Tham nhũng quyền lực, chậm xử lý thì nguy hại khủng khiếp

Trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, việc lãnh đạo tập đoàn kinh tế Nhà nước bổ nhiệm người nhà vào vị trí 'nhạy cảm' ở doanh nghiệp mình phụ trách là biểu hiện của tham nhũng quyền lực.

Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, để ngăn chặn được các vụ sai phạm trong bổ nhiệm người nhà trái quy định thì phải có sự giám sát của công chúng, dư luận và báo chí

Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, để ngăn chặn được các vụ sai phạm trong bổ nhiệm người nhà trái quy định thì phải có sự giám sát của công chúng, dư luận và báo chí

- PV: Ông đánh giá thế nào về việc Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Nguyễn Anh Dũng đưa vợ, em ruột, người nhà vào làm “sếp” tại vị trí “nhạy cảm” ở các đơn vị thuộc Tập đoàn này?

- ĐBQH Lê Thanh Vân: Bổ nhiệm người nhà vào các chức danh quan trọng, các vị trí “nhạy cảm” tại doanh nghiệp, đơn vị Nhà nước do chính mình làm lãnh đạo là biểu hiện của tham nhũng quyền lực, đó là gốc rễ của tham nhũng. Khi người lãnh đạo cố tình phớt lờ các quy định pháp luật để đưa người nhà của mình vào làm “sếp” ở các vị trí như tổ chức, tài chính, kế toán… tại doanh nghiệp do mình quản lý, sẽ tạo cơ hội để câu kết cục bộ, tạo vây cánh và rất có thể sẽ xảy ra hành vi tham nhũng, biến của công thành của riêng, biến doanh nghiệp Nhà nước thành gia đình trị.

Đó là chưa kể việc bổ nhiệm cán bộ là người nhà trái quy định như vậy sẽ tước đi cơ hội phấn đấu của những người có năng lực, dễ xảy ra tình trạng bổ nhiệm người không thực sự đủ năng lực, không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, từ đó dễ dẫn tới nhiều sai phạm trong quá trình hoạt động.

- Thời gian qua, không ít doanh nghiệp Nhà nước đã bị phát hiện sai phạm về kinh tế gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, cũng không ít trường hợp sai phạm trong bổ nhiệm người nhà trái quy định mà mới nhất là vụ việc ở Vinachem. Phải chăng đang có những lỗ hổng về chính sách quản lý lĩnh vực này, thưa ông?

- Để xảy ra các sai sót, trước hết là do chính người đứng đầu doanh nghiệp cố tình vi phạm, sau đó là trách nhiệm quản lý của Bộ chủ quản doanh nghiệp đó. Còn quy định của pháp luật trong lĩnh vực này đã có khá đầy đủ. Luật Công chức, viên chức và một số luật liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Phòng chống tham nhũng… đều có các quy định cụ thể để hạn chế bổ nhiệm người nhà, người thân vào các vị trí “nhạy cảm” trong đơn vị do mình quản lý.

Chẳng hạn, Luật Phòng chống tham nhũng quy định: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đó…

Cũng phải thấy rằng, việc bổ nhiệm cán bộ ở các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước hiện nay được phân cấp. Người đứng đầu các tập đoàn, doanh nghiệp có quyền bổ nhiệm, còn cơ quan chủ quản có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc bổ nhiệm này. Thế nên, nếu ở dưới bổ nhiệm cán bộ nhưng không báo cáo lên, cố tình “giấu giếm” bổ nhiệm cán bộ trái quy định thì bộ ngành chủ quản cũng khó biết ngay được.

- Như ông nói là quy định pháp luật đã có nhưng nhiều trường hợp vẫn cố tình vi phạm, phải chăng biện pháp xử lý với các sai phạm này chưa đủ sức răn đe?

- Đúng là trước đây, những sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ trái quy định tại các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước còn chưa được xử lý nghiêm. Tham nhũng quyền lực, lạm dụng quyền lực là hết sức nguy hiểm, có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp, nên cần phải xử lý thật nghiêm, cả người bổ nhiệm sai lẫn người được bổ nhiệm sai đều phải xử lý.

Cụ thể, với người lãnh đạo của tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước bổ nhiệm người nhà trái quy định thì tùy mức độ mà Bộ chủ quản của tập đoàn đó phải thanh tra, xử lý đúng người, đúng tội theo quy định pháp luật. Những người được bổ nhiệm không đúng quy định phải bị rút lại các quyết định bổ nhiệm.

Trong vụ việc ở Vinachem, Bộ Công Thương đã yêu cầu bãi bỏ các quyết định bổ nhiệm cán bộ trái quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, như thế là hợp lý.

- Vậy theo ông, giải pháp nào để ngăn chặn được các vụ sai phạm tương tự có thể xảy ra ở các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian tới?

- Trước hết, cần phải rà soát, xem xét lại các quy định pháp luật trong lĩnh vực này để xem còn có kẽ hở nào mà các đối tượng có thể lợi dụng thì sớm “rào kín lại”. Thứ hai, cần tăng cường trách nhiệm cá nhân theo hướng quyền hạn phải đi đôi với trách nhiệm, nếu sai phạm xảy ra ở đơn vị nào thì người đứng đầu đơn vị đó phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

Thứ ba, phải tăng cường trách nhiệm giám sát và hoạt động kiểm tra của cấp trên với cấp dưới, của cơ quan chủ quản với các tập đoàn, doanh nghiệp trực thuộc. Điểm nữa rất quan trọng là phải đảm bảo và phát huy quyền dân chủ ở cơ sở, để chính những người cán bộ tại cơ sở dám lên tiếng khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ có sai phạm. Cuối cùng, phải có sự giám sát của công chúng, dư luận và báo chí.

Trên thực tế, các Bộ chủ quản hàng năm đều có kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ với các hoạt động của đơn vị thuộc mình quản lý. Việc kiểm tra đột xuất cũng được thực hiện khi cơ quan chủ quản hay các cơ quan quản lý phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Song vấn đề là ai phát hiện ra các dấu hiệu vi phạm đó, việc phát hiện ra sớm hay muộn… Nhìn lại các vụ việc vừa qua cho thấy, đa số vụ việc vi phạm trong hoạt động kinh doanh hay bổ nhiệm cán bộ ở các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước bị phát hiện là do có đơn thư khiếu nại tố cáo từ cơ sở, do dư luận, báo chí nêu ra trước.

Tiến Hưng (Thực hiện)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/tham-nhung-quyen-luc-cham-xu-ly-thi-nguy-hai-khung-khiep/742765.antd