Thận trọng với "pín" cọp rởm

Cọp được xếp trong nhóm các loài động vật hoang dã nguy cấp bị tuyệt chủng trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới nhưng nạn mua bán những sản phẩm từ loài động vật này như da, xương, nanh, móng, cao hổ… vẫn diễn ra khốc liệt.

Sáng 12/1, ngay tại trung tâm quận I, TP HCM, chẳng cần phải giấu giếm, lén lút gì, một phụ nữ ngang nhiên rao bán pín (dương vật) của chúa sơn lâm được sấy khô với cam đoan… "hàng hiệu"! Ngay khi nhận được tin phản ánh của bạn đọc, PV Báo CAND lập tức có mặt tại "hiện trường". Trên vỉa hè trước quán cà phê N.T. nằm đối diện Hồ Con Rùa (quận 1), người phụ nữ vận đồ bộ khoảng 30 tuổi tay cầm chiếc "pín" cọp sẵn giọng nói về những tính năng quỷ khóc thần sầu của rượu “pín” cọp trong ánh mắt không chớp của nhiều khách đi đường. "Hàng này em nhập từ Campuchia là đồ rừng chính tông. Bên ấy rừng còn dày nên hổ nhiều lắm. Khi săn được nó, xương thịt người ta nấu cao, nanh họ đánh bóng bán cho người có nhu cầu trừ tà. Còn pín thì họ lóc đem sấy hoặc phơi khô. Thằng này trị yếu sinh lý, đau nhức ác liệt lắm. Có người còn dùng chữa chứng vô sinh rất hiệu nghiệm". “Pín” cọp mà người phụ nữ rao bán là khúc gân màu vàng, cứng, dài khoảng 30cm, phần "gốc" phình to và đoạn chót có nhiều gai nhọn, nặng khoảng 300gram. "Do con cọp bị hạ gục có trọng lượng hơn 200kg nên cái pín của nó nặng gần 2 ký, đem phơi khô nó rút lại còn ngần này" - người phụ nữ cho biết và rao giá: "Hàng hiếm lâu lâu mới có. Cuối năm xổ hàng cần tiền về quê nên em để giá hữu nghị 2 triệu đồng". Sau một hồi ngắm nghía, mặc cả, cuối cùng một người đàn ông đồng ý mua cái “pín” được người phụ nữ khẳng định "của cọp" với giá 1.500.000 đồng. Người phụ nữ đang rao bán chiếc "pín cọp". Cách đây không lâu, Báo CAND có bài phản ánh nạn buôn bán “pín” cọp giả. Theo đó, nhiều người, chủ yếu là các ông vì mê tăng lực, muốn được khỏe như chúa sơn lâm nên đã chi hàng triệu đồng mua những chiếc “pín” cọp dỏm. Để tạo “pín” cọp, người ta lấy gân chi trước của trâu, bò phơi một nắng rồi mang vào cắt khía, tạo dáng. Tiếp đó họ lại mang ra phơi nắng. Ánh nắng mặt trời khiến khối gân được cắt gọt bung gai và khô quắc lại, sau đó được người bán rêu rao là "pín cọp" dù rằng trong thực tế, chưa ai thấy “pín” cọp bao giờ. TP HCM được xem là một trong những "hố đen" trong việc tiêu thụ các loài động vật hoang dã quý hiếm. Khoan nói đến chuyện chiếc “pín” cọp kia là thật hay dỏm, chỉ riêng việc người ta công khai mua bán cơ phận của con vật nằm trong danh mục cấm mua bán, săn bắt dưới mọi hình thức cũng cho thấy ý thức bảo vệ, nói không với các sản phẩm từ động vật hoang dã của người dân còn nhiều hạn chế. Một cán bộ Chi cục Kiểm lâm TP HCM cho biết, cọp hiện rất hiếm nên việc người ta rao bán “pín” cọp với số lượng muốn bao nhiêu có bấy nhiêu là khó tin. Mặt khác, cọp hiện là động vật hoang dã quý hiếm được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt nên mọi hành vi mua bán, kể cả mua bán cơ phận như da, xương, pín… đều vi phạm pháp luật, tùy mức độ nặng nhẹ mà hành vi ấy có khi bị cơ quan chức năng truy tố trách nhiệm hình sự

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2011/2/144040.cand