Thảm sát Mỹ Lai: nhìn lại ký ức kinh hoàng

"Đó không phải là sự thật. Không thể tin nổi chuyện như vậy đã xảy ra. Nhiều người Mỹ đã thảng thốt kêu lên, nhưng đó là sự thật" - Ronald Haeberle.

Chiến tranh đã kết thúc từ lâu. Một thế hệ đã được sinh ra, lớn lên sau chiến tranh. Những nhân chứng của cuộc chiến Việt - Mỹ đang sống những năm tháng tuổi già. Việt Nam đang hòa bình và phát triển.

Đâu đó, có lúc tưởng như người ta đã quên chiến tranh đã từng xảy ra ở đây. Nhưng với người dân làng Sơn Mỹ, Quảng Ngãi thì nỗi đau vẫn còn nguyên vẹn. Cuộc thảm sát 504 thường dân ở đây tưởng như vừa mới xảy ra hôm qua, vẫn đọng trên những mi mắt nhăn nheo nhòa lệ, trên những đôi tay thương tật, và những tấm bia tang tóc vương vất trong làng.

"Tôi ở đó. Tôi là một trong họ. Tôi có tội như mọi người khác"

Đó là tiêu đề bài phỏng vấn cựu quân nhân - phóng viên ảnh quân đội Ron Haeberle do phóng viên Evelyn Theiss thực hiện, được xuất bản trên tạp chí Cleveland Plain Dealer ngày 20/11/2009.

Cũng chính tạp chí Plain Dealer là một trong những tờ báo đầu tiên đăng những bức ảnh bi thương của Ron Haeberle 42 năm về trước. Một cuộc thảm sát thường dân man rợ, một phần sự thật cuộc chiến tại Việt Nam của quân đội Hoa Kỳ dần được hé mở.

Ronald Haeberle tại khu chứng tích Sơn Mỹ ngày 23/10/2011. Ảnh Hoàng Hường

Sáng 16/3/1968, một nhóm lính Mỹ đổ bộ xuống thôn Mỹ Lai, Sơn Mỹ trong một cuộc tiến công 'càn quét Việt Cộng'. Khoảng 140 lính Mỹ, chủ yếu ở hai trung đội Charlie, Bravo và Anphal dưới sự chỉ huy của đại tá Ernest Medina cùng lúc đổ bổ xuống các thôn Mỹ Lai, Mỹ Hội, Bình Tây đồng loạt gây ra một cuộc thảm sát man rợ xuống người dân.

Ngay khi đổ bộ xuống, lính Mỹ bắt đầu bắn phá điên cuồng vào mọi mục tiêu: người lớn, trẻ em, gia súc. Trong vòng bốn tiếng đồng hồ, quân Mỹ đã giết chết 504 thường dân, hầu hết là phụ nữ, người già và trẻ em. Những người lính quân đội Việt Nam (Việt Cộng) trên thực tế lúc đó ở cách Mỹ Lai 240km.

Trực tiếp chỉ huy đại đội Charlie, đại đội khát máu nhất đã giết chết hơn 300 người dân ở Mỹ Lai là trung úy William Calley ra lệnh 'giết sạch, đốt sạch' những gì thấy trong làng. (Sau này sự việc bị phanh phui, William Calley là người duy nhất bị ra tòa án binh và chịu 3 năm quản thúc tại gia).

Vụ thảm sát Mỹ Lai trên tạp chí Life. Ảnh Ronald Haeberle

16 tháng sau sự kiện Mỹ Lai, mọi việc vẫn được bưng bít. Chỉ đến khi nhà báo tự do Seymour Hersh nói chuyện với Ron Ridenhour, một cựu quân nhân trong đại đội Charlie. Seymour Hersh tiến hành điều tra và đưa vụ việc động trời ra ánh sáng. Ông gửi rất nhiều thư cho các quan chức chính phủ Hoa Kỳ đề nghị điều tra về một 'vụ việc đẫm máu và đen tối' xảy ra tại Làng Hồng (Pinkville - là tên địa danh của quân đội Hoa Kỳ đặt cho khu vực Mỹ Lai).

