Thân thương tiếng sóng Trường Sa

Mỗi dịp Tết đến, xuân về, những con tàu lại mang hơi ấm của đất liền đến với quần đảo Trường Sa thân yêu. Những ngày đầu năm 2024, cùng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa, chúng tôi vô cùng cảm phục tinh thần, ý chí của những người lính và tình quân dân nơi đầu sóng, ngọn gió.

Vượt muôn trùng sóng gió

Trước khi lên đường ra đảo, tôi đã được nghe nhiều người kể về những đợt say sóng khủng khiếp mà họ từng trải qua trên hải trình tới Trường Sa, nhất là vào dịp cuối năm, biển động, thường có sóng to, gió lớn. Vì vậy, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để tham gia chuyến công tác.

Tàu HQ 561 trên hải trình ra đảo Trường Sa.

Đợt này, Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân tổ chức 4 đoàn công tác mang theo quà Tết của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và nhiều địa phương trong cả nước gửi tặng, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa. Các tàu đầy ắp nhu yếu phẩm từ lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, miến, lợn, gà, rau xanh đến các đồ gia dụng như bát, đũa, xoong, nồi và những loại cây cảnh trang trí (đào, mai, quất).

Gần 100 phóng viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh đến từ các cơ quan báo chí T.Ư, địa phương cùng đoàn văn công quân chủng Hải quân vinh dự được tham gia đoàn công tác. Tại Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), trước khi 4 con tàu lớn rời cảng, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải Quân cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tham gia nghi thức tiễn đoàn.

Sĩ quan lên đường ra huyện đảo Trường Sa làm nhiệm vụ.

Đoàn được bố trí đi trên tàu HQ 561 trọng tải khoảng 2 nghìn tấn, chịu được sức gió cấp 10. Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, Trưởng đoàn công tác chia sẻ: Chuyến đi vào dịp Tết có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tình cảm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, nhân dân cả nước đối với Trường Sa; là nguồn động viên, khích lệ to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ - những người đang khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hải trình từ Quân cảng Cam Ranh đến các đảo trên quần đảo Trường Sa và trở về đất liền dài khoảng 820-850 hải lý (hơn 1.500 km). Sau 3 hồi còi chào đất liền, từng chuyến tàu lần lượt rời Quân cảng mang theo tình cảm, hơi ấm của đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa. Mặc dù đã uống thuốc chống say song 2 ngày đầu "cưỡi sóng", hầu hết phóng viên say sóng, nhiều người nôn thốc nôn tháo, đầu óc quay cuồng, chao đảo. Không ít người nằm li bì 2-3 ngày tại chỗ, không ăn được cơm, bộ phận quân y hỗ trợ đo nhịp tim, huyết áp, truyền nước, chăm sóc sức khỏe.

Phóng viên đã mệt như thế, tổ phục vụ nấu ăn trên tàu còn gặp khó khăn gấp bội phần, nhất là những chiến sĩ trẻ. Hằng ngày, các anh thức từ 2 giờ sáng để chuẩn bị thực phẩm, chế biến 3 bữa ăn cho đoàn công tác. Có những người dù ở trên tàu nhiều năm song vẫn bị say sóng, vừa vo gạo vừa nôn. Vài ngày sau, các thành viên thích nghi dần với trạng thái trên biển, sức khỏe tiến triển tốt hơn. Những bữa cơm cũng vì thế thêm phần nhộn nhịp, ấm cúng.

"Đảo là nhà, biển cả là quê hương"

Sau hơn 2 ngày trên biển, vượt qua hàng trăm hải lý, con tàu đưa đoàn đến đảo Trường Sa - điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình công tác. Từ xa, chúng tôi đã thấy các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo hàng ngũ chỉnh tề vẫy chào đoàn tàu cập đảo. Gương mặt ai nấy đều rạng ngời, vui tươi như đón người thân trở về. Nghi thức đón đoàn công tác diễn ra trang trọng, thiêng liêng.

Nghi thức chào cờ trên đảo Trường Sa.

Giây phút đặt chân lên đảo, ngắm nhìn lá cờ đỏ, sao vàng tung bay trong gió tại cột mốc chủ quyền quốc gia, trong tôi trào dâng cảm xúc. Mỗi nhánh san hô, từng hạt cát, nhành cây, ngọn cỏ nơi đây đều thấm đẫm mồ hôi, xương máu của bao thế hệ người con đất Việt đã hy sinh để giành lại sự toàn vẹn chủ quyền đất nước.

Trò chuyện với những sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ trên đảo, tôi phần nào thấu hiểu những khó khăn, vất vả, mất mát, hy sinh mà mọi người trải qua. Quanh năm làm bạn với nắng, gió, mưa, bão; xa đất liền, gia đình, người thân song cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn vững vàng niềm tin, chắc tay súng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Binh nhất Ngân Anh Tài (SN 2004), quê ở tỉnh Nghệ An chia sẻ, từ nhỏ, hình ảnh những chiến sĩ hải quân in sâu trong tâm trí em qua mỗi trang sách, vần thơ. Với mong ước sau này trở thành lính biển nên vừa học xong lớp 12, Tài tình nguyện xung phong nhập ngũ, viết đơn xin ra đảo Trường Sa làm nhiệm vụ đến nay được 6 tháng. "Những ngày đầu, em cảm thấy nhớ nhà da diết. Chỉ sau thời gian ngắn, em đã thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Giờ đây, chúng em coi đảo là nhà, luôn yên tâm công tác".

