Thâm trầm nhà rường xứ Huế

Khái niệm gọi riêng 'rường' từ 'rường cột' mà ra. Nhà rường là ngôi nhà gồm hệ thống cột kèo gỗ dựng theo quy chuẩn tâm đối xứng vững chãi và phong nhã. Nhà rường Huế là hiện thân của nét văn hóa xem trọng nơi ở, thờ tự, tín ngưỡng và tâm hồn của người Huế. Mỗi kỳ festival, Huế đều dành vị trí trang trọng trưng bày và giới thiệu với du khách quốc tế một nếp sống đặc trưng 'rất Huế' trong những ngôi nhà rường.

Một nghệ nhân làm nhà rường bên ngôi nhà mới dựng của mình. Ảnh: TTH

Một nghệ nhân làm nhà rường bên ngôi nhà mới dựng của mình. Ảnh: TTH

Thăm ngôi nhà rường nổi tiếng nhất xứ Huế bên bờ sông Hương, nhà vườn An Hiên, chúng tôi không khỏi trầm trồ trước không gian cổ kính, u hoài rất đặc trưng của cố đô kinh kỳ. Từ ngoài hàng rào cây xanh mát bước qua cổng vào nhà, hai bên lối đi là cây trái bốn mùa sum suê toàn là cây của chủ nhân tuyển chọn, tự trồng và tồn tại cùng với ngôi nhà. Mỗi cây có một tích chuyện liên quan đến dòng họ nhiều đời sống trong ngôi nhà này.

Ở giữa là tấm bình phong che chắn cho chính diện ngôi nhà. Trước sân là hồ sen trắng ngát hương. Và ngôi nhà thật nhỏ, lút vào bóng cây xanh. Những rường cột đen bóng, mái nâu trầm và trong nhà bài trí những di vật của chủ nhân, đặc biệt không có bóng dáng của đồ tiêu dùng hiện đại nhằm lược bỏ đi áp lực của đời sống. Quả thật, xứ Huế với sự hiện diện của những ngôi nhà rường là nơi ngưng đọng thời gian, là vốn truyền thống quý báu mà người Huế muốn khoe với bạn bè quốc tế.

Nhà vườn An Hiên của một nhân sĩ trí thức tên là Đào Thị Xuân Yến, là người có công với cách mạng. Bà là một phụ nữ Huế từng là Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới và là đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam và đã mất năm 1997. Cho đến nay, ngôi nhà của bà dường như nổi tiếng hơn cả chủ nhân vì đây là điểm tham quan đứng đầu danh mục di sản vật thể của Huế, rất nhiều du khách thường xuyên ghé thăm. Ngôi nhà rường kiểu Huế rất nhiều lần được chọn cho bối cảnh một bộ phim Việt Nam công chiếu tại nước ngoài, nên du khách quốc tế thường không thể bỏ qua việc ghé thăm nếp nhà cổ đặc sắc này, đồng thời muốn tìm hiểu nét Huế, tâm hồn người dân cố đô thông qua nếp nhà rường.

Trước hết, ngôi nhà rường là biểu hiện của nếp sống người Huế, thói quen tiêu dùng giản dị, nhỏ bé. Xuất phát từ triều đại nhà Nguyễn với những quy ước khắt khe về nhà ở của dân chúng không được xây dựng lớn như cung điện, không được quy mô hơn nhà ở của vua, quan. Nếp nhà cũng có thứ tự, lớn nhỏ theo địa vị xã hội. Vì thế, dù là người giàu có hay quan lại triều đình, nếp nhà rường từ xa nhìn lại là biết vị trí của chủ nhân. Các ngôi nhà rường còn lại đến ngày nay đều rất nhỏ, hẹp, không phải là nhà lớn, bề thế và khoe sự giàu sang, quý tộc.

