Thầm lặng nhà giáo vùng cao Quảng Nam

Để các em yên tâm tiếp tục đến trường những thầy cô giáo các huyện miền núi vùng cao tỉnh Quảng Nam không quản ngại làm bất cứ một công việc gì, từ việc dựng nhà trọ để các em học cho đến trồng rau trên rẫy hay bên bờ suối…

Vào một ngày cuối tháng 8/2017, chúng tôi có chuyến đi thực tế tại các huyện vùng cao tỉnh Quảng Nam, vượt quãng đường hơn 50 km từ thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) vào đến xã Phước Lộc, phải vất vả lắm chúng tôi mới đến được Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Phước Lộc. Đây được xem là khu vực khó khăn nhất về giao thông của huyện Phước Sơn tính đến thời điểm này.

Tuy nhiên, vào đến Trường Phổ thông DTBT TH&THCS Phước Lộc chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với những thay đổi nơi đây. Cách đây hơn hai năm trước, học sinh xã Phước Lộc còn dựng nhà tạm để ở, còn ăn không đủ no vì nguồn lương thực thực phẩm khan hiếm, bây giờ thì tình hình hoàn toàn khác. Nhìn nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của các cán bộ, giáo viên và học sinh trường xã Phước Lộc, chúng tôi mới cảm nhận rõ niềm vui của thầy trò đang công tác nơi đây.

Xin khai hoang khu đất để trồng rau

Đưa chúng tôi vượt qua con suối đang vào mùa nước cạn cách điểm trường hơn 500m, thầy giáo Nguyễn Văn Ánh, hiệu trưởng nhà trường tự hào giới thiệu về vườn rau bán trú mà thầy trò đã đổ biết bao công sức để xây dựng. Nhìn vườn rau xanh mướt trong cái nắng sớm cuối hè ở vùng cao, chúng tôi mới hiểu được thầy trò Phước Lộc đã cố gắng duy trì mầm xanh ở đây như thế nào. Thầy Ánh kể những năm trước nhà trường không có đất để trồng rau, việc tăng gia sản xuất cải thiện bữa ăn cho học sinh bán trú rất khó khăn, lương thực thực phẩm đều phải đặt mua từ dân bản hoặc lấy từ thị trấn Khâm Đức vào.

Năm học 2013 - 2014 là năm đầu tiên huyện Phước Sơn tổ chức công tác bán trú cho học sinh. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng làm tốt công tác này. Điểm Trường Phước Lộc là xã vùng cao xa nhất huyện, nằm trong diện khó khăn nhất của các xã vùng cao huyện Phước Sơn, không có điều kiện xây dựng điểm bán trú do thiếu đất sản xuất. Cách xa trường hơn nửa cây số, bên kia là con suối có một thửa đất bị bỏ hoang nhưng không ai đưa ra ý kiến sang đó để khai hoang. Lý do: bày ra là lấy nhân lực ở đâu để làm, hơn nữa làm xong cũng không bảo vệ được vì cách xa trường, sợ trâu bò vào phá hoại. Vậy là mấy năm học trôi qua, học sinh vẫn phải tự túc rau ăn là chính. Đầu năm học 2015 - 2016, thầy Ánh được UBND huyện Phước Sơn điều động về trường làm hiệu trưởng. Nhìn cảnh hơn 370 học sinh bán trú của trường không đủ rau ăn, thầy Ánh đã đưa ra một quyết định táo bạo. Theo đó, cuối tháng 8/2016 thầy Ánh đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo xã, xin mảnh đất bỏ hoang kia để khai hoang trồng rau. Hơn hai tháng trời miệt mài, không quản nắng mưa, thầy trò tập trung khai hoang, cải tạo đất, rào vườn. Đích thân thầy Ánh lặn lội từ trường về thị trấn Khâm Đức để mua giống rau, mua lưới B40 rào vườn; còn cán bộ, giáo viên và học sinh vào từng nhà dân xin phân chuồng về cải tạo đất... Có vườn, có rau rồi nhưng một khó khăn nữa lại nảy sinh, đó là vấn đề nước tưới. Vườn ở trên cao, còn suối lại thấp nên không thể dùng vòi tưới. Vậy là sau mỗi buổi học thầy trò lại cùng nhau xuống suối xách nước để tưới rau.

Tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn

Để học sinh vừa có rau ăn lâu dài, vừa rèn cho các em về kỹ năng sống, thầy Ánh đưa ra một khẩu hiệu cho toàn trường là “Rèn kỹ năng, tăng khẩu phần”. Qua việc chăm sóc vườn rau, học sinh được rèn luyện kỹ năng sản xuất, thực hành lao động. Rời vườn rau cũng là lúc chúng tôi được chứng kiến cảnh hơn 370 học sinh bán trú của trường quây quần ăn uống bên nhau. Những dãy bàn ăn trải dài, học sinh ra vào tấp nập nhưng rất có quy củ. Nội quy phòng ăn được phổ biến rõ ràng, chế độ ăn uống của các em được công khai hàng ngày.

Chúng tôi hỏi một em học sinh: “Em thấy ăn uống ở đây thế nào?”, em hồn nhiên trả lời: “Bây giờ ăn uống không sợ thiếu gì nữa. Năm trước, em phải mang rau từ nhà đi để ăn thêm, năm nay có vườn rau rồi, ăn không hết!”. Chúng tôi ngỏ ý muốn được đi xem phòng ở của các em học sinh bán trú, thầy Ánh nhiệt tình đưa chúng tôi vào tận các phòng nằm trong dãy nhà ở hai tầng khang trang vừa mới xây đã đưa vào sử dụng. Các em học sinh dân tộc Bhnong, Ca Dong sắp xếp phòng ở của mình rất ngăn nắp, giường chiếu, chăn màn gấp gọn gàng, sạch sẽ. Mỗi ngày các em đều phân công trực nhật để đảm bảo vệ sinh phòng ở của mình. Để giáo dục học sinh nâng cao ý thức tập thể và kỹ năng sống, nhà trường còn phát động phong trào thi đua “Phòng ở điển hình” trong mỗi tháng.

Năm học mới bắt đầu dưới chân núi Pôkadong

Bước vào năm học mới 2017 - 2018 này, hàng chục học sinh dân tộc Ca Tu ở xã La Dê ê là 1 trong 3 xã vùng cao biên giới của huyện Nam Giang, cách thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam 120 km, lại quây quần trong những túp lều tranh tre, nứa lá dựng tại khuôn viên của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS La Dê ê, dưới chân núi Pô Ka Dong để trọ học.

Khi chúng tôi tới trường, 479 học sinh dân tộc Ca Tu ở trong khu bán trú của Trường Phổ thông DTBT THCS La Dê ê, đang vui đùa, chơi thể thao cạnh ba dãy lều trọ học dựng bằng tranh tre, nứa lá. Các em này đều sống trong các bản vùng sâu, cách xa trường học từ 8 - 10km, như bản Chơ Chum, bản Đăk Tôi, bản làng Cói, bản Khe Dum. Đường đến trường phải trèo đèo, vượt dốc, lội suối nên các em không thể đi về trong ngày được. Để học sinh yên tâm học tập, đỡ vất vả trong chuyện đi lại, từ hai năm nay UBND xã La Dê ê, phối hợp với nhà trường, phụ huynh cùng làm khu lều trọ học cho các em.

Nguyên vật liệu để làm khu lều được lấy từ rừng như luồng, tre, lá cọ, lá kè lợp mái. Trước khi các em bước vào năm học mới, dãy lều trọ học đã được dựng xong. Chính quyền xã, nhà trường kéo điện lưới quốc gia, mắc bóng đèn thắp sáng, lắp ổ cắm điện tại các phòng, xây dựng bể nước sạch cho các em sử dụng miễn phí. Thầy giáo Nguyễn Văn Phi, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS La Dê ê, cho biết khu lều trọ học của học sinh được dựng ngay trong khuôn viên của nhà trường.

