Tham vọng của ông ElBaradei có thành?

Kể từ khi rời khỏi chiếc ghế Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ông Mohamed ElBaradei đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao ảnh hưởng chính trị của mình tại Ai Cập. Nhưng tham vọng chính trị của ông liệu có thành công?

Mới đây, vị cựu Giám đốc IAEA, đồng thời là lãnh đạo Liên minh Dân tộc vì sự thay đổi (NCC), đã lên tiếng kêu gọi phe đối lập tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11 tới để phản đối chính sách phản dân chủ của chính quyền. Theo như ông ElBaradei, hệ thống chính trị của Ai Cập hiện vẫn thiếu tính công khai và dân chủ. Chính vì vậy, tham gia bầu cử trong điều kiện hiện nay sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì. Những người ủng hộ ý tưởng tẩy chay của ông ElBaradei hy vọng rằng sự vắng mặt của một số lượng lớn người sẽ tạo áp lực lớn đối với Cairo nhằm mở ra một không gian dân chủ trước cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến vào năm tới, đồng thời ngăn cản nỗ lực của Tổng thống Hosni Mubarak trong việc tạo cơ hội cho con trai là Gamal kế nhiệm mình. Tuy vậy, không có nhiều khả năng các nhóm chính trị đối lập hưởng ứng lời kêu gọi của ElBaradei. Mặc dù, ban đầu tỏ ra nhiệt tình, nhưng nhóm Những người anh em Hồi giáo, nổi lên như là một khối đối lập lớn nhất trong cuộc đua vào Quốc hội năm 2005, hiện đã bị chính quyền chính thức cấm hoạt động, nhiều khả năng sẽ loại bỏ ý tưởng này. Ayman Nour, đối thủ đáng gờm của Tổng thống Mubarak, người đã giành vị trí thứ hai trong cuộc đua Tổng thống năm 2005, tuyên bố đảng Al-Ghad của ông này sẽ tẩy chay cuộc bầu cử, nhưng một vài thành viên trong đảng có thể vẫn tham gia ứng cử với tư cách ứng viên độc lập. Ông ElBaradei, người nắm giữ chiếc ghế Giám đốc IAEA suốt 12 năm, hiện không bị dính líu vào bất kỳ một vụ bê bối tham nhũng nào, đồng thời nhận sự ủng hộ và uy tín cao trong nước - đang có được những lợi thế ban đầu không nhỏ trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống năm 2011. Tuy nhiên, ông ElBaradei tham gia vào sân khấu chính trị Ai Cập vào đúng thời điểm rất nhạy cảm. Đương kim Tổng thống Hosni Mubarak, người cầm quyền trong 29 năm liên tục, hiện đã 82 tuổi và đang có vấn đề về sức khỏe, chưa chắc sẽ tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa, nhưng muốn trao quyền cho người con trai Gamal Mubarak, 46 tuổi. Thêm nữa, có nhiều rào cản khó vượt qua khác đối với ông ElBaradei. Trong khi Hosni Mubarak và con trai ông có thể đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu đối với một ứng cử viên Tổng thống. Chẳng hạn theo Hiến pháp Ai Cập, một ứng cử viên Tổng thống cần phải nắm giữ vị trí lãnh đạo liên tục trong một đảng phái đã tồn tại ít nhất 5 năm, có thể kiểm soát ít nhất 3% số ghế tại Hạ viện và 5% số ghế tại Thượng viện. Một ứng cử viên độc lập cần phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 250 nghị sĩ, cũng như của ít nhất 10 trong số 14 hội đồng lập pháp của các tỉnh. Còn ông ElBaradei, 67 tuổi, mới về nước hồi tháng 3/2010 và lãnh đạo NCC chưa được bao lâu. Bởi vậy, những tham vọng chính trị của ông ElBaradei chắc chắn không thành hiện thực, nếu như vị chính trị gia này không thể đấu tranh đòi thay đổi những quy định hiện hành của Hiến pháp Ai Cập. Mạnh Hùng

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/ThoiSu/2010/10/8663DBFEC14A21C2/