Tham luận “Đảng luôn quan tâm và dõi theo báo chí”

(CL)- Nhà báo là công cụ của Đảng, thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Đảng- điều thể hiện rõ trong tham luận của ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí- Xuất bản- Ban Tuyên giáo TW

>> Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo “Tình hình hành hung, cản trở nhà báo đang tác nghiệp” Tham luận của ông Hùng nhấn mạnh tính chất công vụ của hoạt động báo chí Nói về một tác phẩm báo chí, người đầu tiên bạn đọc nhớ đến là nhà báo. Họ chính là một thành tố quan trọng, đầu tiên để làm nên tác phẩm báo chí. Trong các di sản tinh thần để lại cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ của dân tộc, của Đảng, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bài nói, bài viết về nghề làm báo, trong đó Người đánh giá vai trò của báo chí cách mạng, về những người làm báo; giáo dục chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho người cầm bút - những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Bác từng nói: “ Tờ báo chỉ là giấy trắng, mực đen mà thôi. Nhưng, với những giấy trắng, mực đen ấy, người ta có thể viết những tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương”. Người cũng nói: “ Văn hóa là một mặt trận. Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy cũng là vũ khí của họ…Ngòi bút của các bạn cũng là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà.” . Về cách viết (phương pháp luận trong tác nghiệp), Bác dặn những người làm báo: “ Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chưa nói, chưa viết”. Tóm lại, với nghề báo, Bác đã để lại những lời khuyên răn sâu sắc, cụ thể, thiết thực, dễ hiểu và vận dụng. Trên thực tế đã có rất nhiều nhà báo thành danh nhờ truy rèn nghề nghiệp theo chỉ dẫn của Bác. Để tạo điều kiện tốt nhất cho nhà báo hoạt động, song hành với Luật báo chí, Đảng đã ban hành một hệ thống các văn bản về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí. Nó được coi là cơ sở pháp lý quan trọng cho quá trình tác nghiệp, hành nghề của các nhà báo. Nội dung chủ yếu của các văn bản của Đảng toát lên các tinh thần như: Đảng thống nhất và trực tiếp lãnh đạo công tác báo chí; thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí. Đảng định hướng nội dung thông tin tuyên truyền trên báo chí thông qua các cơ quan tham mưu của Đảng, trên cơ sở theo dõi toàn diện mọi hoạt động báo chí. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quy định về việc chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nội dung thông tin của báo chí.( Ban hành kèm theo Quyết định số 157- QĐ/TƯ ngày 29/4/2008) nhằm định hướng báo chí thông tin đúng đắn, chính xác, kịp thời các vấn đề chính trị, tư tưởng theo quy định của pháp luật và quy định của Đảng, phù hợp với lợi ích của đất nước, của Đảng. Văn bản đó giải thích rõ các khái niệm, như “vấn đề quan trọng”, “phức tạp, nhạy cảm” theo cách định tính, định lượng để những người làm báo dễ hiểu hơn khi tiếp cận thông tin và xử lý thông tin đăng, phát trên báo chí. Quan điểm của Đảng về báo chí cách mạng được thể hiện rõ và sâu sắc trong nhiều văn bản, chỉ thị. Đảng quan tâm đến nhà báo ở việc định hướng thông tin, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp; coi trọng công tác xây dựng đảng trong các cơ quan báo chí. Thông qua hội nghị, hội thảo, các cuộc giao ban báo chí, giao ban cơ quan chủ quản báo chí hàng tuần, tháng quý, năm ở các quy mô khác nhau để đánh giá cụ thể những mặt tích cực, hạn chế của báo chí, thậm chí còn chỉ ra các kinh