Tham vọng nho Ba Mọi

(TBKTSG) - Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã từng đăng bài viết “Con xây dựng thương hiệu cho cha” trong số báo ra ngày 9-9-2004, nói về cha con ông Nguyễn Văn Mọi (Ba Mọi), một gia đình nông dân có nghề truyền thống trồng nho ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ông Ba Mọi được xem là người trồng nho trong nước đầu tiên đăng ký thương hiệu - nho Ba Mọi. Nay, ông còn tiến xa hơn một bước khi biến một phần vườn nho của mình thành nơi ủ nấu rượu vang.

Hồng Văn Ông Mọi (thứ hai từ phải sang) cùng các nhà khoa học giúp chuyển giao giống nho mới. Ảnh: Hồng Văn. Biến nho thành rượu Thực ra ý tưởng trồng nho để làm rượu vang như “bên Tây” đã ngấm vào đầu ông Ba Mọi từ lâu. Ông cho rằng nho ở Ninh Thuận mà chỉ dùng để ăn thì quá uổng phí. Nhưng ngặt nỗi, trước năm 2005, gần như cả vùng trồng nho Ninh Thuận nổi tiếng của Việt Nam lại chỉ trồng các giống nho để ăn, trong khi nho dành cho chế biến lại chưa có ai trồng mà cũng chẳng ai chuyển giao giống má cho nông dân. Tuy nhiên, trong hai năm 2005-2006, Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, đóng trên địa bàn Ninh Thuận, đã nhập về trồng và chuyển giao một số giống nho chuyên dùng để chế biến rượu cho vườn nho của ông Ba Mọi. Cũng trong thời gian này, Phân viện Công nghệ thực phẩm TPHCM lại phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận thực hiện dự án sản xuất rượu vang quy mô hộ gia đình. Dự án đã chọn vườn nho của ông làm thí điểm. “May mắn cho tui là được các nhà khoa học chuyển giao quy trình trồng giống nho dùng để làm rượu, rồi lại được hướng dẫn quy trình công nghệ ủ rượu vang gần như miễn phí chứ nếu không, nông dân trồng nho làm gì có tiền mua công nghệ”, ông Ba nói. Vậy là cả gia đình ông bây giờ vừa giữ vườn nho tươi, vừa lập cơ sở chế biến rượu. Ít tiền, ông mua sắm dần từng món một. Máy ép nho lấy nước, máy xé quả, máy quay ly tâm thì ông đặt các cơ sở cơ khí ở TPHCM làm chứ không dám mua máy của nước ngoài vì “hỏi thử mà họ chào giá cao tới mức có khi cả cơ sở của mình sắm không nổi một cái”. Ở nước ngoài, như Pháp, Tây Ban Nha… phần đông lên men nho thành rượu trong thùng gỗ sồi. Một công ty của Pháp chào bán thùng gỗ sồi dung tích 200 lít với giá tới 25 triệu đồng/thùng. Không có tiền mua thùng, ông thử dùng vại sành của các cơ sở gốm sứ ở Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, để lên men rượu. Kết quả cũng khá khả quan. Không có điều kiện xây hầm rượu kiên cố trong lòng đất như các hãng rượu vang nổi tiếng ở Pháp, ông Ba cũng mày mò đào sâu xuống đất 3 mét để làm một hầm chứa rượu có sức chứa chừng 50.000 chai để có nhiệt độ ủ ổn định. Nói là cơ sở nhỏ nhưng chỉ riêng phần mua sắm máy móc, ông phải chi hơn 500 triệu đồng, trong đó ngân hàng cho vay 200 triệu. Ra thương trường Bây giờ trong vườn nho nhà ông Ba Mọi trồng ba giống nho dùng để chế biến ba loại rượu vang theo tên của nho là giống Syrah và giống Cabernet Sauvignon làm vang đỏ, còn giống Chenin Blanc thì làm vang trắng. Ngoài ba loại rượu vang nói trên, ông còn làm rượu trắng (na ná như rượu mạnh), chưng cất từ vang và sản xuất thêm si rô nho. Gia đình ông mất hai năm đầu tư công sức, tiền của, mày mò ngày đêm cùng các nhà khoa học nghiên cứu cách làm rượu. Năm 2007, chai rượu vang đầu tiên của ông mới được đưa ra thị trường. Cũng như khi trồng nho ăn, ông Ba đăng ký ngay thương hiệu vang Phan Rang để được bảo hộ độc quyền. Vậy là giờ đây, một lão nông dân trồng nho hơn 60 tuổi đang sở hữu hai thương hiệu là nho Ba Mọi và vang Phan Rang. Có lẽ nhờ có uy tín từ cái thời ông đưa nho tươi thương hiệu Ba Mọi vào các siêu thị lớn ở TPHCM, nên sau này, khi chế biến rượu vang, các siêu thị, cửa hàng cũng dễ dàng đón nhận sản phẩm rượu vang của ông, sau khi kiểm tra chất lượng, các chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm… “Tui bỏ mối thêm ở các cửa hàng tại TPHCM, các quán ăn trong tỉnh và bán cho khách du lịch”, ông cho biết. Vườn nho và cơ sở chế biến rượu của ông Ba Mọi giờ đây là một điểm không thể thiếu trong các tour tham quan của khách du lịch trong và ngoài nước khi tới Ninh Thuận. Khách du lịch tới vườn, ông giới thiệu với khách nghề trồng nho, cách làm rượu vang và những đặc sản của địa phương. Vườn nho nhà ông rộng 2 héc ta, ông vẫn giữ 1,5 héc ta trồng nho ăn, bởi “thị trường nho ăn trong nước còn lớn lắm, với lại mình đi hai chân cho chắc ăn”, ông giải thích tại sao mình không đầu tư toàn bộ diện tích trồng nho làm rượu. Còn lại 0,5 héc ta ông đầu tư trồng các giống nho làm rượu và đầu tư thêm ở bà con hàng xóm 0,5 héc ta nữa. Mỗi năm, kể cả các vườn nho vệ tinh, ông thu được 15 tấn nho làm rượu và ủ ra 10.000-15.000 chai rượu loại 0,75 lít. Ông cho biết bình quân 1 ký nho thì cho ra khoảng 1 chai vang 0,75 lít, giá bán 70.000-90.000 đồng/chai tùy loại. Thấy thị trường chấp nhận sản phẩm do mình làm ra, mỗi năm ông lại sản xuất tăng thêm khoảng 1.000 chai so với năm trước. Đầu năm nay, nhờ chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất của Nhà nước, ông Ba đã trả hết số nợ 200 triệu đồng vay mua sắm máy móc và vay tiếp 300 triệu để mua thêm máy xới hầm nho, thay vì xới bằng tay không đều. Ông có một ước mơ là có điều kiện đi tham quan các cơ sở ủ rượu vang ở Pháp, Tây Ban Nha để “xem thử họ làm ra sao, thậm chí học cả cái cách nếm rượu chuyên nghiệp của họ”.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/doanhnghiep/chuyenlaman/21423/