Tham vọng nguy hiểm của nhánh IS gây ra vụ tấn công khủng bố Moskva

ISIS-K (Nhà nước Hồi giáo ở Khorasan) hiện đang hoạt động ở Afghanistan, Pakistan và Iran, nhưng đã nhắm tới châu Âu và xa hơn nữa.

Lửa cháy dữ dội tại hiện trường vụ tấn công nhằm vào trung tâm thương mại “Crocus City Hall” ở Moskva, Nga tối 22/3/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Vào đúng tháng này 5 năm trước, một lực lượng dân quân người Kurd và Arab do Mỹ hậu thuẫn đã đánh đuổi các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS, tên cũ là ISIS) tự xưng khỏi một ngôi làng ở miền Đông Syria, mảnh lãnh thổ kiểm soát cuối cùng của nhóm này.

Kể từ đó, tổ chức từng thành lập một vương quốc tự xưng trên khắp Iraq và Syria đã “di căn” thành một nhóm khủng bố “truyền thống” hơn - một mạng lưới các mắt xích bí mật từ Tây Phi đến Đông Nam Á tham gia vào các cuộc tấn công du kích, đánh bom và ám sát có chủ đích.

HOẠT ĐỘNG KHÔNG NGỪNG NGHỈ

Không có chi nhánh nào của IS hoạt động không ngừng nghỉ như “Nhà nước Hồi giáo ở Khorasan” (ISIS-K), hoạt động ở Afghanistan, Pakistan, Iran, đã đặt mục tiêu tấn công châu Âu và hơn thế nữa. Các quan chức Mỹ cho biết nhóm này đã thực hiện vụ tấn công khủng bố gần Moskva hôm 22/3, giết chết 139 người và làm bị thương 182 người khác (theo số liệu của Ủy ban Điều tra Nga).

Hồi tháng 1 năm nay, ISIS-K đã thực hiện vụ đánh bom kép ở Iran khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương tại lễ tưởng niệm cựu tướng hàng đầu của Iran, Qassim Suleimani, người bị UAV của Mỹ ám sát 4 năm trước đó.

Khi phát biểu trước một ủy ban Thượng viện trong tháng này, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Avril D. Haines đã nói rằng: “Mối đe dọa từ IS vẫn là mối lo ngại đáng kể về chống khủng bố". Bà Haines cho biết: “Hầu hết các cuộc tấn công do IS thực hiện trên toàn cầu đều thực sự xảy ra ngoài Afghanistan, bên ngoài ‘lãnh địa’ của IS”.

Tướng Michael E. Kurilla, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm của quân đội Mỹ, cũng phát biểu với một ủy ban Hạ viện hôm 21/3 rằng ISIS-K “vẫn duy trì khả năng và ý chí tấn công các lợi ích của Mỹ và phương Tây ở nước ngoài trong vòng chỉ 6 tháng mà không có hoặc rất ít cảnh báo”.

Các chuyên gia chống khủng bố của Mỹ hôm 24/3 đã bác bỏ nghi vấn của Điện Kremlin rằng Ukraine đứng sau vụ khủng bố Crocus City Hall. Bruce Hoffman, một học giả về chủ nghĩa khủng bố tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết: “Phương thức hoạt động [trong vụ khủng bố Moskva] là kiểu cổ điển của ISIS”.

Ông Hoffman nói rằng, Crocus City Hall là địa điểm tổ chức biểu diễn âm nhạc thứ ba ở Bắc bán cầu mà IS đã tấn công trong thập kỷ qua. Trước đó là các vụ tấn công vào nhà hát Bataclan ở Paris vào tháng 11/2015 và vụ đánh bom tự sát tại buổi biểu diễn của nữ ca sĩ Ariana Grande ở Manchester Arena, Anh, vào tháng 5/2017.

TỪ KHỦNG BỐ CẤP THẤP...

ISIS-K, được thành lập vào năm 2015 bởi các thành viên bất mãn của Taliban tại Pakistan, đã phát triển bùng nổ sau khi Taliban lật đổ chính phủ Afghanistan vào năm 2021. Trong thời gian quân đội Mỹ rút khỏi nước này, ISIS-K đã thực hiện một vụ đánh bom liều chết tại sân bay quốc tế ở Kabul vào tháng 8/2021, giết chết 13 quân nhân Mỹ và 170 thường dân.

Kể từ đó, Taliban đã chiến đấu với ISIS-K ở Afghanistan. Theo các quan chức chống khủng bố của Mỹ, cho đến nay, các cơ quan an ninh của Taliban đã ngăn chặn nhóm này chiếm giữ lãnh thổ hoặc tuyển mộ số lượng lớn các cựu chiến binh Taliban.

Nhưng mức độ và phạm vi tấn công của ISIS-K đã tăng lên trong những năm gần đây, với các cuộc tấn công xuyên biên giới vào Pakistan và ngày càng nhiều âm mưu ở châu Âu. Hầu hết những âm mưu của chúng ở châu Âu đều bị ngăn chặn, khiến tình báo phương Tây đánh giá rằng nhóm này có thể đã đạt đến giới hạn trong khả năng của mình.

