Thân vỏ ô tô làm bằng gì?

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều vật liệu được sử dụng để làm thân vỏ ô tô như thép, nhôm, nhựa, vật liệu tổng hợp và thủy tinh.

Ngoài ra, một số dòng xe cao cấp còn sử dụng thành phần magie và sợi carbon để chế tạo.

Thép

Thép thường là sự lựa chọn hàng đầu của các nhà sản xuất ô tô bởi nó có thể mang đến rất nhiều lợi ích. Lý do quan trọng nhất là vì thép có khả năng hấp thụ năng lượng tác động sinh ra trong các vụ va chạm.

Vật liệu thép dùng để chế tạo vỏ ô tô. (Ảnh minh họa).

Hơn nữa, vật liệu này có khả năng chịu nhiệt, hóa học hoặc cơ học tốt cũng như chống chịu được ăn mòn cao. Ngoài ra, thép rất cứng nên có khả năng chịu được va đập tốt, những ô tô sử dụng thép làm thân vỏ có độ bền rất cao. Nếu muốn sản xuất hàng loạt các phương tiện với chi phí thấp thì thép chính là sự lựa chọn hàng đầu.

Nhựa

Hiện nay, nhựa đang dần được ưa chuộng hơn trong sản xuất vỏ xe hơi. Hầu hết những chiếc xe được sản xuất với toàn bộ thân bằng nhựa sẽ được dùng với mục đích tiết kiệm nhiên liệu cũng như có thể tái chế khi xe sắp hết vòng đời sử dụng. Vật liệu làm từ nhựa khá dễ gia công, chống biến dạng tốt, có trọng lượng nhẹ và chi phí sửa chữa cũng khá thấp.

Nhôm

Nhôm cũng là loại vật liệu mới dần dần được sử dụng nhiều hơn để sản xuất vỏ xe ô tô. Nhôm có lợi thế là nhẹ hơn thép lên đến 40%, nên khi sử dụng vật liệu nhôm sẽ làm giảm trọng lượng của xe, cải thiện được hiệu suất vận hành cũng như mức tiêu thụ nhiên liệu.

Nhôm cũng có khả năng chống xoắn tốt, giúp xe đạt được tốc độ ổn định khi chạy với tốc độ cao. Những chiếc xe có thân vỏ làm từ nhôm sẽ có khả năng hấp thụ được xung lực khi va chạm nên đảm bảo an toàn cho người lái. Bên cạnh đó, nhôm còn có khả năng chống ăn mòn tốt, dễ chế tạo và có thể tái chế lên đến 100%.

Tuy nhiên, vật liệu làm từ nhôm có độ bền thấp hơn nhiều so với các loại thép. Mô đun linh hoạt cũng khá thấp. Ngoài ra, nó là vật liệu phức tạp nên khi sửa chữa xe sẽ mất khá nhiều chi phí để hàn gắn các bộ phận lại với nhau.

Vật liệu tổng hợp

Vật liệu tổng hợp (còn gọi là composite) là vật liệu có ít nhất 2 hay nhiều thành phần kết hợp lại với nhau nhằm tạo nên một sản phẩm có cơ tính khác hẳn các vật liệu ban đầu.

Vì thế, việc sử dụng vật liệu tổng hợp để chế tạo thân vỏ ô tô sẽ làm tăng độ cứng cũng như độ bền của chiếc xe, đồng thời tạo ra được một chiếc ô tô có trọng lượng nhẹ hơn rất nhiều so với các chiếc xe được làm từ thép. Vật liệu tổng hợp có khả năng chống ăn mòn tốt, tiết kiệm được nhiên liệu và chi phí để lắp ráp cũng khá rẻ.

Thủy tinh

Thủy tinh được dùng làm kính chắn gió. (Ảnh minh họa).

Thủy tinh cũng được sử dụng vào chế tạo thân vỏ ô tô. Chúng thường dùng để chế tạo các cửa sổ, kính chắn gió, kính an toàn…giúp người dùng có thể quan sát được những trở ngại ở bên ngoài, đảm bảo an toàn khi lái xe. Vật liệu thủy tinh cũng được sử dụng để làm gương chiếu hậu trước và sau để làm tăng tầm nhìn của người lái.

Kim loại Magie trong công nghiệp thân vỏ ô tô

Magie là một trong những vật liệu được ưa chuộng nhất hiện nay. Kim loại magie nhẹ hơn 33% so với nhôm và 75% so với vật liệu thép. Nên việc sử dụng magie trong công nghiệp chế tạo thân vỏ ô tô sẽ giúp cho chiếc xe trở nên nhẹ nhàng hơn, cải thiện được khả năng vận hành cũng như tiết kiệm được 6 đến 8% nhiên liệu.

Tuy vậy kim loại magie có chi phí khá đắt đỏ nên những vỏ xe được làm từ magie sẽ có giá thành cao hơn so với những thân vỏ được làm từ gang, thép. Vì thế, khi lựa chọn vật liệu này cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Magie cũng khá giòn và không chịu được nhiệt độ cao. Cũng vì đặc tính dễ bắt lửa nên có thể dễ dàng bốc cháy, gây mất an toàn.

PHẠM DUY (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/than-vo-o-to-lam-bang-gi-ar849560.html