Thầm lặng nhóm đồng đẳng viên giúp người 'có H' ở huyện biên giới

Đó là nhóm đồng đẳng viên Sao Va ở huyện biên giới Quế Phong (Nghệ An). Nhóm gồm 5 thành niên vẫn hàng ngày rong ruổi trên các bản làng vùng biên để giúp đỡ người nghiện, người nhiễm HIV.

Vượt núi đồi đến với người nhiễm HIV

Giới thiệu về nhóm, anh Lang Chung Hiền, cán bộ phòng dân số (Trung tâm y tế huyện Quế Phong) - trưởng nhóm Sao Va hào hứng nói: "Tuy nhóm mới thành lập được gần 2 năm nhưng đã giúp hàng trăm người nhiễm HIV trên địa bàn được tiếp cận với thuốc điều trị.

Có vất vả nhưng nhóm luôn cố gắng vì họ là người cùng cảnh ngộ, hiểu thấu được tâm tư những người nhiễm HIV. Vì thế dù bản làng có xa, đường sá trắc trở nhưng các thành viên luôn hoàn thành nhiệm vụ".

Các thành viên nỗ lực đến từng bản làng ở huyện vùng biên để tiếp cận người nhiễm HIV.

Đầu tháng, nhóm họp một lần để vừa đánh giá lại công việc vừa lên phương án mới khi một số địa bàn xuất hiện một số ca nhiễm HIV mới. "Những địa bàn đó phải đặc biệt quan tâm, phải tiếp cận ngay để phòng ngừa cho những người xung quanh" – anh Hiền nói.

Ngoài ra, địa bàn rộng, nhóm ít người nên phải phân công cụ thể. Những bản làng cheo leo dành cho những thành viên có sức khỏe, dẻo dai. Gần và thuận lợi hơn thì dành cho chị Lữ Thị Loan; anh Ngân Văn Un có kinh nghiệm nhất trong nhóm thì phụ trách xã Tiền Phong – xã có người nhiễm nhiều nhất huyện.

Phân công xong công việc, các thành viên lại sắp xếp lại tư trang. Người chuẩn bị kim tiêm, người thì bao cao su, thuốc men, sổ sách ghi chép rồi lên chiếc xe máy cà tàng di chuyển đến từng bản làng để tiếp cận với những người mắc bệnh.

Một buổi tư vấn của nhóm Sao Va về căn bệnh HIV.

"Mỗi thành viên đều trang bị cho mình kiến thức cơ bản đến chuyên sâu về những người nghiện, người nhiễm HIV. Ở họ đều có cách nói chuyện riêng cũng như cách tư vấn mềm dẻo nhằm tiếp cận nhiều nhất với những người nhiễm HIV còn ẩn khuất trong các bản làng xa của huyện biên giới này" – anh Hiền tâm sự

Mỗi tháng, mỗi người sẽ chăm sóc, tiếp cận 40-50 người nghi mắc HIV. Với địa bàn rộng nên hầu như các thành viên ít có ngày nghỉ. Chưa kể những lúc mưa gió, nước ở các khe suối lên cao thì việc ở lại nhà dân bản là chuyện thường ngày.

"Đi làm những lúc mưa gió thì vợ con ở nhà lo lắm nên tôi thường gọi điện động viên vợ con. Ở lại trong bản mình lại được chia sẻ nhiều hơn với bà con. Đặc biệt, là những người nhiễm HIV bởi họ cần những người như chúng tôi để nói chuyện, sẻ chia. Mắc căn bệnh này họ luôn ẩn mình, sợ những người khác biết" – anh Un kể.

Phụ trách xã Tiền Phong với những bản rất xa như Ná Sành, Xốp Sành… cách Trạm y tế xã hơn 15km, đường sá đi lại rất cheo leo. Người nhiễm bệnh ở đây hầu hết cuộc sống đang rất khó khăn nên công việc của anh Un vất vả bội phần.

