'Than thổ phỉ' ngang nhiên hoạt động tại Nông Sơn

Từ lâu, danh từ 'than thổ phỉ' đã trở thành cái tên chỉ những kẻ chuyên hành nghề khai thác than đá trái phép. Tuy nhiên, biện pháp nào để chống nạn khai thác 'than thổ phỉ' vẫn là bài toán chưa có lời giải của ngành Khoáng sản ở nước ta. Gần như tại mỏ than nào cũng có nạn khai thác than đá trái phép và mỏ than Nông Sơn (Quảng Nam) cũng không ngoại lệ.

Từ lâu, danh từ "than thổ phỉ" đã trở thành cái tên chỉ những kẻ chuyên hành nghề khai thác than đá trái phép. Tuy nhiên, biện pháp nào để chống nạn khai thác "than thổ phỉ" vẫn là bài toán chưa có lời giải của ngành Khoáng sản ở nước ta. Gần như tại mỏ than nào cũng có nạn khai thác than đá trái phép và mỏ than Nông Sơn (Quảng Nam) cũng không ngoại lệ.

Than bị các đối tượng khai thác trộm hoặc trộm cắp mang về cất giấu trong vườn.

Từ Đà Nẵng, chúng tôi theo QL14B về Đại Lộc rồi vượt qua cầu đầu nậu Giao Thủy theo đường ĐT610 đến Trung Phước (xã Quế Trung, H. Nông Sơn), rồi đi tiếp về hướng Tây vượt qua cầu Nông Sơn vắt ngang sông Thu Bồn để đến với mỏ than Nông Sơn. Nằm ở bờ Bắc sông Thu Bồn, thưa thớt những căn nhà tôn thấp lè tè dành cho công nhân mỏ than Nông Sơn và người dân bản địa ở xen lẫn nhau. Ít ai nghĩ tại đây lại xảy ra nạn trộm cắp và khai thác than trái phép. Thế nhưng, với những cánh tài xế hoặc những người dân sống xung quanh thì nạn khai thác than trái phép đã tồn tại ở đây từ rất lâu và không ít người có thâm niên trong nghề từ vài chục năm trở lên. Những người "hành nghề" than thổ phỉ đa phần là người dân địa phương hoặc cư trú ở khu vực lân cận. Anh D., trú Quế Trung, H. Nông Sơn, tâm sự: Bất đắc dĩ mới làm nghề khai thác than trái phép. Vì dân ở đây, cuộc sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng đất sản xuất rất ít, lúa gạo không đủ ăn, trồng rừng phải mất 4 đến 5 năm mới thu hoạch một lần nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Chỉ mỗi đêm đi vào mỏ kiếm vài bao tải than là đủ tiền đong gạo...

Thật vậy, đời "than thổ phỉ" vô cùng vất vả, họ làm việc theo kiểu "nghỉ ngày, cày đêm". Khi mọi người chìm sâu trong giấc ngủ cũng là thời gian họ làm việc nhưng không phải ngày nào cũng "xuôi buồm, thuận gió". Những lúc không may, gặp lực lượng bảo vệ, CA đi tuần thì công sức cả đêm đành... mất trắng. Hiện tại, có gần 50 người chuyên làm nghề khai thác hoặc lợi dụng sơ hở lấy cắp than từ mỏ đưa về cất giấu khắp nơi trong vườn nhà... chờ đêm tối bán cho đầu nậu với giá 1 bao (loại bao tải 50kg) than cám là 40.000 đồng/bao và than cục có giá cao hơn, dao động từ 62.000 đến 65.000 đồng/bao. Nhiều người tâm sự: Với giá cả như vậy là đủ sống nhưng có thời điểm bị chủ nậu ép, giá rớt thê thảm nhưng vẫn cắn răng phải bán vì nhà thiếu tiền đong gạo hoặc đến kỳ phải nộp tiền học cho con... Ông Đ.V, cho biết: Thu nhập của chúng tôi phụ thuộc hoàn toàn vào đầu nậu. Than tiêu thụ nhiều, có giá cao thì kinh tế kha khá. Than bán không được, đành chịu cảnh... khó khăn. Hơn nữa, tại Nông Sơn chỉ có duy nhất 1 đầu nậu thu mua than thổ phỉ là bà V.N, trú Quế Trung nên từ giá cả, số lượng đều do đầu nậu này quyết định.

Bên ngoài và bên trong xưởng chế biến than của và V.N .

Theo tìm hiểu, khoảng thời gian từ 24 giờ đến 4 giờ sáng mỗi ngày, những người hành nghề "than thổ phỉ" bắt đầu làm công việc đào bới, nhặt nhạnh, thậm chí trộm cả than vừa được khai thác rồi vận chuyển về nhà cất giấu. Cũng khoảng thời gian này, đầu nậu V.N, đưa 2 xe tải BKS 92K-89xx, 92K-88xx vào gom hàng, chở về xưởng chế biến được quây tôn kín mít, không bảng hiệu... nằm trên tuyến đường tránh Trung Phước. Sau khi được tuyển chọn, xay nhỏ, đến 18 giờ hàng ngày số than này được vận chuyển đi bán cho các nhà máy gạch tại H. Đại Lộc, Duy Xuyên... Trung bình, mỗi ngày đầu nậu V.N thu gom được từ 10 tấn đến 20 tấn than. Mỗi đêm, khi thu gom, tổ chức vận chuyển than, bà V.N thường tổ chức người theo dõi "động tĩnh" của lực lượng CA và bố trí nhiều "chim lợn" lảng vảng ở hai đầu cầu Nông Sơn nhằm phát hiện các nhà báo tác nghiệp hoặc người lạ... để cảnh báo cho đồng bọn có biện pháp đối phó hoặc tổ chức hù dọa, thậm chí sẵn sàng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" khi cần thiết.

Theo tính toán, giá thu mua đầu vào của mỗi tấn "than thổ phỉ" dao động từ 700.000 đồng đối với than cám và 1,2 triệu đồng đối với than cục và giá bán ra từ 1,7 đến gần 3 triệu đồng/ tấn (tùy thuộc vào loại than cám hoặc than cục). Như vậy, sau khi trừ đi mọi chi phí, như: tuyển chọn, vận chuyển..., đầu nậu lãi trung bình 1 triệu đồng/tấn. Theo lời người dân tại Trung Phước, Quế Trung, việc thu mua, chế biến than thổ phỉ của bà V.N diễn ra hơn 3 năm qua nhưng mọi hoạt động rất kín kẽ nên chưa bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Trao đổi cùng chúng tôi về nạn than thổ phỉ, một cán bộ có chức năng tại mỏ than Nông Sơn, cho biết: Do địa hình đồi núi, khu vực mỏ quá rộng song lực lượng bảo vệ có hạn nên không thể quản lý hết. Hơn nữa, những đối tượng trộm than đa phần là người dân địa phương nên rất khó phát hiện...

Thiết nghĩ, than đá là tài nguyên của quốc gia. Vì vậy, nạn khai thác, mua bán "than thổ phỉ" dù dưới hình thức nào cũng gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước. Vì vậy, các cơ quan chức năng tại Quảng Nam cần sớm có biện pháp xử lý, ngăn chặn tệ nạn này tiếp diễn.

M.T

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_208460_-than-tho-phi-ngang-nhien-hoat-dong-tai-nong-son.aspx