Tham vọng của Trung Quốc trên Mặt Trăng

Trung Quốc đang tiến thêm một bước đi lớn trong chương trình thăm dò không gian của mình, bắt đầu bằng việc thử nghiệm một trạm không gian vĩnh cửu trên Mặt Trăng.

Các sinh viên ngành khoa học tại các trường đại học của nước này sẽ có thời gian 200 ngày sống thử trong một môi trường được mô phỏng giống như điều kiện ở Mặt Trăng.

Mục đích của việc này là chuẩn bị cho một sứ mệnh không gian dài hạn mà không cần sự hỗ trợ từ nước ngoài. Trung Quốc đang đổ tiền vào chương trình không gian của mình nhằm cạnh tranh với Hoa Kỳ và Nga.

Bốn sinh viên đã tốt nghiệp ngành du hành vũ trụ ở trường đại học Hàng không Bắc Kinh sẽ chuyển vào ở trong một cabin, được gọi là Yuegong-1 hay Nguyệt Cung 1. Họ sẽ ở trong cabin này trong 60 ngày và sau đó là một nhóm khác với thời gian ở 200 ngày. Bốn người đầu tiên sẽ trở lại để sống tiếp trong 105 ngày còn lại.

Mặt Trăng là mục tiêu tiếp theo trong chương trình không gian của Trung Quốc. Ảnh: AP.

Theo Tân Hoa Xã, một trong những mục tiêu chính của cuộc thử nghiệm này là làm thế nào một sứ mệnh không gian có thể hoạt động và tồn tại trong một thời gian dài.

Chất thải của con người sau quá trình lên men sinh học, sẽ giúp trồng các loại cây và rau quả để làm nguồn thức ăn chính. Trạm không gian trên Mặt Trăng có một module dùng để trồng rau quả, một buồng ăn chung và bốn buồng ngủ, một buồng tắm mà một phòng xử lý chất thải cùng một phòng chăm sóc vật nuôi.

Ngoài mục đích thực hiện những thí nghiệm khoa học trong trạm Nguyệt Cung 1 để chuẩn bị cho những sứ mệnh dài ngày quanh Mặt Trăng, Trung Quốc còn có ý định đưa các phi hành gia đầu tiên của mình lên Mặt Trăng trong vòng 10 năm tới.

Vào tháng 10/2016, Bắc Kinh đã đưa hai người vào quỹ đạo Trái Đất để cập bến trạm không gian Thiên Cung 2 và sống 30 ngày ở đó. Đây cũng là những người Trung Quốc ở lâu nhất trong không gian vũ trụ. Những chuyến bay gần đây cho thấy Trung Quốc có ý định đưa người lên ở lâu dài trên Mặt Trăng hoặc Sao Hỏa.

Hai phi hành gia Trung Quốc là Trần Đông (Chen Dong) Cảnh Hải Bằng (Jing Haipeng) (phải) đã trải qua 30 ngày trong không gian vào năm 2016. Ảnh: AP.

Trung Quốc là quốc gia thứ ba sau Nga và Mỹ tự phóng phi hành gia riêng của mình vào không gian. Năm 2013, họ đã cho hạ cánh thành công một tàu thăm dò tự hành trên bề mặt Mặt Trăng.

Một trong những lý do chính khiến Trung Quốc phải thực hiện chương trình không gian cho riêng mình, là bởi Hoa Kỳ không cho phép các phi hành gia Trung Quốc sử dụng chung Trạm Không gian Quốc tế (ISS) bởi những lý do an ninh.

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất tính đến chuyện cho con người lên ở lâu dài trên các thiên thể khác. Trước đó, ở đảo Hawaii của Mỹ, một nhóm 6 người đã sống cánh ly trong một môi trường giả lập Sao Hỏa trong suốt gần hết năm 2016.

Nhóm người này đã sống trong môi trường không có không khí sạch và thức ăn tươi, cũng như không có sự riêng tư. Dự án này của NASA phối hợp cùng Đại học Hawaii, là một chương trình tương tự như chương trình sống tách biệt 520 ngày của Nga, nhằm mục đích thử nghiệm sống quen trên Sao Hỏa.

Chương trình không gian Trung Quốc qua những con số

• 2,2 tỷ USD: ngân sách ước tính hằng năm của Trung Quốc cho chương trình không gian
• 181: số vệ tinh của Trung Quốc trong không gian
• 11: số phi hành gia của Trung Quốc đã đi trong không gian
• 2003: năm mà Trung Quốc có phi hành đoàn đầu tiên vào không gian
• 2020: năm mà Trung Quốc dự tính sẽ phóng trạm không gian riêng của mình

Quang Niên (BBC News)

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/tham-vong-cua-trung-quoc-tren-mat-trang-c7a528531.html