'Thâm Tâm đi xa nhưng tư tưởng còn mãi'

Dù đã đi xa hơn nửa thế kỷ nhưng tư tưởng của Thâm Tâm còn mãi. Hôm nay ra mắt sách của Thâm Tâm nhưng chúng ta không chỉ nói về tác phẩm của ông mà nhìn lại giá trị văn chương để người cầm bút trẻ thấy cần có lương tri, trách nhiệm với xã hội. Mặc dù sống trong thời chiến tranh, loạn lạc, đói rét nhưng ông và các thế hệ nhà văn cùng thời với ông đã làm nên trang sử văn chương lộng lẫy và đầy thi vị.

Đó là chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội văn Việt Nam trong lễ ra mắt sách của cố nhà thơ Thâm Tâm tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, sáng 10/5.

Sự kiện ra mắt sách của nhà thơ Thâm Tâm do gia đình nhà thơ Thâm Tâm phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Đây được coi là nỗ lực lớn không chỉ của gia đình nhà thơ mà còn của các văn nghệ sĩ nhằm góp phần đưa các tác phẩm văn học của Thâm Tâm đến với đông đảo bạn đọc.

Nhà thơ - liệt sĩ Thâm Tâm tên khai sinh là Nguyễn Tuấn Trình, sinh ngày 12/5/1917 tại thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương), tỉnh Hải Dương. Ông mất ngày 18/8/1950 trên đường đi công tác ở chiến khu Việt Bắc, được đồng đội và nhân dân địa phương mai táng tại bản Pò Noa, xã Phi Hải, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Cố nhà thơ được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 2 năm 2007.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ tại buổi lễ.

Các tác phẩm văn xuôi mới sưu tầm của nhà thơ Thâm Tâm ra mắt dịp này gồm: “Truyện ngắn Thâm Tâm”, “4 truyện cổ tích” và tập truyện ngắn chọn lọc “Tháng ba sấm đông” (NXB Văn học), “Thâm Tâm truyện vừa” (NXB Quân đội Nhân dân). Bên cạnh đó, NXB Lao động và Công ty Linh Lan liên kết ấn hành bộ ba tuyển truyện ngắn: “Gió thu hoa cúc gẩy rồi”, cùng hai tiểu thuyết “Thuốc mê”, “Nỗi ân hận dài”; NXB Kim Đồng ấn hành bộ truyện thiếu nhi gồm ba cuốn: “Hai cây hoa nhài” (tập truyện cổ tích), “Thuồng luồng ở nước” (tập truyện dã sử) và “Con rùa đội vẹt” (tập truyện đồng thoại).

Ông Nguyễn Tuấn Khoa, con trai cố nhà thơ Thâm Tâm chia sẻ tại buổi lễ.

Xúc động với lễ ra mắt trang trọng, ấm cúng với sự góp mặt của nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà báo và những người yêu mến Thâm Tâm, ông Nguyễn Tuấn Khoa, con trai cố nhà thơ cho biết: "Tôi lớn lên mà không biết mặt cha. Trong những ngày sưu tầm và đọc các tác phẩm của cha mình, tôi vẫn tưởng tượng thấy ông đang ngồi bên ngọn đèn vàng viết trong đêm. Thật tình cờ, khi lật giở đến tờ Tiểu thuyết thứ bảy số 488, ngày 20/11/1943, tôi đã gặp hình minh họa đúng như trong tưởng tượng về cha tôi, bên một bài thơ có tên "Viết đêm" với hai câu thơ cuối: "Hoa đèn không hiểu lòng trang giấy/ Soi mãi trên bàn cái vắng teo".

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Khoa, từ năm 1999, nhà phê bình văn học Văn Giá đã sưu tầm được khá nhiều truyện và kịch của Thâm Tâm đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy, lưu trữ trên microfilm, mang bản in từ Thư viện Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, tiếp cận với gia đình và tiến hành số hóa, xuất bản “Truyện ngắn Thâm Tâm” gồm 38 truyện và kịch ngắn vào năm 2000.

