Thần đồng 'Thánh Gióng' của vùng đất Tiền Giang

Lọt lòng mẹ chỉ nặng 900g khi chỉ mới 6 tháng, sự sống của cậu bé Hiếu Ân mỏng manh như giọt sương. 4 tuổi vẫn chưa biết nói nhưng lại có thể viết. Cất tiếng gọi ba là lúc đọc chữ vanh vách.

Hiếu vật vã lớn lên trong sự thấp thỏm âu lo của cha mẹ. Bốn tuổi vẫn chưa biết nói nhưng lại có thể viết. Ngày bé cất tiếng gọi ba cũng là lúc cậu đọc chữ vanh vách…Đó là câu chuyện về cậu bé con Lê Phạm Hiếu Ân được người dân Tiền Giang ưu ái gọi là “Thần đồng Thánh Gióng” .

Sự ra đời kì lạ của cậu bé “Thánh Gióng”

Bé Lê Phạm Hiếu Ân cùng vách tường đầy những con số.

Căn nhà của "Thánh Gióng" Lê Phạm Hiếu Ân (sn 2008) nằm trong một con hẻm nhỏ tại ấp Bình Thạnh (Tam Bình - Cai Lậy - Tiền Giang). Anh Lê Văn Chửng (sn 1964, cha ruột bé Ân) không giấu nổi niềm hãnh diện khi kể về cậu con trai được bà con phong tặng danh hiệu "Thánh Gióng".

Điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là bốn bức vách bằng gỗ chi chít con số với nét viết ngay ngắn, tròn trĩnh. Chỉ tay lên bức tường, anh Chửng nói: "Đấy là chữ Hiếu Ân viết. Thằng bé ham viết, bốn bức tường giờ chẳng còn chỗ nào hở nữa". Khi Hiếu Ân mới là cái thai được 6 tháng 8 ngày tuổi thì mẹ bé bị vỡ nước ối phải chuyển lên bệnh viện Từ Dũ (TP. HCM). Thấy tình hình nguy cấp, các bác sĩ đã phải mổ để lấy đứa bé ra, bảo đảm tính mạng cho hai mẹ con.

Khi ấy Ân chỉ nặng có 900g, sự sống cũng mong manh vô cùng, cho đến bây giờ xương của bé cũng rất nhỏ và ăn mấy cũng không thể mập lên được. Nhưng bù lại bé Ân rất ngoan, từ 6 tháng tuổi là ban đêm không bao giờ đái dầm và rất ít khi khóc. Thế nhưng Ân cũng không được bình thường giống như con người ta, cho đến bốn tuổi mà vẫn không bi bô gọi được một tiếng cha hay mẹ, vợ chồng anh Chửng cũng lo lắng nhưng nghĩ cứ để theo dõi rồi mới tính tiếp.

Những ngày tháng mà đứa con trai “Thánh Gióng” của vợ chồng anh Chửng khiến cả gia đình nhốn nháo lo sợ vì mãi không cất tiếng nói đã qua, hiện tại, thoáng trên nét mặt người cha là niềm tự hào dành cho đứa con trai này. Khi ấy, anh Chửng đang làm việc tại Campuchia, mọi việc chăm sóc con trai, trông nom nhà cửa đều giao hết cho vợ.

Vào cuối năm 2012, anh nhận được một cuộc gọi của vợ, bảo con trai vẫn chưa nói gì nhưng hay tự chơi một mình, và tự lấy tay chấm nước miếng rồi viết lên vách nhà, vợ anh đã để ý nhiều lần và thấy Ân viết rất nhiều con số. Anh bèn gọi về cho vợ kêu mua cho con cục phấn vì tường dơ quá lại sợ con nhiễm bệnh. Thế là từ đó khắp tường nhà, cứ chỗ nào trống trống có thể viết hoặc vẽ được là chi chít những con số của bé Ân.

Cũng từ thời điểm này, Ân bắt đầu bập bẹ tập nói. Tết nguyên đán 2013, anh Chửng bất ngờ khi Ân chuyển sang viết các chữ cái, viết lung tung rất nhiều chữ khác nhau. Sau đó không lâu, Ân lại biết ghép chữ, viết ra những chữ có nghĩa. Về sau, Ân có thể viết được cả một câu dài.

Tuy thời điểm ấy Ân chỉ mới 5 tuổi, bỗng dưng Ân nói được và cũng từ đó có thể đọc làu làu tất cả mọi thứ, những nét chữ của Ân cũng rất cứng cáp. Điều lạ là Ân chỉ viết chữ in hoa và cách phát âm cũng khác. Lật giở cho Ân đọc những dòng tin nhắn, bé đọc lướt qua rất nhanh, anh Chửng bảo nó đọc đúng hết đấy nhưng đọc nhanh quá, phải kêu nó ghi ra lại mình mới hiểu được.

Cũng theo lời anh Chửng, bé Ân không bao giờ viết lặp lại một dòng chữ nào và tỏ ý khó chịu khi anh đọc sai những chữ mà bé viết. Gia đình, dòng họ của anh Chửng cũng có nhiều người học được, thông minh nhưng chưa có ai được như bé Ân, bé có một trí nhớ phải nói tuyệt vời khi nhớ các con số rất nhanh. Bé Ân có thể đọc và viết bất kì thứ gì mà vừa lướt qua.

