Thăm Trung Quốc, thuốc thử của Duterte

Tổng thống Duterte được xem là có nhiều thay đổi so với người tiến nhiệm, nhất là về chính sách đối ngoại của Phillipines.

Tổng thống Phillipines Rodrigo Duterte có chuyến viếng thăm ba ngày tới Trung Quốc từ ngày 18/10 - một chuyến công du được giới quan sát đặc biệt quan tâm khi nó được xem là sự kiện thể hiện việc định hình lại quan hệ Phillipines – Trung Quốc sau khi Manila có chính phủ mới.

Từ khi lên nắm quyền cách đây hơn 3 tháng, Tổng thống Duterte được xem là có nhiều thay đổi so với người tiến nhiệm, nhất là về chính sách đối ngoại của Phillipines. Với những phát biểu và hành động của mình, Tổng thống Duterte được xem là “gần Trung xa Mỹ”.

Tuy nhiên, đến lúc này chưa thể khẳng định chiến lược ngoại giao mới của Phillipines đã thành hình và “gần Trung xa Mỹ” vẫn chỉ là những dự đoán của giới phân tích mà thôi. Vì vậy, qua cuộc viếng thăm Trung Quốc lần này của ông Duterte, chính sách ngoại giao mới của Phillipines sẽ có thể nhận diện được.

Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ có bài test đầu tiên với ngoại giao nước lớn, một yếu tố quan trọng cho việc định hình chiến lược đối ngoại mới cho Phillipines. Ảnh : Inquirer

Theo cá nhân người viết thì qua thứ tự những vấn đề ưu tiên trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Duterte có thể nhận diện chiến lược đối ngoại mới của Phillipines độc lập tự chủ hay bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh nước lớn.

Nếu Philippines – Trung Quốc tập trung vào lợi ích kinh tế, Manila có thể ngoại giao độc lập tự chủ

Tổng thống Duterte bị cho là đã đánh đổi lợi thế của Phillipines có được sau phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/7 về tranh chấp giữa Phillipines và Trung Quốc tại Biển Đông, lấy lợi ích kinh tế từ Trung Quốc.

Và những động thái của Phillipines trước chuyến thăm cho thấy dường như Manila chọn lợi ích kinh tế hơn là đặt nặng vấn đề chủ quyền đối với lãnh thổ đang tranh chấp với Bắc Kinh. Điều này đã, đang và sẽ khiến cho Manila bị chỉ trích là “gần Trung xa Mỹ”.

Tuy nhiên, bản chất sự việc không hẳn như vậy. Thứ nhất, Manila không tuyên bố từ bỏ chủ quyền mà chỉ gác lại vấn đề tranh chấp. Có thể thấy, nếu theo đuổi việc phải giải quyết rạch ròi thì Manila sẽ mất đi nhiều lợi ích, bởi một kết quả rạch ròi chưa biết khi nào mới có được.

Thứ hai, Manila vẫn đảm bảo được giá trị phán quyết của Tòa Trọng tài làm bảo bối để giữ vị thế của mình trước Bắc Kinh. Điều đó khiến cho lợi ích của Phillipines có thể được khai thác tối đa mà chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc không phải đánh đổi.

Hợp tác và chia sẻ lợi ích kinh tế với Bắc Kinh có thể nhận diện là sự lựa chọn hợp lý nhất với Manila trong thời điểm hiện tại. Lựa chọn đó không buộc Phillipines phải định hình lại quan hệ với Bắc Kinh khi thời gian nắm quyền của chính phủ mới chưa đủ cho việc đó.

Lựa chọn đó cũng khiến cho Bắc Kinh giảm áp lực đối đầu với Phillipines khi mà lợi thế sau pháp quyết của Tòa Trọng tài đang thuộc về Manila. Lựa chọn hợp tác kinh tế giữa Manila và Bắc Kinh có thể khiến cho xung đột tại Biển Đông giảm nhiệt.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tham-trung-quoc-thuoc-thu-cua-duterte-3320783/