"Trong suốt ba năm qua, được sự giới thiệu của nhiều nhà văn, gia đình tôi đã tiếp cận được cơ sở dữ liệu số hóa ảnh bộ Tiểu thuyết thứ Bảy tại Thư viện Quốc gia Việt Nam và bộ Phổ thông bán nguyệt san Truyền bá, Tuổi trẻ của Thư viện Quốc gia Pháp, tải về được bản ảnh của nhiều số Tiểu thuyết thứ Bảy và Truyền bá.

Gia đình cũng liên hệ với một số nhà sưu tầm trong và ngoài nước và đã mua được một số lượng khá lớn bản gốc Tiểu thuyết thứ Bảy, Tiểu thuyết thứ Bảy Nguyệt san, Truyền bá, Sách của Tân Dân", ông Nguyễn Tuấn Khoa bộc bạch.

Cuốn sách "Truyện ngắn Thâm Tâm" do gia đình cố nhà thơ sưu tầm.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, nói đến Thâm Tâm là nói đến một nhà thơ nổi bật, trong đó "Tống biệt hành" là một tác phẩm độc bản (tức là không có bản thứ hai). "Tống biệt hành" tách ra khỏi văn chương đương thời và cũng tách ra khỏi phong cách thơ của Thâm Tâm. "Ông không chỉ làm thơ mà còn viết văn. Mới đây, tôi đọc tiểu thuyết "Thuốc mê" của ông thì thấy đó là cách viết ngắn gọn, theo lối văn chương hiện đại hôm nay chúng ta đang hướng tới", ông nhấn mạnh.

Là người đồng hành cùng gia đình nhà thơ Thâm Tâm trong việc sưu tầm tác phẩm của cố nhà thơ, nhà văn Văn Giá nhấn mạnh: "Công việc sưu tầm, tìm kiếm các tác phẩm của Thâm Tâm rất tốn kém, mất thời gian, công sức nhưng bằng tấm lòng hiếu đễ, gia đình đã và đang làm. Có thể nói, gia đình đã làm thay công việc của Hội Nhà văn Việt Nam. Công việc tìm kiếm và sưu tầm những tác phẩm của Thâm Tâm vẫn được tiếp tục với hy vọng sẽ tiếp cận được thêm những sáng tác của ông trong giai đoạn 1939-1945, cũng như trong thời gian ngắn ngủi sau Cách mạng Tháng Tám".

Cho tới thời điểm hiện tại, được sự giúp sức của nhiều cá nhân, tổ chức; gia đình nhà thơ Thâm Tâm đã sưu tầm được 83 truyện ngắn và 29 kịch ngắn trên Tiểu thuyết thứ Bảy (từ 1939 đến 1944), 27 truyện vừa đăng trên Truyền bá, cùng 2 tiểu thuyết “Thuốc mê” và “Nỗi ân hận dài” do Tân Dân xuất bản. Ngoài ra, gia đình còn sưu tầm thêm được một số bài thơ của Thâm Tâm trong các ấn phẩm này.

Cũng trong mấy năm qua, gia đình cố nhà thơ đã xây dựng trang website: thamtamnet.vn, đưa lên tất cả những tác phẩm văn thơ của Thâm Tâm, cùng các chuyên mục về: Tiểu sử, bình luận, kỷ niệm, các tác phẩm thơ, truyện, kịch của Thâm Tâm; Thâm Tâm và những người bạn (Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Thâm Tâm và TTKh); các sáng tác văn học nghệ thuật về Thâm Tâm; di bút và di ảnh, hình ảnh đồng đội và quê hương Hải Dương, Cao Bằng và Hà Nội có liên quan đến Thâm Tâm…

Ngô Khiêm

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/tham-tam-di-xa-nhung-tu-tuong-con-mai-i692964/