Tháng 11, đến Lâm Đồng xem đua ngựa, ngắm tam giác mạch ở Hà Giang

Tháng 11, nhiều hoạt động du lịch hấp dẫn trên khắp cả nước đón chờ du khách như lễ hội tam giác mạch tại Hà Giang, giải Dù lượn đường trường Pu Ta Leng Việt Nam mở rộng ở Lai Châu hay giải đua ngựa hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt diễn ra tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Đến Hà Giang, hòa mình vào Lễ hội hoa tam giác mạch

Nhiều năm trở lại đây, hoa tam giác mạch được xem là một trong những sản phẩm du lịch chủ đạo của Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Sắc hoa tam giác mạch Hà Giang. Ảnh: Nguyễn Khải Trung

Sắc hoa tam giác mạch Hà Giang. Ảnh: Nguyễn Khải Trung

Theo báo Hà Giang, với chủ đề “Sức sống Cao nguyên đá”, lễ hội hoa Tam giác mạch năm 2022 dự kiến khai mạc vào ngày 26-11 tại huyện Đồng Văn cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc, là dịp để du khách có nhiều trải nghiệm khi đến với Hà Giang.

Hiện nay, Hà Giang đang chuẩn bị nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc để thu hút du khách đến với cao nguyên đá trong dịp này. Địa phương đã cho trồng 400ha hoa tam giác mạch, thời gian hoa nở sẽ kéo dài đến tháng 12, thời điểm hoa nở rộ nhất sẽ vào đúng dịp lễ.

Đồi hoa tam giác mạch tại Hà Giang. Ảnh: Nguyễn Khải Trung

Đồi hoa tam giác mạch tại Hà Giang. Ảnh: Nguyễn Khải Trung

Tại các địa phương, Đồng Văn sẽ là địa điểm trồng nhiều hoa tam giác nhất với 250ha. Trọng điểm trồng hoa là dọc theo Quốc lộ 4C và cung đường xã Phố Là, Phố Bảng, Phố Cáo, Sủng Là, Thài Phìn Tủng, Lũng Táo, Má Lé, Lũng Cú.

Tại huyện Quản Bạ, địa điểm tập trung nhiều hoa tam giác mach là Điểm dừng chân Cổng trời, điểm du lịch Thạch Sơn Thần và các điểm có diện tích đất dọc quốc lộ 4C.

Tại huyện Mèo Vạc, hoa sẽ được trồng nhiều tại thôn Há Chí Đùa, xã Tả Lủng; khu vực Tượng đài Thanh niên xung phong, khu vực Trái tim đá, xã Pải Lủng; khu vực xuống Bến thuyền thủy điện Nho Quế 1 thuộc thôn Hấu Chua, xã Giàng Chu Phìn…

Giải Dù lượn đường trường Pu Ta Leng Việt Nam mở rộng tại Lai Châu

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Lai Châu, giải Dù lượn đường trường Pu Ta Leng Việt Nam mở rộng lần thứ nhất năm 2022 dự kiến có khoảng 100 phi công Việt Nam và các phi công dù lượn trong khu vực Đông Nam Á và Quốc tế tham dự.

Thời gian tổ chức giải Dù lượn đường trường PuTaLeng Việt Nam mở rộng lần thứ nhất năm 2022 từ ngày 17 đến ngày 20-11-2022. Ảnh: VietnamPlus

Thời gian tổ chức giải Dù lượn đường trường PuTaLeng Việt Nam mở rộng lần thứ nhất năm 2022 từ ngày 17 đến ngày 20-11-2022. Ảnh: VietnamPlus

Thời gian tổ chức giải từ ngày 17 đến ngày 20-11-2022. Địa điểm tổ chức thi đấu: Cất cánh tại bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường và hạ cánh tại Sân vận động thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường.

Giải Dù lượn đường trường Pu Ta Leng Việt Nam mở rộng lần thứ I năm 2022 nhằm hướng tới phát triển dịch vụ trải nghiệm bay dù lượn trên đỉnh Pu Ta Leng thành sản phẩm du lịch thế mạnh của Lai Châu.

Theo đó, từng bước nâng tầm giải thể thao dù lượn đường trường Pu Ta Leng của Lai Châu thành giải quốc tế, tiến tới đưa giải đường trường Pu Ta Leng trở thành giải thi đấu dù lượn đường trường chính thức trong hệ thống thi đấu dù lượn của Hiệp hội Dù lượn Quốc tế (FAI) và World Cup Dù lượn (Paragliding World Cup).

Lâm Đồng tổ chức Giải đua ngựa hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt

Theo UBND huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đông, giải đua ngựa không yên huyện Lạc Dương lần thứ nhất năm 2022 sẽ được tổ chức nhằm hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 9.

32 nài ngựa là người dân tộc Cơ-ho sẽ tranh tài tại giải đua ngựa không yên dưới chân núi Lang Biang. Ảnh: Báo Lâm Đồng

32 nài ngựa là người dân tộc Cơ-ho sẽ tranh tài tại giải đua ngựa không yên dưới chân núi Lang Biang. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Dự kiến giải sẽ khai mạc lúc 14:00 giờ, ngày 26-11, tại Trường đua ngựa Công ty Cổ phần SXHQ (Tiểu khu 120, xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương). Các lượt trận vòng loại sẽ diễn ra ngay trong buổi chiều cùng ngày. Các vòng thi đấu tứ kết, bán kết và chung kết sẽ diễn ra vào sáng ngày 27-11.

32 nài ngựa là người dân tộc Cơ-ho sẽ tranh tài tại giải đua ngựa không yên dưới chân núi Lang Biang. Ngựa tham gia thi đấu phải là giống ngựa cỏ địa phương khỏe mạnh, được kiểm dịch và tiêm phòng dịch, đảm bảo thi đấu tốt. Nài ngựa phải mặc trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ-ho, mang mũ bảo hiểm và các thiết bị bảo hiểm thân thể.

Song song với giải đua ngựa không yên, huyện Lạc Dương còn tổ chức “Liên hoan ẩm thực và rượu cần Lang Biang” với chủ đề “Hương vị núi rừng Lang Biang”. Tại sự kiện sẽ giới thiệu những món ăn truyền thống và các loại sản vật đặc trưng của người dân tộc Cơ-ho sống trên địa bàn.

Đăng Huy tổng hợp

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/thang-11-den-lam-dong-xem-dua-ngua-ngam-tam-giac-mach-o-ha-giang/