Bản thân Seymour Hersh cũng tiến hành một cuộc điều tra độc lập. Tháng 9/1969, 3 tờ báo lớn của Mỹ Time, Newsweek,Cleveland Plain Dealer và sau này là Life đồng loạt đăng loạt bài điều tra của Seymour Hersh, có hình minh họa của Ron Haeberle, một phóng viên quân đội cũng có mặt trong đại đội Charlie ngày 16/3/1968.

Seymour Hersh sau này đoạt giải Pullizer cho loạt phóng sự.

Vụ thảm sát Mỹ Lai trên tờ Cleveland Plain Dealer, Ảnh Ronald Haeberle

Trở lại Mỹ Lai

Ron Haeberle không phải là nhà báo chuyên nghiệp. Khi đó ông là một quân nhân tập sự, được đi theo đại đội Charlie làm nhiệm vụ chụp ảnh những xác chết, để phục vụ việc báo cáo thành tích 'diệt Việt Cộng' của quân đội, và cung cấp hình ảnh cho tờ Stars and Stripes của quân đội Mỹ.

Vào buổi sáng định mệnh đó, Ron Haeberle đi trên trực thăng tới Mỹ Lai. Ông mang theo hai chiếc máy ảnh: một chiếc Laika chụp phim đen trắng để nộp cho quân đội; và một chiếc máy ảnh Nikon riêng của ông chụp phim màu.

Việc làm thế nào Ron Haeberle 'qua mặt' được quân đội Mỹ để mang được riêng chiếc máy ảnh Nikon và những tấm phim màu về tráng rửa, cất giữ, để rồi một năm sau gây ra cơn chấn động khi công bố chúng là một đề tài được nhiều nhà báo bàn tán và thảo luận, 'học kinh nghiệm', riêng Ron rất ít nói về việc này.

Ảnh người dân Mỹ Lai bị thảm sát sáng 16/3/1968, Ảnh Ronald Haeberle

Sau khi nhà báo Seymour Hersh đăng bài viết đầu tiên trên một tờ báo nhỏ, trước đó rất nhiều báo đã từ chối đăng câu chuyện 'không mấy thuyết phục' của ông. Ron Haeberle quyết định gọi điện cho một người bạn, Joe Eszterhas, từng làm biên tập viên của tờ The Plain Dealer nói: ông có những bức ảnh về Mỹ Lai.

Khi những bức ảnh đầu tiên được đăng, nhiều người Mỹ thậm chí không dám tin vào sự thật. Những 'người hùng' quân đội Mỹ bỗng chốc trở thành những tên sát nhân man rợ. Một cuộc điều tra quy mô lớn trong quân đội Mỹ do tướng William Peers thực hiện kéo dài ba tháng.

Bản thân Ron Haeberle bắt đầu trải qua những cuộc phỏng vần dài qua nhiều thập kỷ, bắt đầu từ quân đội Mỹ. Ông trở thành nhân chứng quan trọng của một trong vụ việc tai tiếng nhất lịch sử quân đội Hoa Kỳ.

Một chứng tích còn lại của Sơn Mỹ, Ảnh Hoàng Hường

Ngày 23/10/2011 vừa qua, Ron Haeberle trở lại Sơn Mỹ, thăm lại chiến trường xưa và nơi vụ thảm sát xảy ra. Cùng đi với ông có Việt kiều Trần Văn Đức, một trong những nạn nhân sống sót của Mỹ Lai. Trần Văn Đức chính là một nguyên nhân của chuyến đi này của ông. (Tôi sẽ đề cập đến phần này trong những bài sau)

Trong chuyến đi Ron Haeberle đã quay lại làng Mỹ Lai, nơi ông chụp những bức ảnh, làng Mỹ Hội, Bình Tây và Đức Phổ, nơi ông đóng quân.

Kỳ tới là bài phỏng vấn Ron Haeberle, về những chuyện xảy ra tại Sơn Mỹ do ông trực tiếp 'mắt thấy, tai nghe'.

Kỳ 2: Buổi sáng định mệnh qua hồi ức Ron Haeberle

Nguồn TuanVietNam: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-11-01-tham-sat-my-lai-nhin-lai-ky-uc-kinh-hoang