Với người Huế, sự khiêm nhường được đề cao hơn cả và nếp nhà của họ cũng vậy. Vua Minh Mạng - một vị vua quyền thế và coi trọng văn hóa cổ truyền quy định những ngôi nhà bên ngoài đại nội dù có là nhà của phú hộ cũng không được xây dựng quá 3 gian, 2 chái. Điều đáng nói là dù đạo luật này có được dỡ bỏ sau đời vua Minh Mạng, nhưng thói quen sinh hoạt, ăn ở trong ngôi nhà rường của người Huế vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Họ xây nhà nhỏ, vật liệu xây dựng thông dụng tránh xa hoa, ăn nói đi lại khẽ khàng trong các nếp nhà thâm trầm và rất ngại ồn ào, ưa khép kín và không cởi mở.

Ngoài hệ thống cột kèo rất ấn tượng theo số chẵn của ngôi nhà rường, thường từ 56 cột trở lên, hệ thống cửa chính ngôi nhà là nét đặc trưng. Khi đi vào nhà từ ngõ, thường có bình phong, hoặc hồ sen làm bình phong theo phong thủy. Thường không thể từ ngõ mà bước vào chính diện nhà ngay được. Hệ thống cửa chính mở nghiêng cánh để đón gió và lưu chuyển không khí trong nhà. Phía trong, các rường cột phân chia các phần công năng nhà và quan trọng nhất vẫn là bàn thờ gia tiên và bộ đồ bàn ghế, tủ phù hợp.

Vì thế mới nói không gian nhà rường không chỉ là xác ngôi nhà gỗ toàn cột kèo, mà là đời sống con người trong đó nhiều thế hệ. Nếp ăn ở sinh hoạt mỗi một mùa một khác, mùa Hè đón gió, mùa Thu đón nắng và mùa Đông che ấm. Hoa sen gắn bó với ngôi nhà rường đến nỗi mỗi nhà đều không thể thiếu được hồ sen đi kèm. Một du khách nước ngoài từng thốt lên khi đến thăm một ngôi nhà rường: “Tôi cảm thấy ngôi nhà đẹp như một bài thơ, không những đẹp mà gợi cho chúng ta suy nghĩ về cách sống gần gũi với thiên nhiên - xu hướng tiến đến của không gian sống hiện đại với thiết kế nhà và vườn gắn liền không tách rời”.

Bên trong một ngôi nhà rường của gia đình người Huế. Ảnh: TTH

Bên trong một ngôi nhà rường của gia đình người Huế. Ảnh: TTH

Sở dĩ những nếp nhà rường rất bền theo thời gian vì nhà được dựng bằng tổ hợp cột, kèo, xuyên, xà đòn liên kết chặt chẽ và ráp nối bằng mộng chắc chắn. Hầu hết các ngôi nhà đều có hướng Nam và các cột, chái trong nhà gọi tên gắn liền với hướng Đông và Tây. Chính giữa ngôi nhà chỉ dành để thờ tự và nơi sinh hoạt của đàn ông. Hai chái mới là nơi ở của phụ nữ. Đây cũng là nếp sống ảnh hưởng đến cách sinh hoạt gia đình, thể hiện rõ tư duy phong kiến, trọng đàn ông còn lại ở đất cố đô. Đây cũng là khía cạnh để rất nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật khai thác khi đề cập đến nét văn hóa riêng của xứ Huế - mảnh đất cho đến nay vẫn còn đậm chất kinh kỳ cố đô của Việt Nam.

Với những phát triển mạnh mẽ của đời sống du lịch, thành phố Huế khuyến khích người dân trồng mai vàng trong không gian sống để phục dựng lại văn hóa Huế xưa. Những nếp nhà rường ngày càng được xây dựng nhiều hơn để làm nhà hàng, quán cà phê, tao đàn, nhà ở, thậm chí là không gian chia sẻ cộng đồng. Cùng với đó, nếp sống kiểu Huế cũng được coi trọng và bảo tồn. Rất nhiều hạng mục của văn hóa Huế lấp lánh sau nếp nhà rường đang được phục hưng như hình ảnh sen Huế, áo dài Huế, không gian văn hóa đôi bờ sông Hương, làng nghề Huế... tạo nên tổ hợp văn hóa truyền thống cố đô đặc sắc.

Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tham-tram-nha-ruong-xu-hue-post440394.html