nghiệm tác nghiệp hay, bài học kinh nghiệm tác nghiệp của nhà báo thông qua những vụ việc cụ thể. (Thông báo 41-TB/TW, ngày 11/10/2006; Thông báo 162-TB/TW, ngày 1/11/2006 của Bộ Chính trị). Đánh giá về hoạt động của báo chí, Đảng khẳng định, phần lớn các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và định hướng chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; về yếu kém thường dễ xảy ra là thông tin không trung thực, không chính xác; áp đặt vô lối, suy diễn chủ quan; một số nhà báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp có thời kỳ gia tăng. Bên cạnh những thuận lợi, những năm gần đây, hoạt động tác nghiệp của các nhà báo còn gặp những khó khăn như tiếp cận thông tin, bị cản trở ở nhiều mức khác nhau: từ chối hợp tác, đe dọa tính mạng, hành hung gây thương tích, uy hiếp tinh thần, trả thù…Nhất là trên lĩnh vực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực xã hội, nhà báo phải đối mặt với hiểm nguy, trong những hoàn cảnh ấy, đôi khi người làm báo cảm thấy lo lắng, đơn thương, độc mã, mặc cảm, tủi thân khi bị chèn ép, thậm chí tấn công vô cớ. Nghề báo là một nghề vinh quang và khắc nghiệt. Vinh quang là bởi xã hội đã từng đánh giá tác động xã hội của báo chí là rất lớn. Thông tin báo chí vừa định hướng dư luận, tạo dư luận theo cả hai chiều thuận, nghịch (quyền lực thứ tư). Khắc nghiệt là ở chỗ “bút sa nhà báo chết”. Ai đó, khi đã chọn nghề báo, phải chấp nhận dấn thân, cần đủ bản lĩnh để vượt qua thách thức, hiểm nguy, thậm chí cả hy sinh tính mạng. Báo chí là công cụ tư tưởng, phương tiện để thực hiện mục tiêu chính trị của Đảng, Đảng luôn tạo mọi điều kiện để các nhà báo hành nghề, phát huy hết năng lực của mình; Đảng trân trọng những đóng góp của báo chí (cụ thể là các nhà báo) vào việc xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí ( các nhà báo) trong đời sống xã hội, đồng thời quan tâm tạo điều kiện để báo chí không ngừng phát triển. Trong các thời kỳ cách mạng, báo chí luôn là vũ khí sắc bén trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Báo chí đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sự phát triển của báo chí là một phần không tách rời của sự phát triển xã hội, là thành tựu, đồng thời là động lực to lớn của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Thông qua Hội Nhà báo, Đảng quan tâm chỉ đạo các cấp chăm lo đến đội ngũ những người làm báo như bồi dưỡng nghiệp vụ, cổ vũ tài năng sáng tạo; giáo dục, rèn luyện phẩm chất cách mạng, đạo đức nghề nghiệp; quan tâm việc bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của nhà báo, có cơ chế chính sách và có hình thức động viên, khen thưởng xứng đáng, kịp thời đối với các đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động báo chí, nhất là các đơn vị, cá nhân trực tiếp hoạt động ở những địa bàn có nhiều khó khăn, gian khổ. Nhà báo muốn tác nghiệp phải có thông tin. Ban Bí thư có văn bản chỉ đạo xác lập cơ chế thống nhất đầu mối cơ quan cung cấp tin và người phát ngôn chính thức của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành; xác lập cơ chế phát ngôn và cung cấp tin của các cơ quan thuộc khối nội chính để cung cấp thông tin về các vụ án cho báo chí; cơ chế phối hợp cung cấp thông tin và định hướng chỉ đạo tuyên truyền giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội với Ban Tuyên giáo TW, Bộ Thông tin – Truyền thông để đáp ứng nhu cầu ngày càng tốt hơn của báo chí; thể chế hóa một số quy định của Luật báo chí ( Thông báo số 72-TB/TW ngày 15/7/2002) của Ban chấp hành TW). Tuy vậy, trên