Anh Un tâm sự: "Có vất vả thì mình phải càng cố gắng. Nếu lơ là một ngày thì rất nguy hiểm vì địa phương đang là "điểm nóng" về người nhiễm HIV với hơn 400 người mắc ở hầu hết các bản. Nhiều nhất là bản Tạng, bản Ná Sành….".

"Nhận điện thoại là có mặt"

Nhiều người rất sợ bệnh HIV cũng như sợ người khác biết mình mắc bệnh nên họ ngại đến các cơ sở y tế. Bởi vậy, các thành viên trong nhóm thường nhận được những cuộc điện thoại ngập ngừng, e dè.

"Nhận những cuộc điện thoại này chúng tôi biết họ là những người đang nghi nhiễm HIV. Phải nói làm sao để họ yên tâm và cho địa chỉ để mình đến tận nơi. Dù tối muộn hay mưa gió chúng tôi không nề hà" – anh Un chia sẻ.

Mưa gió nhưng nhóm vẫn cố gắng đưa người nghi nhiễm đến cơ sở y tế.

Khi đến gặp những người nghi nhiễm, các thành viên thường có cách tiếp cận riêng. Quan trọng nhất là có được lòng tin của những người này. "Đây cũng là kỹ năng rất quan trọng trong mỗi thành viên. Có được lòng tin thì công việc coi như hoàn thành đến 70%. Việc lấy test cũng sẽ dễ dàng hơn. Đặc biệt, khi chờ kết quả test, các thành viên chủ động nói chuyện vui để người bệnh vơi bớt lo lắng"– anh Hiền kể.

"Không có gì phải lo hết"; "Bệnh này giờ cũng bình thường như bao bệnh khác"; "Nếu mắc phải thì cố gắng uống thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ thì bệnh sẽ giảm dần"… đó là những lời động viên để người mắc sẽ yên tâm hơn.

Khi có kết quả dương tính, nhóm sẽ thuyết phục và chở người mắc đến Trung tâm y tế làm khẳng định luôn. Trên đường đi là bao nhiêu chuyện họ hỏi, bao nhiêu lo lắng họ tâm sự, nhóm đều lắng nghe và tư vấn cụ thể. Phải làm mọi cách để họ thật yên tâm điều trị và cốt lõi là việc tư vấn cho họ hiểu rõ căn bệnh cũng như cách phòng tránh.

Thành viên nhóm Sao Va tiếp cận với người nghi nhiễm.

Có tâm sự mới biết rất nhiều người mắc HIV có hoàn cảnh khó khăn. Đó là chị Moong Thị K. (52 tuổi, ở bản Ná Cày) chỉ sống lủi thủi một mình, không chồng, không con. Rồi chị chị C.T.M (18 tuổi), chồng là L.V.T (19 tuổi) là người Khơ Mú, trú ở bản Na Nhắng cưới nhau xong vẫn không biết mình bị H. Họ chỉ biết mình mang căn bệnh nguy hiểm khi được tình nguyện viên đồng đẳng vận động đi khám. Đáng thương nhất là em T.Q.A (10 tuổi, bản Tạng) bố mẹ đã mất vì H. giờ em sống cùng bà nội trong căn nhà dột.

"Những trường hợp này nhóm đều góp chút tiền để hỗ trợ dù phụ cấp của chúng tôi còn rất hạn chế" – anh Un chia sẻ.

Nhắc đến việc này, anh Hiền chia sẻ: "Phụ cấp cho các thành viên là hơn 2 triệu đồng/ tháng. Những lúc xăng tăng giá thì anh em có hơi vất vả. Nhóm không phàn nàn về điều này mà họ chỉ mong sao phát hiện thêm nhưng ca bệnh đang ẩn khuất trong các bản làng, được tiếp cận, tư vấn và hỗ trợ họ. Ngăn chặn được căn bệnh HIV, để bản làng luôn bình yên như thác Sao Va là tâm niệm của nhóm".

V. Đồng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tham-lang-nhom-dong-dang-vien-giup-nguoi-co-h-o-huyen-bien-gioi-169221019144104893.htm