Chiến sĩ đảo Trường Sa và phóng viên Báo Bắc Giang bên cột mốc chủ quyền.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với ý chí quyết tâm của toàn quân, toàn dân, hiện Trường Sa đã trở thành một hòn đảo xanh tươi, rợp bóng mát của các loại cây bàng vuông, phong ba, bão táp... Giữa nắng, gió Trường Sa, vườn rau của các chiến sĩ vươn lên xanh mướt. Trung tá Phạm Tiến Điệp, Chính trị viên đảo Trường Sa cho biết: "Do làm tốt công tác tăng gia, sản xuất, chúng tôi cơ bản chủ động được rau xanh, ngoài ra còn cung cấp cho các hộ dân, ngư dân có nhu cầu. Gà, lợn cũng được chiến sĩ nuôi trên đảo, góp phần cải thiện bữa ăn hằng ngày".

Ở đây có hệ thống điện gió, điện năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất, chiến đấu, sinh hoạt của quân và dân. Các doanh trại được xây dựng chính quy, hiện đại. Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân từng bước được nâng cao. Hệ thống cáp truyền hình, sóng điện thoại bao phủ đã giúp bà con kết nối gần hơn với đất liền. Ngoài các công trình quốc phòng còn có công trình văn hóa tâm linh như: Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ, chùa…

Thắm tình quân dân

Dù ở hải đảo xa xôi nhưng việc học tập của học sinh luôn được chú trọng. Trường học trên đảo có nhóm lớp mầm non và tiểu học, có đủ giáo viên, đồ dùng học tập, dạy các chương trình như ở đất liền. Thầy Lê Xuân Hạnh, phụ trách nhóm lớp tiểu học là một trong những giáo viên làm đơn tình nguyện xin ra công tác tại Trường Sa.

Chiến sĩ đảo Trường Sa tuần tra, canh gác.

Khi mới nhận lớp, thầy Hạnh gặp một số khó khăn: Các trò chưa quen thầy, nhóm lớp gồm nhiều lứa tuổi nên phải ghép nhiều chương trình. Thầy Hạnh cố gắng sắp xếp, vừa dạy vừa tìm hiểu tính cách từng em để có biện pháp truyền đạt phù hợp. "Vừa dạy chương trình, tôi vừa tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu biển đảo cho học trò", thầy Hạnh nói.

Cùng với trường học, bệnh xá đảo Trường Sa được quan tâm đầu tư, là nơi khám, chữa bệnh, cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nguy hiểm. Bà con sống trên đảo trồng rau, nuôi gà, tăng gia sản xuất, tham gia các công việc của đảo. Tình quân dân ở đây gắn kết keo sơn. Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ luôn làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn đối với ngư dân khai thác hải sản.

Mỗi năm có hàng trăm người được hỗ trợ về lương thực, thuốc men, nước ngọt khi đánh bắt hải sản trên biển. Mỗi khi có gió bão, ngư dân thường vào neo đậu trú ẩn tại âu tàu. Những âu tàu tránh bão là điểm tựa vững chắc để bà con vươn khơi bám biển.

Cán bộ, chiến sĩ và người dân đảo Trường Sa gói bánh chưng Tết.

Anh Nguyễn Đình Chiểu, quê ở tỉnh Bình Định, chủ tàu cá chia sẻ: "Cách đây ít ngày, tôi cùng các thuyền viên đang đánh bắt cá gần đảo Trường Sa thì hết nước ngọt. Do vậy, tàu đã vào neo đậu tại âu tàu trên đảo để xin nước ngọt. Nếu không có âu tàu, chúng tôi phải quay về rất xa để lấy nước, chi phí tốn kém, ảnh hưởng đến việc đánh bắt hải sản".

Những ngày ở trên đảo, những phóng viên chúng tôi thường đến nhà dân chơi, hỏi thăm đời sống, sinh hoạt, việc chuẩn bị Tết của bà con; được các gia đình mời ăn cơm, tặng nhiều kỷ vật của đảo (ốc, san hô, bàng vuông) làm quà. Giây phút chia tay đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo và đoàn công tác hát vang bài ca về biển đảo, quê hương.

Còi tàu vang lên, mọi người vẫy tay chào nhau, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi cho đến khi con tàu dần xa khuất. Tạm biệt Trường Sa thân yêu, trong tôi vấn vương hình ảnh người chiến sĩ hải quân vững tay súng đứng gác trang nghiêm tại cột mốc chủ quyền giữa màn đêm ngập tràn ánh sao, hòa trong gió biển và tiếng sóng Trường Sa.

Bài, ảnh: Công Doanh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phong-su/418571/than-thuong-tieng-song-truong-sa.html