Các thành viên của ISIS-K tại Afghanistan. Ảnh: Herald Sun

Vào đêm Giao thừa dương lịch năm 2023, ba người đàn ông đã bị bắt tại bang North Rhine-Westphalia của Đức vì bị cáo buộc có kế hoạch tấn công Nhà thờ Cologne. Các cuộc đột kích có liên quan đến ba vụ bắt giữ khác ở Áo và một vụ ở Đức vào ngày 24/12 cùng năm. Bốn người này đã bị bắt giữ, được cho là hành động ủng hộ ISIS-K.

Các quan chức chống khủng bố của Mỹ và các nước phương Tây khác cho biết những âm mưu này được tổ chức bởi các phần tử cấp thấp, chúng bị phát hiện và ngăn chặn tương đối nhanh chóng.

Christine S. Abizaid, người đứng đầu Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia, phát biểu tại một ủy ban Hạ viện Mỹ vào tháng 11: “Cho đến nay, ISIS-K chủ yếu dựa vào các thành viên thiếu kinh nghiệm ở châu Âu để tìm cách thúc đẩy các cuộc tấn công dưới danh nghĩa của chúng”.

... ĐẾN CÁC ÂM MƯU VÀ HÀNH ĐỘNG TINH VI HƠN

Nhưng có những dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy ISIS-K đang rút được kinh nghiệm từ những sai lầm của mình. Vào tháng 1, những kẻ tấn công đeo mặt nạ đã tấn công một nhà thờ Công giáo La Mã ở Istanbul, khiến một người thiệt mạng. Ngay sau đó, IS đã nhận trách nhiệm. Lực lượng thực thi pháp luật Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 47 người, hầu hết là công dân Trung Á.

Kể từ đó, lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các hoạt động phản công quy mô lớn nhằm vào các nghi phạm IS ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq. Theo một báo cáo của Liên hợp quốc hồi tháng 1, một số cuộc điều tra của châu Âu đã làm sáng tỏ tính chất toàn cầu và liên kết của nguồn tài chính cho IS, trong đó xác định Thổ Nhĩ Kỳ là trung tâm hậu cần cho các hoạt động của ISIS-K ở châu Âu.

Các quan chức chống khủng bố cho biết, các cuộc tấn công gần đấy ở Moskva và Iran thể hiện sự tinh vi hơn, cho thấy mức độ lập kế hoạch cao hơn và khả năng khai thác các mạng lưới cực đoan địa phương.

Colin P. Clarke, nhà phân tích chống khủng bố tại Soufan Group, một công ty tư vấn an ninh có trụ sở tại New York, cho biết: “ISIS-K đã tập trung vào Nga trong hai năm qua. Chúng cáo buộc Điện Kremlin dính máu người Hồi giáo trong tay, ám chỉ sự can thiệp của Moskva ở Afghanistan, Chechnya và Syria”.

Một phần đáng kể các thành viên của ISIS-K có nguồn gốc Trung Á, trong khi có một lượng lớn người Trung Á sống và làm việc tại Nga. Ông Clarke cho biết, một số cá nhân trong số này có thể đã bị cực đoan hóa và đảm nhiệm chức năng hậu cần, tàng trữ vũ khí.

Daniel Byman, chuyên gia chống khủng bố tại Đại học Georgetown, cho biết: “ISIS-K đã tập hợp các chiến binh từ Trung Á và Kavkaz dưới trướng, và chúng có thể chịu trách nhiệm về vụ tấn công Moskva, trực tiếp hoặc thông qua mạng lưới của chúng”.

Chính quyền Nga và Iran dường như đã không coi trọng những cảnh báo công khai và chi tiết hơn của Mỹ về âm mưu tấn công của ISIS-K, hoặc bị phân tâm bởi những thách thức an ninh khác.

Adrienne Watson, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết: “Đầu tháng 3, chính phủ Mỹ đã chia sẻ thông tin với Nga về một cuộc tấn công khủng bố đã được lên kế hoạch ở Moskva. Chúng tôi cũng đã đưa ra lời khuyên công khai cho người Mỹ ở Nga vào ngày 7/3. ISIS hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc tấn công này. Không hề có sự liên quan nào của Ukraine”.

Các chuyên gia chống khủng bố hôm 24/3 bày tỏ lo ngại rằng các cuộc tấn công ở Moskva và Iran có thể tạo động lực cho ISIS-K tăng cường nỗ lực tấn công ở châu Âu, đặc biệt là ở Pháp, Bỉ, Anh và các quốc gia khác.

Một sự kiện lớn trong mùa hè này khiến nhiều quan chức chống khủng bố lo lắng. Edmund Fitton-Brown, cựu quan chức chống khủng bố hàng đầu của Liên hợp quốc, hiện là cố vấn cấp cao cho Dự án chống chủ nghĩa cực đoan, cho biết: “Tôi lo lắng về Thế vận hội Paris. Đó sẽ là mục tiêu khủng bố cấp cao".

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo NYT)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tham-vong-nguy-hiem-cua-nhanh-is-gay-ra-vu-tan-cong-khung-bo-moskva-20240326145436516.htm