Tham vấn chính sách công nghiệp quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2035

Sáng 2-12, Vụ Công nghiệp - Ban Kinh tế Trung ương tổ chức buổi tham vấn chuyên gia với chủ đề “Chủ trương, định hướng chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035”.

Phát biểu thảo luận, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng, trong một cuộc cách mạng thế hệ mới chúng ta cần ứng dụng công nghệ là chính. Điều quan trọng nhất là thị trường, nhưng chúng ta mang thị trường ra với giá rẻ, giấy phép chỉ cho không. Lợi thế lớn nhất trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là thị trường, là đông dân.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, sự khác biệt của Việt Nam là văn hóa và sáng tạo, Việt Nam còn có yếu tố ổn định chính trị. Chúng ta nên kết hợp hài hòa giữa nhà nước và tư nhân, vì doanh nghiệp tư nhân còn ít làm về công nghệ cao.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang nhìn nhận, nên có cái nhìn đúng mức về phát triển công nghiệp dệt may. Hiện nay chúng ta xuất khẩu năm sản phẩm chủ lực ra thế giới, chúng ta có xuất khẩu cả thương hiệu của ta chứ không phải chỉ xuất khẩu thương hiệu nước ngoài, trong đó sản phẩm sợi là 100% thương hiệu Việt Nam.

Trong bối cảnh kinh tế mở, ông Vũ Đức Giang cho rằng, nếu doanh nghiệp nào có giá cả tốt, cạnh tranh tốt thì sẽ xuất được sản phẩm. Ngành dệt may Việt Nam tăng được 4% so với cùng kỳ, nhưng đang là điểm rơi chung của ngành dệt may thế giới. Hiện ngành dệt may Việt Nam có 3,6 triệu lao động, chúng ta cần quan tâm đến số lao động này, bên cạnh đó phải quan tâm đến chuyển dịch cơ cấu, các dịch vụ đi theo của dệt may. Cần phát triển chiến lược dệt may dài hạn quan tâm đến lợi ích của doanh nghiệp trong nước.

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Đào Phan Long cho rằng, với một thị trường 100 triệu dân, hướng nội, 20 năm qua chúng ta đã để mất thị trường rất nhiều, nhất là trong ngành cơ khí. Với đường sá như hiện nay thì xe máy vẫn đang tràn ngập, mà hoàn toàn thương hiệu của nước ngoài, chúng ta chỉ làm được phụ tùng.

Theo ông Đào Phan Long, sự phát triển nội lực của Việt Nam cần phải làm rõ. Chúng ta kêu gọi đầu tư là rất đúng, nhưng nội lực cũng phải tách ra để biết ta đang ở đâu. Phải kiểm điểm xem 15 năm qua ngành cơ khí của chúng ta làm được gì và đi đến đâu.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý đã tập trung thảo luận những vấn đề lý luận và thực tiễn tập trung vào các vấn đề của chính sách công nghiệp quốc gia, với mục đích khắc phục tồn tại, chỉ ra nguyên nhân và thảo luận về hướng đi trong thời gian tới.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/31441002-tham-van-chinh-sach-cong-nghiep-quoc-gia-den-nam-2025-tam-nhin-2035.html