thực tế, việc triển khai những quy định này chưa thật đầy đủ, nghiêm túc. Sắp tới, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng sẽ ban hành “Quy định về việc cung cấp thông tin cho báo chí sau kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương”. Theo đó, người phát ngôn các bộ, ban ngành sẽ có thêm hành lang pháp lý để thực thi chức phận của mình; nhà báo cũng có thêm một kênh thông tin quan trọng để thực hiện trách nhiệm chính trị của mình một cách thuận lợi hơn, nhất là tham gia vào công tác xây dựng Đảng ta thực sự là đạo đức, là văn minh. Vụ án PMU 18 cách đây không lâu để lại những bài học xương máu về nhiều lĩnh vực, trong đó có bài học về nghiệp vụ báo chí sâu sắc, nhớ đời. Vụ án kết thúc, có nhà báo vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp phải vào vòng lao lý. Đó là tổn thất lớn, nhưng suy cho cùng cái được cũng không nhỏ cho những người làm báo. Có ý kiến cho rằng, sau “sự cố” ấy, dường như cuộc đấu tranh chống tham nhũng trên báo chí chùng xuống, bức tranh báo chí ẩm đạm. Quả thật xét ở khía cạnh nào đấy, thực tế ấy đã bộc lộ ở một vài báo. Nhưng không, nhà báo Trần Thế Dũng, phóng viên báo Người lao động bị kẻ xấu hành hung khi đang tác nghiệp được dư luận báo chí lên tiếng, đã nói lên nhiều điều. Báo chí vẫn là lực lượng rường cột của cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống cái ác, tiêu cực vì chân, thiện, mỹ. Sát cánh cùng nhà báo Trần Thế Dũng, các cơ quan quản lý nhà nước, Hội Nhà báo VN, Ban Tuyên giáo TW đều có ý kiến đồng thuận, kiên quyết làm sáng tỏ vụ việc trên. Cho dù chưa có kết quả điều tra cuối cùng nhưng các nhà báo sẽ không bao giờ đơn độc. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn là chỗ dựa tin cậy, vững chắc để họ tựa vững khi tác nghiệp gặp khó khăn, hiểm nguy. Trộm nghĩ, nếu một ngày nào đó không còn báo chí, không còn thông tin thì con người sẽ trở lại thời kỳ mông muội. Đương nhiên điều này không thể xảy ra. Nói đến sự hy sinh thầm lặng hay cống hiến sôi nổi của những người làm báo, tôi chợt nhớ đến ý tưởng của một nhà báo muốn kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Quốc hội xem xét nên có một hình thức khen thưởng nào đó cho các nhà báo có thành tích xuất sắc, nhất là thành tích đột xuất, cao hơn danh hiệu “Vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.”. Và hơn thế, trong tương lai, nếu Luật tiếp cận thông tin ra đời, lại thêm cơ sở pháp lý quan trọng, tạo thêm điều kiện thuận lợi hơn để các nhà báo hành nghề. Sự tham gia có tính trực tiếp của luật pháp hiện hành, trong đó có bộ luật hình sự, hình thành cơ chế thống nhất, hành lang pháp lý bảo vệ hữu hiệu quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà báo trong quá trình tác nghiệp. Bảo vệ sự nghiệp báo chí cách mạng, cụ thể hơn là bảo vệ nhà báo trong quá trình tác nghiệp phụ thuộc trước hết vào các quy định của luật pháp đối với họ - với hai tư cách: công dân và nhà báo. Tiếp đó, phụ thuộc vào ý thức chủ quan chủ nhà báo, phải biết tự bảo vệ mình bằng sự dũng cảm, khôn khéo, nắm vững pháp luật. Một yếu tố khác tưởng như vô hình đó là cái tâm của những người thực thi nhiệm vụ bảo vệ pháp luật. Bảo vệ nhà báo chân chính, bảo vệ công cụ của Đảng và Nhà nước vì mục tiêu cao cả xây dựng cái chân, thiện, mỹ là bảo vệ cái đẹp, đẩy lui cái xấu ra khỏi đời sống xã hội, vì sự phát triển của đất nước, dân tộc.

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/Item/VN/NgheBao/Tham-luan-%E2%80%9CDang-luon-quan-tam-va-doi-theo-bao-chi%E2%80%9D-/43DCDF2C46D69DDC/