sự phát triển của thành phố. Ba chữ “Thủ đô ta” được Bác nhiều lần nhắc đến khi nói về Hà Nội. Điều đó chứa đựng những tình cảm sâu nặng, gần gũi của Bác. Ba chữ “Thủ đô ta” cũng nói lên vị trí, trách nhiệm, gắn với vai trò tiên phong, gương mẫu của Thủ đô. Với Đảng bộ và chính quyền Hà Nội, Bác không những trực tiếp chỉ đạo, theo dõi việc lớn ở tầm chiến lược, vĩ mô và cả những công việc hết sức cụ thể, chi tiết và thiết thực hàng ngày.

Quãng thời gian sống và làm việc ở Thủ đô Hà Nôi của Bác được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là vào ngày 23-8-1945, từ chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ bí mật về đến thôn Phú Gia (trước gọi là làng Gạ), xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), Hà Nội. Người đã ở trong căn nhà lá ngay dưới chân đê sông Hồng, đó là nhà bà Hai Vẽ. Tôi đã đôi ba lần đến thăm ngôi nhà lịch sử đó - một ngôi nhà mái rạ, vách đất khá thấp và nhỏ, ngay sát tường kê chiếc giường nghỉ của Bác và vẫn còn lối nhỏ thông ra ngoài. Ngôi nhà bà Hai Vẽ hiện được bảo tồn và là một trong các di tích lịch sử của Hà Nội.

Về sự kiện Hà Nội lần đầu tiên đón Bác, trong cuốn sách “Những lần đón Bác” của Ban Thông tin - Văn hóa UBND huyện Từ Liêm (cũ) ghi lại khá chi tiết: “Khoảng 4 giờ chiều ngày 23-8-1945, một chiếc thuyền đinh to có mui cập bến Phú Xá. Anh Khánh (đồng chí Hoàng Tùng) đã tìm được chỗ nghỉ cho đoàn cán bộ. Lúc này, trời đã rất tối, anh mời cụ cùng đoàn cán bộ lên làng Phú Gia tạm nghỉ trong nhà cụ Nguyễn Thị An, một gia đình cơ sở của anh Khánh từ trước ngày khởi nghĩa”.

Sau thành công của cuộc tổng khởi nghĩa của nhân dân Hà Nội, Bác Hồ lại bí mật chuyển đến ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang. Chính tại nơi đây, Người đã viết “Bản Tuyên ngôn độc lập” bất hủ. Tôi cũng nhiều lần tới thăm ngôi nhà này - một ngôi nhà 4 tầng có lẽ là lớn nhất Hà Nội thời đó. Ông bà Trịnh Văn Bô - một tư sản giàu lòng yêu nước - đã nhường toàn bộ tầng 2 để Bác và các đồng chí của mình làm việc. Cái hay là ngôi nhà này ngoài mặt chính quay ra phố Hàng Ngang nhưng lại có cửa sau thông sang phố Hàng Cân. Nếu chẳng may có tình huống đột xuất thì Bác cùng các đồng chí của mình vẫn có lối đi riêng. Bác Hồ đã ở “ngôi nhà số 48” từ ngày 25-8 đến 2-9-1945. Khoảng thời gian lưu lại đây tuy ngắn ngủi nhưng lại là vô cùng trọng đại bởi Người đã hoàn thành “Bản Tuyên ngôn độc lập thứ 3” của lịch sử dân tộc Việt Nam (sau bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt và “Bình Ngô đại cáo” do Nguyễn Trãi soạn thay vua Lê Lợi).

Hồ Chủ tịch thăm một lớp học bình dân học vụ ở Hà Nội

Đến nửa cuối tháng 12-1945 thì Bác Hồ cùng Chính phủ đã sơ tán ra khỏi Thủ đô, Người về ở tạm làng Vạn Phúc, Hà Đông ít ngày. Trước khi rời đi Bác đã gặp Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp và hỏi thẳng: “Liệu khi quân Pháp đánh vào Hà Nội thì khả năng chúng ta giữ Thủ đô được bao lâu?”. Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã trả lời: “Thưa Bác, được khoảng 1 tháng ạ!”. Nhưng trên thực tế quân và dân Hà Nội đã chiến đấu ngoan cường, giành giật từng căn nhà, góc phố suốt 3 tháng để kìm chân quân Pháp, tạo điều kiện cho Chính phủ non trẻ rút lên chiến khu Việt Bắc thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc. Sau này, trong một lần trả lời phỏng vấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhắc lại câu nói của Bác Hồ: “Giữ được 1 tháng là thắng lợi. Giữ được 3 tháng là đại thắng lợi”.

Hà Nội trong trái tim vĩ đại

Rời Thủ đô, rời làng Vạn Phúc, Bác đã tới các làng, xã ở huyện Chương Mỹ để chuẩn bị rút lên chiến khu Việt Bắc. Và chiều tối ngày 19-12-1945, tại hang Trầm dưới chân núi Trầm, thôn Long Châu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Đông (nay là Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch. Người đã nói: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”.

Sau 9 năm kháng chiến, vào mùa thu lịch sử năm 1954, Hà Nội đã được đón Bác và Chính phủ cách mạng trở về. Đêm 14, rạng ngày 15-10-1954, Bác Hồ trở lại Hà Nội. Bác ở và làm việc tại một ngôi nhà trong nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Trung ương quân đội 108) trước khi vào sống và làm việc trong Phủ Chủ tịch. Và ngay những ngày đầu tiên Bác đã nói: “Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định: “Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm, nhất trí góp sức với chính phủ thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung là làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.

Bác Hồ nói chuyện với công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Hà Nội

Về lại Thủ đô dù bận trăm công nghìn việc và sau này dù cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ khốc liệt, nhưng Bác Hồ vẫn dành nhiều tình cảm cho cán bộ và nhân dân Hà Nội. Cách đây nhiều năm, chúng tôi có làm một bộ phim tài liệu về huyện Thanh Trì, đây là địa phương được Bác Hồ về thăm nhiều nhất. Tôi đã có lần về xã Tả Thanh Oai làm việc, con đường chạy ngang cánh đồng Quai Chảo dẫn tới trụ sở UBND xã xanh xanh lúa tốt. Hiển hiện ngay giữa cánh đồng là tấm bia lớn ghi rõ dòng chữ lưu giữ ngày tháng Bác Hồ về nơi đây. Theo như người dân trong xã kể lại thì ngày 12-1-1958, giữa lúc xã Đại Thanh (nay là xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) đang ra sức chống hạn, Bác Hồ đã về động viên nhân dân. Người ân cần thăm hỏi và trực tiếp lội xuống ruộng tát nước cùng mọi người, khuyến khích bà con yên tâm sản xuất. Tôi cũng đã về thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, nơi ngày 25-1-1963, Bác Hồ về thăm và chúc Tết nhân dân Hợp tác xã Huỳnh Cung, một cử chỉ hết sức thân thiết và thể hiện sự quan tâm đến người dân những làng quê Hà Nội còn nhiều khó khăn.

Kể sao cho hết được tình cảm của Người với nhân dân Thủ đô Hà Nội, nhất là khi tháng 5 đã tới, tháng kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thang-5-khon-nguoi-nho-bac-post576050.antd