Dù còn nhiều khó khăn, vào mùa mưa có phòng còn bị dột, mùa khô nguy cơ cháy rất cao nhưng thầy cô giáo của nhà trường luôn quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ cho học trò. Những ngày đầu đến ở lều trọ học cạnh trường, các em học sinh tự lo việc nấu ăn, sinh hoạt. Bữa cơm các em tự nấu vừa nhếch nhác, lại thiếu thức ăn. Nhiều hôm thầy cô giáo tới khu lều trọ học nhìn các em ăn cơm trưa với bát canh lõng bõng, vài miếng đậu phụ hoặc con cá khô quắt queo, đĩa muối trắng nhìn thấy cảnh mà rơi nước mắt. Trong khi đó, số tiền Nhà nước hỗ trợ bữa ăn với mức hơn 460.000 đồng/học sinh/tháng thường được phụ huynh và các em sử dụng không đúng mục đích.

Từ thực tế đó, ban giám hiệu nhà trường mời phụ huynh bàn bạc, quyết định nấu ăn tập trung cho học sinh tại trường. Số tiền hỗ trợ nói trên sẽ được cấp trực tiếp cho phụ huynh. Sau đó, phụ huynh nộp tiền ăn cho con mình theo tháng. Mỗi tháng có 26 ngày ăn (trừ bốn ngày Chủ nhật, học sinh nghỉ, về nhà) với mức ăn 17.000 đồng/ngày/học sinh gồm bữa sáng và hai bữa chính. Bữa chính gồm cơm, thịt (hoặc cá tươi), trứng (hoặc cá khô), canh rau, còn bữa sáng có miến, búm hoặc mì tôm. Nhà trường bỏ kinh phí thuê người chuyên nấu ăn, kết hợp với giáo viên hỗ trợ chuẩn bị bữa ăn và quản lý mọi sinh hoạt của học sinh tại khu lều trọ học. Toàn bộ chi phí về nhân công phục vụ bữa ăn, tiền điện, gas đều do nhà trường tiết kiệm chi tiêu để chi trả.

Đây là trường THCS đầu tiên ở huyện vùng cao Nam Giang lo được bữa cơm có thịt cho học sinh một cách chu đáo, phát huy được hiệu quả của nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho học sinh nghèo vùng khó khăn. "Trước kia khi chưa có khu bán trú này, chúng em phải dậy từ lúc 4g sáng đi bộ đến trường mới kịp giờ học. Đi bộ nhiều cũng mỏi chân, sụm đầu gối nên nhiều bạn nản lòng, bỏ học giữa chừng. Từ khi có khu bán trú trong trường, mỗi tuần chúng em chỉ về nhà một lần, dành thời gian cho việc học tập. Ở khu bán trú, hằng ngày chúng em còn được thầy cô giáo nấu cơm cho các em ăn như ở nhà chung với bố mẹ” các em học sinh ở trường này đã chia sẻ; hành trình “cõng” con chữ lên vùng cao có lẽ còn rất nhiều khó khăn. Những vất vả, gian nan vẫn còn chờ đợi những giáo viên cắm bản ở phía trước. Thế nhưng với lòng nhiệt huyết, niềm đam mê nghề nghiệp và tình yêu nghề, sự thương yêu các em học sinh tộc người những giáo viên vùng cao sẽ còn phải tiếp tục nỗ lực, không ngại băng rừng, lội suối, để bám làng, bám bản, nuôi dưỡng ước mơ cho con em đồng bào nơi rẻo cao. Còn với chúng tôi khi có dịp đi thực tế và trực tiếp chứng kiến những người bạn đồng nghiệp của mình thật là cảm phục sự hi sinh cao cả vì các em học sinh thân yêu, chính các thầy cô giáo hiện đang công tác nơi đây họ được ví như những người chiến binh ngoài mặt trận vậy.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/ket-noi/tham-lang-nha-giao-vung-cao-quang-nam-3806740-b.html