Mấy đứa cháu của anh Chửng học cũng khá nhưng phải đến trường học rồi mới biết. Còn đối với bé Ân thì cứ như tất cả đã trong đầu chỉ việc bung ra thôi. Lúc mang thai, mẹ Ân cũng không phải làm việc gì nặng, không có ảnh hưởng gì mà tự dưng có triệu chứng vỡ nước ối rồi sinh bé ra sớm hơn đến gần 3 tháng. Có những điều ngay cả khoa học cũng khó lí giải được, bé Ân chính là một trường hợp điển hình.

Trí nhờ siêu phàm của cậu bé tuổi mầm

Nhắc đến bé Hiếu Ân, người dân xã Bình Thạnh còn thật nhiều câu chuyện mà mỗi khi nhắc lại, nó cứ như là một “giai thoại”. Không chỉ có khuôn mặt đáng yêu mà mỗi lần nói chuyện cháu đều khiến mọi người ngỡ ngàng, mặc dù chỉ mới bập bẹ.

Những người dân buôn bán ngoài chợ xã cho biết, hai cha con anh hay ra chợ, mỗi lần anh Chửng dắt bé Ân theo là cả chợ nhốn nháo, thằng bé đáng yêu quá mà. Mọi người đưa tờ vé số cho Ân đọc, bé đọc vanh vách tất cả các chữ số trên đó, không sai một chữ. Ân thông minh, lanh lợi nên ai cũng muốn gặp, cưng nựng.

Anh Chửng cũng đã từng gửi Ân học lớp mầm non ngoài xã, hôm đầu tiên, Ân đến chỗ từng bạn, vạch áo lên đọc số điện thoại thêu trên ngực áo rồi đến tối về ghi tất thảy 40 số điện thoại lên tường. Vì để xác thực trí nhớ của bé, anh Chửng ghi lại vào giấy rồi hôm sau tới dò thử thì thấy tất cả đều đúng.

Hôm sau nữa, Ân nói với cô giáo là con không đi học nữa vì chẳng còn gì để con học cả mặc dù không ai dạy bé nói như vậy. Thế là Ân không chịu đến trường nữa, anh Chửng đành để bé ở nhà, lủi thủi viết vẽ một mình, thỉnh thoảng bận việc phải đi xa thì đem gửi qua nhà nội.

Chuyện bạn bè của Hiếu Ân hầu hết là các anh chị học cấp 2, cấp 3, ở trong, ngoài xã đã không còn là chuyện lạ nữa. Mỗi lần ghé thăm cậu em, quà cho bé không phải những món đồ chơi cho trẻ nhỏ mà là sách, báo, bất cứ thứ gì có thể đọc.

Anh Chửng cho biết thỉnh thoảng thầy cô ngoài xã cũng hay gọi điện để anh đưa bé ra chơi, rảnh rỗi 2 cha con cũng hay ghé lại trường cấp 2, cấp 3 ngay ngoài thị trấn. Mỗi lần tới là thầy cô với các anh chị lớp trên lại xúm xít vây lại, đọc cho Ân viết. Mọi người ai cũng tò mò trước khả năng của Ân nên muốn chứng kiến tận mắt. Bé Ân lại là đứa trẻ dạn dĩ, không sợ người lạ nên mọi chuyện đều tốt.

Bé Ân còn có một sở thích đặc biệt là chỉ thích coi thời sự và các trò chơi mang tính trí tuệ, cứ ngày nào, giờ nào có chương trình mình thích là bé đều tự nhớ và bật lên theo dõi. Chương trình yêu thích của Ân là thời sự, Chiếc nón kì diệu, Rung chuông vàng, Đường lên đỉnh Olympia… Ân không thích xem phim hoạt hình như những đứa trẻ cùng trang lứa, sau giờ cơm tối, Ân lại tự bật ti vi và ngồi xem thời sự cùng cha.

Mỗi khi nghe tin tức, Ân lại bập bẹ bàn luận và tỏ thái độ thích hoặc không thích với anh Chửng. Cứ như vậy, tối nào hai cha con anh cũng bàn luận chuyện thời sự với nhau. Đối với sự phát triển của bé Ân, anh Chửng tâm sự, phương pháp dạy con của anh là để bé phát triển một cách tự nhiên nhất và không gò bó bé theo một khuôn khổ nào cả.

Nhưng vì Ân còn quá bé nên anh Chửng không dám cho con xem nhiều sách giáo khoa, nhất là sách toán, nhưng bé cũng tự biết mượn của các anh chị để đọc. Vì bé còn quá nhỏ nên chưa thể xác định rõ Ân có khiếu tới đâu và như thế nào, song qua những gì bé viết, có thể thấy rằng bé Ân có trí nhớ siêu phàm. Nhiều người từng bảo đôi mắt Ân như một cái máy ảnh chụp lại những gì bé thấy, còn bộ óc thì như một cái ổ cứng lưu trữ và cung cấp dữ liệu…

Sau những gì mà bé Hiếu Ân đã bộc lộ, tất cả những người quan tâm đến Ân đều đang chờ đợi những điều kì diệu sẽ đến từ vùng đất Bình Thạnh bình yên, một Lê Phạm Hiếu Ân sẽ làm nên nhiều kì tích cho quê hương, đất nước vào tương lai không xa nữa

Nhóm PVMĐ/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/than-dong-thanh-giong-cua-vung-dat-tien-giang-p41701.html