Thăm 'làng Vũ Đại' trong văn chương

'Làng Vũ Đại' thực chất có tên là làng Đại Hoàng, trước đây thuộc Tổng Cao Đà, huyện Nam Sang; nay là xóm 11, thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Đi vào văn chương, Nam Cao đã sáng tạo ra không gian nghệ thuật có tên “làng Vũ Đại” - một ngôi làng truyền thống Bắc bộ, tọa lạc bên dòng Châu Giang êm đềm. Nằm cách TP.Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) khoảng 50km về hướng Đông Nam, “làng Vũ Đại” năm nào giờ chỉ còn là vết tích. Tiến trình đô thị hóa đã tràn đến những vùng quê xa xôi của Hà Nam, từng ngày, từng giờ “thay da, đổi thịt” vùng đất này.

Những dấu ấn của “làng Vũ Đại” trước năm 1945, trong thời kỳ thực dân - phong kiến mà chúng ta từng bắt gặp trong văn chương Nam Cao, giờ chỉ còn lại khung cảnh nơi căn nhà của ông Trần Duy Bính (còn gọi là Bá Bính), được cho là nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao.

Một góc ngôi nhà Bá Kiến

Hành trình đi tìm “ngôi nhà Bá Kiến”

Chúng tôi đi tìm ngôi nhà Bá Kiến trong một buổi trưa nắng gắt. Thời tiết miền Bắc những ngày chúng tôi đến rất hanh khô. Mặc dù huyện Lý Nhân thuộc đất Hà Nam, song chúng tôi không xuống tàu ở ga Phủ Lý mà dừng lại ở ga Nam Định (TP.Nam Định, tỉnh Nam Định). Từ đây đi đến Lý Nhân sẽ gần hơn đi từ Phủ Lý.

Bác xe ôm chở tôi với giá phải chăng, vòng qua những cung đường quanh co trong thành phố, ra con đê, đến bờ sông Châu Giang, qua cầu rồi đi về xóm 11. Cảnh sắc Bắc bộ vẫn mang một dáng dấp riêng, hấp dẫn và khơi gợi trí tò mò của tôi.

Đường vào nhà cụ Bá không xa. Đầu ngõ có tấm bảng chỉ dẫn, đề chữ: “Ngôi nhà Bá Kiến”. Một mùi thơm sực nức tỏa ra từ những căn nhà ven đường, trước nhà có kê bếp củi nấu cá kho - món ăn trứ danh của đất Hà Nam. Ven đường, những rặng chuối xanh rì tỏa bóng mát xoa dịu tâm hồn người khách lạ giữa buổi trưa đầy nắng. Được biết đó là cây chuối ngự, còn gọi là chuối “tiến vua” (nghĩa là dùng để tiến cống các vị vua chúa trong thời phong kiến).

Tôi men theo con đường lát đá bên phải dẫn vào dãy nhà ngang của cụ Bá, cũng là dãy nhà duy nhất trong số ba dãy nhà còn sót lại sau những cuộc thiên biến vạn hóa “thương hải tang điền”. Ngôi nhà có kết cấu ba gian theo phong cách truyền thống nông thôn Việt Nam, với 4 hàng cột và 16 cột to được làm hoàn toàn bằng gỗ lim có kê chân đá tảng - một trong số những loại gỗ quý hiếm của nước ta, thiết kế các bộ vì theo kiểu chồng rường, nghé, vì nách kiểu giá chiêng chồng rường, các gian hồi chồng rường, chạm khắc trang trí chủ yếu tập trung vào các thân rường, trang trí chủ yếu là vân mây, lá lật, rồng hóa,... Bậc trước được che bởi 3 chuồng cửa bức bàn, mỗi chuồng cửa có 4 cánh.

Đã hơn 100 năm trôi qua, đã biết bao công trình sụp đổ, xóa sổ, song ngôi nhà cụ Bá vẫn chưa một lần nào trải qua tu sửa, vẫn không bị dột nát. Đúng như Nam Cao dựng lên trong tác phẩm, ngôi nhà của cụ Bá thuộc hàng giàu có, sang trọng bậc nhất thời ấy.

Lai lịch cụ bá kiến (cụ Trần Duy Bính)

Độc giả hơn nửa thế kỷ yêu văn chương Nam Cao biết đến nhân vật điển hình mang tên Bá Kiến với tính cách khôn ranh, lọc lõi, một kẻ chuyên “ném đá giấu tay”, đã biến Chí Phèo trở thành tay sai, sống bằng nghề rạch mặt ăn vạ, đánh mất những giá trị tốt đẹp của một con người.

Thế nhưng, cụ Bá ngoài đời không tàn nhẫn như thế - tôi biết được điều này qua lời kể chớp nhoáng bằng trí nhớ của những người già nua, sống hơn nửa thế kỷ trong ngôi làng này.

Cụ Bá Kiến chỉ là tên mà Nam Cao đặt và khái quát lên thành hình ảnh chung của địa chủ, cường hào ở làng xã Việt Nam những năm tháng trước cách mạng. Thực tế, Bá Kiến có tên là Trần Duy Bính (còn được gọi là Bá Bính), mất năm 1946.

Đứng trong nhà cụ Bá, chạm tay vào từng chiếc cột gỗ lim mát mịn, từng thanh cửa đã chứng kiến bao phen đổi thay của thời cuộc, bước qua bậc thềm của ngôi báu làng Đại Hoàng xa xưa, tôi cảm giác như mình đang sống về những ngày trước, trong không khí ngột ngạt của làng xã Việt Nam trước ngày chính quyền về tay nhân dân.

Tôi thấy mình sống trong thế giới nghệ thuật của Nam Cao, từ đó hiểu thêm về tác phẩm của ông và tâm huyết của một nhà văn suốt đời sống và viết, đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Cá kho - món ăn trứ danh của đất Hà Nam

Mong rằng, trước sự thay đổi vần vũ của thời gian, của đất nước, những giá trị văn hóa, lịch sử, những di tích, danh lam, thắng cảnh,... vẫn mãi trường tồn.

Bởi đó không chỉ là địa điểm du lịch, góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực du lịch ở địa phương mà còn là cội nguồn của dân tộc, đất nước./.

Hoàng Khánh Duy

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tham-lang-vu-dai-trong-van-chuong-a172084.html