Thẩm quyền thu hồi và giao rừng

* Ông Nguyễn Văn Phước (ngụ ấp 5, xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) hỏi: 'Nhà nước thu hồi rừng trong trường hợp nào và chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp ra sao?'.

- Ông Nguyễn Bá Lộc, Trưởng bộ phận pháp chế Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho hay, tại Khoản 1, Điều 22, Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định, Nhà nước thu hồi rừng trong các trường hợp sau đây: chủ rừng sử dụng rừng không đúng mục đích, cố ý không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về lâm nghiệp; chủ rừng không tiến hành hoạt động bảo vệ và phát triển rừng sau 12 tháng liên tục kể từ ngày được giao, được thuê rừng, trừ trường hợp bất khả kháng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận; chủ rừng tự nguyện trả lại rừng; rừng được Nhà nước giao, cho thuê khi hết hạn mà không được gia hạn; rừng được giao, được thuê không đúng thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng; chủ rừng là cá nhân khi chết không có người thừa kế theo quy định của pháp luật; các trường hợp thu hồi đất có rừng khác theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Còn về chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp, ông Lộc nhấn mạnh, Nhà nước có chính sách đầu tư và huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động lâm nghiệp gắn liền, đồng bộ với chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoạt động lâm nghiệp. Nhà nước tổ chức, hỗ trợ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng sản xuất; giống cây trồng lâm nghiệp, phục hồi rừng, trồng rừng mới; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; thực hiện dịch vụ môi trường rừng; trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn; kết cấu hạ tầng; quản lý rừng bền vững; chế biến và thương mại lâm sản; hợp tác quốc tế về lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; sản xuất lâm nghiệp hữu cơ; bảo hiểm rừng sản xuất là rừng trồng. Nhà nước bảo đảm cho đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng được giao rừng gắn với giao đất để sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; được hợp tác, liên kết bảo vệ và phát triển rừng với chủ rừng, chia sẻ lợi ích từ rừng; được thực hành văn hóa, tín ngưỡng gắn với rừng theo quy định của Chính phủ.

Đoàn Phú (ghi)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202007/tham-quyen-thu-hoi-va-giao-rung-3015330/