'Thần tốc, thần tốc hơn nữa'

PTĐT - Chúng ta không được phép chậm trễ, không được phép ngơi tay vì trách nhiệm bảo đảm sức khỏe, cuộc sống của nhân dân và sự bình an của đất nước, của tỉnh – Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu.

Ngày 7/5, tỉnh Phú Thọ lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ dịch COVID-19 của cả nước khi trường hợp L.T.K.D ở khu 2, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, công nhân Công ty TNHH Công nghệ Namuga Phú Thọ được Bộ Y tế xác định là bệnh nhân số hiệu 3116.

Ngay khi nhận được thông tin, Thạc sĩ Y học Cao Duy Khánh - Trưởng Khoa xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ngay lập tức thông báo cho các đồng nghiệp. Một ê kíp 7 người chia thành 3 tổ, nhanh chóng lên đường làm nhiệm vụ. Đó là những kỹ thuật viên xét nghiệm của khoa, những người đóng vai trò nòng cốt trong công tác lấy mẫu trong đợt dịch này.

Hai vợ chồng anh Khánh cùng ở tuyến đầu chống dịch, anh chỉ có thể nhắn vội cho vợ lời động viên “Cố lên nhé” rồi chẳng thể đợi được tin nhắn phản hồi tiếp tục cuốn vào công việc.

Kỹ thuật viên Nguyễn Đình Hùng - người trực tiếp tham gia lấy mẫu xét nghiệm cho biết: Công việc lấy mẫu xét nghiệm khá vất vả do thời tiết nắng nóng, lại đòi hỏi thời gian gấp rút, trong khi số lượng người dân cần lấy mẫu xét nghiệm rất đông. Chúng tôi chỉ có thể động viên nhau qua ánh mắt, phải nỗ lực cố gắng! Tất cả chạy đua với thời gian, dẫu phải tăng ca, tăng kíp, không kịp ăn, không có thời gian để ngả lưng, mọi người đều tranh thủ từng giây, từng phút!

Xuyên ngày, xuyên đêm, những ca đi lấy mẫu ở Công ty Namuga hay tại xã Kim Đức đã trở thành những kỉ niệm khó quên đối với những “chiến sĩ” Khoa xét nghiệm của Trung tâm. Vừa kết thúc công việc ở Namuga lúc 3h sáng, chỉ kịp ngả lưng được 2-3 tiếng, ngay khi mặt trời ló rạng, cả đội lại bắt nhịp vào việc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 1.900 người ở khu 2 và khu 10, xã Kim Đức. Công cuộc chạy đua với COVID-19 tiếp tục kéo dài đến giữa đêm.

“Vui nhất là sau mấy ngày làm việc căng thẳng, có một anh bộ đội đã hái tặng cả đội xét nghiệm một bó hoa phượng đỏ. Đó là kỷ niệm chúng tôi không thể quên!”, chị Hằng vui vẻ nói.

Những mẫu xét nghiệm được chuyển đến Đơn vị Vi sinh, Trung tâm Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh- nơi có những con người “tự nhốt mình trong phòng” ngày cũng như đêm để “tìm bắt” virus SARS-CoV-2.

Không ồn ào như các khoa khác của bệnh viện, Trung tâm xét nghiệm nằm ở một góc nhỏ với những con người làm việc thầm lặng. Mỗi ngày, trung tâm phân tích hàng trăm mẫu bệnh phẩm, lúc cao điểm phải xét nghiệm gần 1.500 mẫu/ngày, tất cả kết quả phải chính xác, không được phép để xảy ra bất kỳ sai sót nào về an toàn sinh học.

Nhân viên thực hiện mẫu sẽ đảm nhận mọi công đoạn cho tới khi ra kết quả cuối cùng, tất cả đều phải nghiêm ngặt, đúng quy trình xét nghiệm, vừa đảm bảo kết quả chính xác nhất và sớm nhất, vừa bảo vệ an toàn cho nhân viên làm xét nghiệm.

Quá trình bảo đảm an toàn sinh học, nhưng phải tiết kiệm hóa chất, theo đúng mã code bệnh nhân để không xảy ra sai sót là một chu trình làm việc vô cùng căng thẳng. Để xóa tan sự mệt mỏi và sốc lại tinh thần vào những đêm muộn, có những ngày, đơn vị phải lấy âm nhạc để át đi tiếng ồn của máy khi chạy liên tục 24/24h.

“Chưa bao giờ tôi chứng kiến không khí làm việc trong khoa khẩn trương như vậy. Mọi người ai cũng nghiêm túc và thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm của mình. Mặc dù rất mệt, nhưng anh em trong khoa đều động viên nhau cố gắng vì cộng đồng” - anh Hà nói.

“Dân xét nghiệm COVID-19 “ăn đêm” là chính” là cách bác sĩ Trần Gia Phú – Phó Giám đốc Trung tâm xét nghiệm – Trưởng đơn vị Vi sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói về công việc của mình và các đồng nghiệp. Bởi, việc nhận mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 từ cộng đồng của các địa phương sáng, trưa, chiều và thậm chí là tối muộn đều có. Vậy nên, phòng Sinh học phân tử Đơn vị Vi sinh luôn sáng đèn trắng đêm!

“Niềm vui của chúng tôi là mong tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính", bác sĩ Phú bộc bạch.

Nhóm PV Điện tử

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202105/than-toc-than-toc-hon-nua-177058